Dầu thô tăng trở lại trong phiên giao dịch khi nỗi lo nguồn cung quay trở lại với thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu thô WTI tháng 8 tăng 0,91% lên 108,97 USD/thùng, hợp đồng dầu thô Brent cùng kỳ hạn cũng đóng cửa cao hơn 0,89% lên 114,13 USD thùng.
Sức ép lớn nhất đối giá dầu thô vẫn là những lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu, tuy nhiên trong ngắn hạn, sự mất cân bằng cung cầu của thị trường vẫn là việc mà các nhà đầu tư đang để tâm hơn. Các lệnh cấm vận đối với Nga đang khiến cho sản lượng của nước này sụt giảm 2 triệu thùng trong bối cảnh chưa có một nguồn cung nào ổn định để bù đắp mức thiếu hụt này. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm tinh chế trong giai đoạn cao điểm mùa hè cũng là một yếu tố hỗ trợ sức mua trên thị trường.
Năng lực sản xuất dầu thô và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ hiện đang rất hạn chế, khi mà số liệu mới nhất từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes chỉ cho thấy tổng số lượng giàn khoan dầu và khí tại nước này tăng vỏn vẹn 7 giàn lên 740 trong tuần vừa qua. Giá xăng tăng vọt khiến cho Quốc hội Mỹ phải cân nhắc tới việc sử dụng Luật thời chiến để thúc đẩy các công ty dầu tăng sản lượng đầu ra.
Hiện quốc gia duy nhất có thể gia tăng công suất lọc dầu với khối lượng lớn là Trung Quốc, tuy nhiên, khoảng 1/3 công suất xử lý nhiên liệu này đang ngừng hoạt động khi nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu phải vật lộn để chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát hạn ngạch xuất khẩu để chủ yếu phục vụ thị trường nội địa thay vì trở thành một nhà cung cấp dầu lớn cho thế giới.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 5/2022 giảm xuống 1,77 triệu tấn, tương đương 465.580 thùng/ngày và là mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Trong khi đó nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng gần 12% so với cùng kỳ lên 10,8 triệu thùng ngày. Nga đã soán ngôi Arab Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất với việc xuất khẩu 8.42 triệu tấn trong tháng 5, tăng 55% so với một năm trước. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhập khẩu thêm 260.000 tấn dầu từ Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Châu Âu và Mỹ hiện đang trong giai đoạn tiêu thụ cao điểm, trong bối cảnh sản lượng dầu của Nga và Iran không thể quay lại với hai khu vực này, mà hướng về châu Á, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc. Mới đây, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết Mỹ đang đàm phán với Canada và các đồng minh khác để áp giá trần đối với dầu của Nga. Động thái này nhằm hạn chế hơn nữa doanh thu năng lượng cho Nga, trong khi vẫn gia tăng được nguồn cung đối với thị trường dầu thế giới
Mặc dù vậy, đà tăng của phiên hôm qua cũng bị hạn chế khá nhiều, khi mà Bộ trưởng Năng lượng của Lybia, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất châu Phi cho biết sản lượng dầu của nước này đã hồi phục lên 700.000 đến 800.000 thùng trong tuần qua. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn không bền vững và có thể biến động mạnh trong bối cảnh xung đột chính trị tại Lybia vẫn gây khó khăn cho sản xuất.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI vẫn đang vượt lên mức kháng cự 109 USD, các chỉ số RSI và MACD đều đã hướng lên nhưng chưa có tín hiệu xác nhận cho việc lực mua mạnh quay trở lại thị trường. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua ở mức 108,5 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 111 USD, đồng thời đặt điểm cắt lỗ ở mức 107 USD để hạn chế tối đa rủi ro.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)