Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/02, giá dầu suy yếu khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi thông tin từ Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào đêm nay, nhằm tìm kiếm thêm thông tin về lộ trình tăng lãi suất khi bài toán lạm phát đang là “điểm nóng” trở lại. Lo ngại về chi phí vay tăng cao gây áp lực tới nền kinh tế đã làm suy yếu giá dầu bất chấp một vài tín hiệu tích cực về nhu cầu tại các thị trường châu Á. Giá dầu WTI giảm nhẹ 0,25% xuống 76,36 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 1,21% xuống mức 82,77 USD/thùng.
Trọng tâm trên thị trường tài chính nói chung vẫn đang hướng về kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed. Hôm qua, nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs Group trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg cho biết nhiều khả năng 75 điểm cơ bản sẽ được bổ sung trong tổng cộng 3 cuộc họp tiếp theo của Fed và sẽ chưa có sự cắt giảm lãi suất nào trong năm nay, nhằm nỗ lực đưa lạm phát về mức mục tiêu. Điều đó có thể đưa mức lãi suất lên mức đỉnh khoảng 5,25 – 5,5%. Trước đó, các quan chức Fed cũng bày tỏ động thái cứng rắn liên quan tới vấn đề thắt chặt tiền tệ, thậm chí còn ủng hộ mức tăng 50 điểm cơ bản trong kỳ họp cuối tháng 3. Điều này đã gây sức ép tới giá dầu ngay từ phiên mở cửa buổi sáng.
Giá dầu chỉ lấy lại một chút động lực tăng sau khi các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh tốt hơn mong đợi ở châu Âu và Anh cho thấy triển vọng kinh tế ít ảm đạm hơn so với lo ngại trước đây. Chỉ số quản lý mua hàng tổng hợp (PMI) của S&P Global cho 20 quốc gia sử dụng đồng Euro, được coi là thước đo tốt về sức khỏe kinh tế chung của khối, đã tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng là 52,3 vào tháng 2 từ mức 50,3 của tháng 1.
Tuy nhiên, lực bán nhanh chóng quay trở lại trong phiên tối khi thị trường tài chính Mỹ hoạt động sôi nổi, với tâm lý lo ngại về chi phí vay tăng cao. Điều đó đã thúc đẩy xu hướng nắm giữ đồng USD có tính thanh khoản cao, đẩy chỉ số Dollar Index tăng 0,31% lên 104,18 điểm, từ đó liên tục gây áp lực cho giá dầu.
Ngoài ra, dòng chảy các sản phẩm dầu từ Nga kể từ sau lệnh cấm vận của phương Tây chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng, cũng hạn chế nỗ lực phục hồi của giá dầu. Trong nửa đầu tháng Hai, các lô hàng nhiên liệu như diesel từ các cảng của Nga đạt trung bình hơn 1 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với tháng 1, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình hàng ngày năm 2022.
Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đã khiến cho giá dầu diesel của Nga có giá thấp hơn khoảng 35 USD/thùng so với các nguồn khác, đạt khoảng 72,4 USD/thùng. Ngoài ra, với tỷ lệ các nhà máy lọc dầu của Nga cao hơn và lượng dầu thô thấp hơn trong những tháng tới, xuất khẩu dầu diesel của nước này dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, trên khung Daily, giá dầu vẫn nằm ở cạnh dưới của dải Bollinger Band. Trên khung H4, giá vẫn chưa thể phá vỡ đường cổ 77,8 USD trong mô hình 2 đỉnh. Nhiều khả năng giá sẽ test lại cạnh giữa của dải Bollinger Band khung này và giảm trở lại, biên độ dao động hẹp hơn chờ đợi các tin tức cơ bản. Nhà đầu tư có thể bán ngắn tại 77,6 USD/thùng và chốt lời tại 75,5 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)