Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/08, dầu thô đã có phiên giảm giá thứ 2 liên tiếp, trong bối cảnh nguồn cung tại Iran có xu hướng gia tăng mạnh mẽ, được kỳ vọng sẽ bù đắp một phần thiếu hụt từ các thành viên còn lại của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,6%, đánh mất mốc 80 USD/thùng khi chốt phiên với mức giá 79,64 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,48% xuống 83,69 USD/thùng.
Iran hiện có kế hoạch tiếp tục tăng sản lượng dầu khi các áp lực ngoại giao với Mỹ đang có xu hướng giảm bớt. Quốc gia này dự kiến sẽ tăng sản lượng lên 3,4 triệu thùng/ngày vào cuối mùa hè, theo Bộ trưởng Dầu mỏ Javad Owji. Điều đó sẽ đưa sản lượng gần giới hạn công suất của Iran là 3,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu của Iran đã tăng khoảng 50% trong 2 năm qua.
Phát biểu của ông Owji được đưa ra trong bối cảnh những nỗ lực ngoại giao giữa Mỹ và Iran kéo theo một vài suy đoán về việc hồi sinh các khía cạnh của thỏa thuận hạt nhân đã bị từ bỏ vào năm 2018. Trong trường hợp thoả thuận được khôi phục, nguồn cung dầu thô từ Iran tăng cường ra ngoài thị trường sẽ bù đắp cho những thiếu hụt từ các nước còn lại trong nhóm OPEC+.
Các cuộc đàm phán tiếp theo có thể tạo tiền đề cho Iran thúc đẩy xuất khẩu dầu vốn đang có xu hướng tăng lên đáng kể trong tháng 8. Thông tin này đã gây sức ép tới giá dầu trong phiên.
Thêm vào áp lực giảm giá, những bế tắc trong việc xuất khẩu dầu thô từ khu vực phía bắc Iraq đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ đang dần có dấu hiệu tích cực hơn. Mặc dù Bộ trưởng dầu mỏ Iraq và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã không đạt được thỏa thuận khôi phục ngay lập tức cho việc xuất khẩu dầu ở miền Bắc Iraq, nhưng đồng ý tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn trong tương lai và bày tỏ mong muốn nối lại hoạt động xuất khẩu. Điều đó đem lại cơ hội khôi phục khoảng 450.000 thùng dầu/ngày xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với dòng chảy dầu thô bằng đường biển từ Nga trong tuần qua đã ghi nhận đà giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1, đạt 2,37 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,42 triệu thùng/ngày so với tuần trước đó, do tải lượng thấp không rõ nguyên nhân tại cảng Novorossiysk ở Biển Đen.
Mặc dù Nga cũng cam kết hạn chế xuất khẩu dầu, nhưng nhu cầu tại các đối tác hàng đầu của Nga bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ cũng yếu hơn rõ rệt. Tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ giảm 5,2% từ tháng 6 xuống 4,4 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 7 do một số nhà máy lọc dầu đóng cửa để bảo trì. Trong đó, nhập khẩu dầu của Nga giảm 5,7% xuống 1,85 triệu thùng/ngày, mức giảm đầu tiên sau 9 tháng và xuất khẩu của Saudi Arabia giảm 26% xuống 470.000 thùng/ngày, thấp nhất trong hơn 2 năm.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) báo cáo tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/8, nhưng tồn kho xăng tăng 1,9 triệu thùng, trái với dự báo giảm của giới phân tích. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ chững lại và giá dầu có thể tiếp tục gặp áp lực nhẹ trong phiên mở cửa hôm nay.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu đã rơi xuống dưới vùng hỗ trợ 80 USD, cũng là mức Fibo 0,786 cho sóng giảm từ vùng 84 USD tới vùng 79 USD. Trên khung H4, giá dầu cho thấy động lực khá yếu để có thế phá vỡ vùng 80,2 – 80,3 USD trong phiên hôm qua. Giá cũng đang củng cố dưới đường EMA50 và đường SMA của dải Bollinger Band. Nhiều khả năng sẽ về vùng hỗ trợ 78,8 – 79 USD trong phiên hôm nay. Việc phá vỡ vùng hỗ trợ này sẽ đưa giá hướng xuống mục tiêu tiếp theo ở Fibo 1,272, vùng giá 77,5 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)