Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/03, dầu thô tiếp tục giữ vững sắc xanh trong bối cảnh nguồn cung vẫn đang gặp sức ép, tuy nhiên, mức tăng hạn chế hơn khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cho thấy nhiều khả năng sẽ chưa điều chỉnh hạn ngạch trong cuộc họp và ngày 03/04 sắp tới. Giá dầu WTI đã tăng 0.54% lên mức 73,2 USD/thùng, dầu Brent tăng 0,49% lên 78,14 USD/thùng.
Giá dầu diễn biến tương đối giằng co trong phiên hôm qua khi nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn sau đà tăng vọt của dầu thô trước đó. Lực mua vẫn chiếm ưu thế, khi một vài lo ngại về nguồn cung tiếp tục là yếu tố hỗ trợ.
Các tàu chứa ít nhất 14 triệu thùng dầu thô hiện đang trôi nổi ngoài khơi bờ biển nước Pháp khi các cuộc đình công cản trở hoạt động tại cảng, buộc một số tàu phải chuyển hướng. Pháp phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô nhưng tỷ lệ này đã giảm khoảng 50% trong tháng này. Sản lượng nhiên liệu trong nước từ các nhà máy lọc dầu cũng bị đè bẹp bởi các cuộc đình công, và buộc Chính phủ phải giải phòng một số lượng nhất định từ kho dự trữ chiến lược.
Các tranh chấp pháp lý giữa Iraq, Kurdistan và Thổ Nhĩ Kỳ làm ngừng dòng chảy khoảng 400.000 thùng mỗi ngày, cũng góp phần thúc đẩy đà tăng của giá dầu.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu cũng hạn chế hơn sau khi nhóm OPEC+ không cho thấy dấu hiệu điều chỉnh sản lượng dầu trong cuộc họp vào tuần tới. Lãnh đạo nhóm, Saudi Arabia đã nói công khai rằng liên minh 23 quốc gia nên giữ nguồn cung ổn định cho cả năm 2023 nhằm đảm bảo sự phục hồi nhu cầu. 14 thương nhân và các nhà phân tích được Bloomberg thăm dò cũng nhất trí dự đoán không có thay đổi nào trong chính sách sản xuất. Thông tin này đã khiến cho giá dầu gặp áp lực nhẹ trở lại trong phiên tối.
Mặc dù vậy, vẫn có thể thấy kỳ vọng tích cực về nhu cầu trong quan điểm của các nhà xuất khẩu dầu hàng dầu. Mới đây, ông lớn của ngành dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia đã đầu tư 3,6 tỷ USD để có 10% cổ phần đối với nhà máy lọc dầu Rongsheng, một bước ngoặt đối với lĩnh vực lọc dầu độc lập của Trung Quốc. Điều này đang báo hiệu niềm tin vào khả năng phục hồi của nhu cầu của Trung Quốc, một điểm sáng cho thị trường năng lượng toàn cầu sau khi quốc gia này mở cửa trở lại và hướng tới mức tăng trưởng được dự báo là 5% trong năm 2023.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (ETRI), nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 6,2% so với năm ngoái lên 540 triệu tấn, trong khi chế biến lọc dầu sẽ tăng 7,8% lên 733 triệu tấn, tương đương 14,66 triệu thùng/ngày.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo từ Viện Dầu khí độc lập Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm mạnh 6.1 triệu thùng, mức giảm trong tuần mạnh nhất kể từ tháng 12 năm ngoái. Tồn kho xăng cũng giảm mạnh 5.9 triệu thùng, cho thấy nhu cầu có sự cải thiện hơn so với các tuần trước đó. Thông tin này có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu trong phiên sáng và hướng tới mục tiêu tiếp theo tại mốc 75 USD/thùng đối với dầu WTI.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Biên độ dao động của giá dầu đang khá hẹp, mặc dù tăng trong phiên hôm qua nhưng thanh khoản không quá mạnh, có thể cho thấy lực mua có phần suy yếu hơn. RSI trên khung H4 đang chạm vùng quá mua, giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm điều chỉnh trước khi tăng trở lại. Các nhà đầu tư có thể chờ giá hồi về vùng 72 – 72.5 USD và mở mua với kỳ vọng chốt lời tại 74.5 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)