Giá dầu phục hồi trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường cân nhắc về khả năng Liên minh châu Âu EU tăng cường các lệnh cấm vận lên Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô WTI tăng 3.43% lên 107.82 USD/thùng trong khi giá Brent 3.46% lên 111.44 USD/thùng.
Dầu thô nhận được hỗ trợ từ phiên sáng sau khi Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh 3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 25/03. Các thông tin mới từ phía Anh cho biết các lệnh trừng phạt lên Nga sẽ không được rút khỏi nếu đàm phán chỉ đạt được “thỏa thuận ngừng bắn” cũng củng cố niềm tin rằng tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng từ phía Nga sẽ còn kéo dài ít nhất là trong vài tháng tới.Hơn thế nữa, phía Nga vẫn đang giữ nguyên lập trường về tình trạng sát nhập đảo Crimea cũng như yêu cầu công nhận Donetsk và Luhansk là 2 quốc gia độc lập, 1 vấn đề mà Ukraine liên tục phản đối. Điều này có thể khiến cho đàm phán của các bên trở nên khó khăn hơn.
Đà tăng được duy trì sau khi phía EU cho biết họ sẽ cân nhắc các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu khí của Nga, trong trường hợp Nga kiên quyết yêu cầu chuyển tiền tệ thanh toán các hợp đồng cung cấp năng lượng từ Euro sang tiền Rúp. Một vài nước như Ba Lan và Đức đã lên kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp Nga cắt dòng chảy năng lượng để trả đũa. Bên cạnh đó, thị trường cũng kỳ vọng trong cuộc họp tối nay các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ duy trì mức tăng sản lượng ở mức thấp 432,000 thùng/ngày trong tháng 5.
Báo cáo Dầu khí Hàng tuần của EIA tối qua cho thấy tồn kho dầu thô giảm mạnh 3.4 triệu thùng xuống 410 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2018, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu đã chững lại. So với kỳ trước, tuần vừa rồi tiêu thụ xăng, nhiên liệu đốt cũng như nhiên liệu máy bay giảm mạnh 1.25 triệu thùng, gợi ý nhu cầu đã phần nào chịu tác động khi giá xăng dầu duy trì ở mức cao trong suốt một thời gian dài và gây áp lực lên giá vào cuối phiên. Sản lượng dầu thô tại Mỹ tăng nhẹ từ 11.6 lên 11.7 triệu thùng trong tuần trước, sau khi các tập đoàn năng lượng liên tục tăng số giàn khoan.
Một yếu tố nữa kìm hãm đà tăng của giá dầu đó là số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh tại Thượng Hải. Chính quyền thành phố ghi nhận số ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng và đang thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát dịch, có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu.
Sáng hôm nay giá dầu đang gặp áp lực trở lại sau khi Mỹ cân nhắc áp dụng thêm biện pháp để giảm giá xăng dầu, như tăng tỷ lệ ethanol vào xăng. Tối nay dự kiến Tổng thống Mỹ Biden sẽ phát biểu về tình hình giá xăng dầu, và các chính sách mới có thể gây áp lực cho giá dầu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Các chỉ số kỹ thuật vẫn đang khá tiêu cực bất chấp đà phục hồi tối qua. MACD vẫn đang hướng xuống phía dưới sau khi cắt đường Signal, tương tự như RSI. Giá giảm mạnh ngay thời gian đầu mở cửa phiên, gợi ý hôm nay sẽ là phiên biến động mạnh. Vì vậy, giới đầu tư không nên mở vị thế mới để tránh rủi ro.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)