Kết thúc tuần giao dịch ngày 19/06 – 25/06, giá dầu gặp áp lực trở lại trước các dữ liệu kinh tế kém sắc của một số quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới. Rủi ro suy thoái kinh tế tiềm ẩn tiếp tục là thách thức cho đà phục hồi của giá dầu.
Giá dầu WTI giảm 3,85% trong tuần qua, đánh mất mốc 70 USD/thùng. Giá dầu Brent đóng cửa tuần ở mức giá 73,85 USD/thùng, thấp hơn 3,6% giá trị so với cuối tuần trước đó.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã bất ngờ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản sau khi công bố dữ liệu lạm phát trong tháng 5 cao hơn ước tính. Mức tăng này đã gây ra bất ngờ lớn cho thị trường, khi trước đó, phần lớn dự đoán cho rằng BOE sẽ chỉ bổ sung 25 điểm cơ bản.
Các Ngân hàng trung ương ở Na Uy và Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất lần lượt 0,5 và 0,25 điểm phần trăm, thể hiện quyết tâm bình ổn giá cả. Động thái mạnh tay này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái, có thể làm suy giảm tiêu thụ dầu thô, và gây áp lực tới giá dầu.
Theo số liệu sơ bộ của S&P Global, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất sơ bộ của khu vực châu Âu (EU) chỉ đạt 43,6 điểm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020, thời điểm mà đại dịch COVID-19 đang bùng phát nặng nề. Điều này phản ánh sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy tại EU, bằng chứng cho thấy chi phí vay tăng cao đang gây áp lực tới nền kinh tế khu vực.
Trong khi đó, tại Mỹ, chỉ số PMI sản xuất sơ bộ cũng đã giảm xuống mức 46,3 điểm trong tháng 06 từ mức 48,4 điểm của tháng trước đó và thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế 2,2 điểm.
Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ đem lại động lực phục hồi giá dầu, vẫn đang hạn chế các kích thích kinh tế. Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm (áp dụng đối với các khoản vay đầu tư dài hạn như vay mua nhà, các khoản thế chấp) hạ xuống còn 4,2% từ mức 4,3%. Mức cắt giảm này thấp hơn 5 điểm cơ bản so với kỳ vọng của thị trường.
Thị trường cũng vắng bóng các tin tức từ Trung Quốc trong tuần qua do kỳ nghỉ Lễ hội Thuyền rồng. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bloomberg, chi tiêu du lịch của Trung Quốc trong kỳ nghỉ năm nay chỉ bằng khoảng 95% so với mức trước đại dịch, nhấn mạnh sự chậm lại trong hoạt động tiêu dùng.
Các ngân hàng lớn trên thế giới hiện kỳ vọng tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ nằm trong khoảng từ 5,1% - 5,7% trong năm 2023, giảm so với mức 5,5% - 6,3% trước đó.
Tuy nhiên, vùng giá hỗ trợ 67 USD/thùng đối với dầu WTI và 72 USD/thùng đối với dầu Brent đã ngăn cản đà giảm sâu của giá dầu, giúp hai mặt hàng này lấy lại đà phục hồi nhất định trong phiên cuối tuần. Về trung hạn, rủi ro thâm hụt nguồn cung còn tiềm ẩn khi nhóm OPEC+ hạn chế sản lượng, và các hoạt động khoan dầu tại Mỹ chậm lại.
Báo cáo của Tập đoàn dầu khí Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 5 xuống 682 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 23/06, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022, và là tuần giảm thứ 8 liên tiếp.
Trái ngược với dầu thô, giá khí tự nhiên tăng 3,69% lên 2,73 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh trong tuần qua, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3. Một đợt nắng nóng toàn cầu khiến nhiệt độ phá kỷ lục ở nhiều nơi, đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng cung cấp cho hệ thống làm mát và hỗ trợ giá khí.
Ngoài ra, nguồn cung thu hẹp tại Na Uy tiếp tục củng cố cho đà tăng giá. Nhà xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) Hammerfest, chiếm khoảng 5% thị phần xuất khẩu của Na Uy, đã phải đóng cửa từ ngày 31/5 sau một vụ rò rỉ, trong khi công tác bảo trì đang diễn ra tại các nhà máy xử lý khí Nyhamna và Kollsnes, càng hạn chế lưu lượng khí đốt.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu rút chân khi chạm vùng giá hỗ trợ 67 USD, và kết thúc phiên cuối tuần trước bằng một cây nến doji, có thể là tín hiệu đảo chiều. Giá đang hướng lên cạnh giữa dải Bollinger Band khung H4 và nhiều khả năng sẽ hồi về sau khi chạm vùng này. MACD có xu hướng chuẩn bị cắt lên đường tín hiệu Signal. Nhà đầu tư có thể đợi giá hồi về 69,3 – 69,5 USD và mở mua với kỳ vọng chốt lời 70,4 – 70,5 USD. Cắt lỗ tại 68,8 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)