Kết thúc ngày giao dịch 25/9, các mặt hàng trong nhóm năng lượng đều biến động giằng co và chốt phiên với mức giá không ghi nhận nhiều chêch lệch so với phiên trước. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 0,39% xuống 89,68 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa ở mức 93,27 USD/thùng, không có sự thay đổi so với mốc tham chiếu.
Việc Nga nới lỏng lệnh cấm nhiên liệu và các nhà đầu tư thận trọng với việc lãi suất tăng cao hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu, đã gây áp lực nhẹ cho giá.
Theo Bloomberg đưa tin, Bộ Năng lượng Nga đã chuẩn bị dự thảo sửa đổi nhằm loại trừ dầu nhiên liệu, gasoil và một số sản phẩm chưng cất trung gian khỏi lệnh cấm xuất khẩu được áp đặt vào tuần trước.
Những sửa đổi cần phải được chính phủ Nga chấp thuận trước khi có hiệu lực. Dự thảo giữ nguyên các hạn chế chính cấm xuất khẩu hầu hết xăng và dầu diesel.
Theo các hạn chế hiện tại, các lô hàng nhiên liệu đã được Công ty Cổ phần Đường sắt Nga chấp nhận vận chuyển trước khi lệnh cấm có hiệu lực hoặc những hàng hóa đã có giấy tờ xếp hàng vận tải đường biển vẫn có thể được xuất khẩu.
Các thông tin này góp phần xoa dịu một phần lo ngại về nguồn cung một số nhiên liệu, thúc đẩy lực bán nhẹ trong phiên hôm qua.
Ngày càng nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ vượt 100 USD/thùng trong năm nay do nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế và tồn kho nhiên liệu và dầu thô tương đối thấp. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho biết lực cản về nhu cầu vẫn còn tiềm ẩn, nhất là khi rủi ro lạm phát và lãi suất sẽ còn gây sức ép tới tiêu dùng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Trong khi đó, cũng sẽ có một số kỳ vọng về sự bổ sung sản lượng đến từ các quốc gia nằm ngoài khối OPEC+. Ngân hàng Goldman Sachs nhận thấy nguồn cung ngoài OPEC+ tăng 1,1 triệu thùng/ngày vào năm tới, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng 1,3 triệu thùng/ngày. Brazil, Guyana và Mỹ nằm trong số các quốc gia dự kiến sẽ tăng sản lượng.
Tập đoàn Chevron cũng đang có kế hoạch nâng sản lượng dầu của Venezuela thêm 65.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024 thông qua chiến dịch khoan lớn đầu tiên trong bối cảnh quốc gia này đang được Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Các liên doanh của Chevron với công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela (PDVSA) hiện sản xuất khoảng 135.000 thùng/ngày và đã xuất khẩu trung bình 124.000 thùng/ngày sang Mỹ trong năm nay. Hầu như toàn bộ mức tăng sản lượng 70.000 thùng/ngày của nước này trong năm nay đều đến từ các dự án của Chevron-PDVSA.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu đang cho thấy xu hướng đi ngang tích luỹ ở vùng hỗ trợ 88,8 USD và kháng cự 91,3 USD, ổn định trong vùng giá này trong phiên hôm qua.
Trên khung H4, dải Bollinger Band có dấu hiệu thu hẹp và hướng xuống, nhưng các tín hiệu hiện vẫn chưa quá rõ ràng. Biên độ hẹp hạn chế các giao dịch hiệu quả. Các nhà đầu tư nên đợi thêm tín hiệu giá bứt phá khỏi vùng tích luỹ này.
Việc giá phá vỡ hỗ trợ 88,8 USD sẽ đưa giá về vùng 87,3 USD, trong khi phá vỡ kháng cự 91,3 USD sẽ đưa giá hướng tới các mục tiêu xa hơn.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)