Giá dầu đóng cửa trong sắc xanh sau phiên giao dịch biến động ngày hôm qua. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,57% lên 103,79 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 1,43% lên 108,33 USD/thùng.
Yếu tố chính hỗ trợ giá dầu thô trên thị trường hiện tại vẫn là những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Mặc dù Bộ Năng lượng Mỹ cho biết đã hoàn tất mở bán 30 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, tuy nhiên vẫn không đủ để giải quyết lo ngại về nguồn cung sụt giảm từ Nga – một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Các dữ liệu theo dõi tàu cho thấy xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga thông qua biển Baltic, Biển Đen và Biển Bắc trong tuần kết thúc ngày 15/04 chỉ đạt 3,12 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Con số này cũng thấp hơn 24% so với kỳ theo dõi trước đó. Trong khi đó, các gián đoạn nguồn cung bất ngờ liên tiếp xảy ra, như tại Libya hay việc đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan chưa hoàn thành sửa chữa cũng là yếu tố thúc đẩy đà tăng. Các thông tin mới từ xung đột Nga – Ukraine như việc Nga tuyên bố nắm giữ thành phố cảng Mariupol cũng khiến cho khả năng xung đột kéo dài ngày càng lớn.
Mặc dù giới phân tích kỳ vọng xuất khẩu dầu thô của Nga có thể tiếp tục giảm, đặc biệt khi các nước EU vẫn đang trong quá trình nghiên cứu khả năng cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga, tuy nhiên cũng có rất nhiều yếu tố cần cân nhắc trước khi EU thực sự áp dụng chính sách này. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng lên tiếng cảnh báo EU cần thận trọng với các quyết định của mình, dù Mỹ đã tiến hành cấm vận dầu từ Nga.
Bên cạnh đấy, tại vùng giá cao hiện tại, đã bắt đầu các dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể sẽ suy yếu. Áp lực lạm phát lớn đang khiến cho nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đổi sang chiến lược thắt chặt lãi suất để kiểm soát giá hàng hóa. Trong phát biểu ngày hôm qua, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell gợi ý rằng Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5. Sau 1 thời gian dài nới lỏng chính sách tiền tệ, Powell thừa nhận Fed cần sử dụng mọi biện pháp cần có, và phải làm thế nào để tránh nền kinh tế rơi vào suy thoái. Điều này khiến cho dòng tiền trên thị trường tài chính chuyển dịch dần vào tiền mặt, và kìm hãm đà tăng của giá dầu thô ngày hôm qua.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, các chỉ số RSI và MACD vẫn đang đi ngang và không tạo ra tín hiệu rõ ràng. Giá WTI kỳ hạn tháng 06/2022 gặp áp lực tại vùng kháng cự 106 USD/thùng và không có nhiều động lực để bứt phá khỏi khoảng giao dịch 102-106 USD/thùng. Do dó, có thể canh mua khi giá ở sát vùng 102 USD/thùng hoặc bán khi giá ở sát vùng 105,5-106 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời 1-1,5 USD/thùng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)