Bản tin MXV Năng lượng 21/03: Sắc xanh quay lại thị trường dầu trước kỳ vọng cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng đã được kiểm soát
01:50 SA @ Thứ Ba - 21 Tháng Ba, 2023

Giá dầu phục hồi 1% sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng do thị trường lo ngại về cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng có thể lan rộng trở thành suy thoái kinh tế và làm giảm nhu cầu tiêu thụ với dầu. Kết thúc phiên 20/02, giá dầu thô WTI tăng 1,33% lên 67,82 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 1,12% lên 73,79 USD/thùng.

Sức ép bán gia tăng từ đầu phiên bất chấp thoả thuận mua lại ngân hàng Credit Suisse của Ngân hàng lớn nhất Thuỵ Sĩ, UBS. Trước những sự kiện tiêu cực của thị trường tài chính trong thời gian gần đây, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã tiến hành hạ dự báo giá dầu Brent, xuống dưới 100 USD/thùng và chỉ còn 94 USD/thùng trong 12 tháng tới và 97 USD/thùng trong nửa cuối năm 2024.

Bước sang phiên tối, đà giảm của giá dầu thu hẹp và sắc xanh xuất hiện nhờ dòng tiền quay trở lại với các thị trường đầu tư rủi ro. Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ là S&P 500, Nasdaq và Dow Jones đều tăng, đồng thời thước đo nỗi sợ thị trường, chỉ số VIX cũng giảm hơn 5% về 24,16 điểm, mức thấp nhất trong vòng 3 phiên.

Tâm lý lo ngại đã giảm bớt, khi mà các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng cuộc khủng hoảng của ngành ngân hàng đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD giúp cho sức mua được gia tăng trên thị trường dầu. Chỉ số Dollar Index giảm về 103,31 điểm, mức thấp nhất trong vòng một tháng. Công cụ theo dõi lãi suất của CME cho biết có khoảng 77% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, cùng với mức đỉnh lãi suất đang được dự báo giảm về 4,75 – 5,00% so với mức 5,50% trước đây.

Về phía các yếu tố cung cầu, từ đầu năm tới nay, điểm sáng hiếm hoi của thị trường dầu nằm ở những kỳ vọng phục hồi của Trung Quốc. Mới đây, Chính phủ nước này dù không hạ lãi suất để tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có những động thái “nới lỏng” nhất định như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 11% về 10,75%. Thông tin này cũng làm gia tăng kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng tiêu thụ dầu trong thời gian sắp tới.

Tại châu Âu, Liên minh bảy nước (G7) đã tiến hành hoãn sửa đổi mức giá trần đang áp dụng với dầu thô của Nga. Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho thấy dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga được bán với giá thấp hơn mức giá trần vào tháng trước. Theo Bloomberg, giá xuất khẩu trung bình của dầu thô Nga hiện ở mức 52,48 USD/thùng, chưa bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm. Tính đến tuần kết thúc ngày 17/03, tổng khối lượng xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga giảm nhẹ về mức 3,2 triệu thùng/ngày.

Giá dầu đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các tin tức vĩ mô hơn là những yếu tố cơ bản về cung cầu. Tuy nhiên, việc nguồn cung của Nga không suy yếu nhiều sau khi Chính phủ nước này công bố sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng hiện đang là yếu tố khiến cho đà tăng của giá dầu cũng bị hạn chế.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Giá dầu WTI bật tăng sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ tâm lý 65 USD/thùng. Chỉ số RSI vẫn duy trì không giảm về vùng quá bán. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch được cải thiện trong phiên tăng hôm qua. Ba phiên liên tiếp giá dầu đều rút chân ở khu vực hỗ trợ 65 USD này. Tâm lý thị trường cũng lạc quan hơn, nên các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua từ 67,5 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 69,7 USD.

Nguồn: