Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/04, giá dầu thô WTI giảm 3,59% về 74,30 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,81% về 77,69 USD/thùng. Giá của cả hai mặt hàng dầu thô hiện đang ở mức thấp nhất trong gần một tháng.
Giá khí tự nhiên của Mỹ lao dốc hơn 8% do sản lượng tăng và lượng khí đốt tới các nhà máy xuất khẩu của Mỹ giảm, phản ánh nhu cầu tiêu thụ yếu hơn khi thời tiết đang ấm hơn.
Sắc xanh xuất hiện vào đầu phiên, sau khi Viện dầu khí Mỹ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/04 ghi nhận mức giảm mạnh 6,1 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,5 triệu thùng.
Tuy nhiên, sức ép bán gia tăng từ phiên chiều khi mà các nhà đầu tư lo ngại về việc triển vọng tiêu thụ kém, bởi nhu cầu của Trung Quốc hiện vẫn phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng, đồng thời, thị trường cũng đang dự đoán rằng tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm nay.
Áp lực này khiến cho giá dầu lao dốc bất chấp các số liệu từ báo cáo tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, tồn kho dầu giảm 5.1 triệu thùng, mạnh hơn so với dự báo trước đó là 1.5 triệu thùng. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt 2,4 triệu thùng và 600.000 thùng.
Nhu cầu tiêu thụ có xu hướng gia tăng trong tuần trước, phản ánh qua việc tổng sản phẩm được cung cấp tăng từ 19.3 triệu thùng/ngày lên 20,2 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước cũng tăng gần 300,000 thùng lên 4,82 triệu thùng/ngày. Số liệu cho thấy nhu cầu gia tăng đối với dầu thô của Mỹ nhằm thay thế cho nguồn cung từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+). Phiên lao dốc của giá dầu trong hôm qua cũng “xóa sạch” đà tăng được tích lũy kể từ ngày 02/04, khi OPEC+ công bố đợt cắt giảm sản lượng.
Thị trường hiện cũng đang cân nhắc về nguồn cung thực tế từ Nga, bởi nước này vẫn duy trì xuất khẩu với khối lượng không mấy thay đổi, 3,4 triệu thùng/ngày, ngay cả khi đã cam kết cắt giảm lên tới 500.000 thùng/ngày. Trong khi châu Âu khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế vì các lệnh cấm vận, thì dữ liệu của Bloomberg cho thấy các nước châu Á đẩy mạnh mua dầu của Nga, thậm chí với cả mức giá cao hơn mức giá trần mà G7 áp dụng là 60 USD/thùng.
Trong phiên hôm nay, các nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi lợi nhuận ngành công nghiệp của Trung Quốc, cùng với các số liệu kinh tế của Mỹ như doanh số nhà chờ bán và số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu. Đây là các tin tức sẽ có ảnh hưởng đến triển vọng tiêu thụ dầu thô, và sẽ có tác động đến giá dầu bởi thị trường hiện đang vắng bóng các chất xúc tác từ phía nguồn cung.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu WTI đang kiểm nghiệm lại vùng kháng cự là cạnh dưới của Bollinger Band. Khối lượng thanh khoản tăng trong các phiên giảm, cùng với chỉ số MACD và RSI đều cho thấy lực bán áp đảo hơn, giá dầu có thể tiếp tục giảm về các mức hỗ trợ thấp hơn. Các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế bán có thể chốt lời trong phiên hôm nay.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)