Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, giá dầu lấy lại động lực tăng khi một số Ngân hàng Trung ướng lớn trên thế giới phát đi tín hiệu rằng lãi suất có thể đã đạt đỉnh. Dầu WTI sau khi rơi xuống sát vùng hỗ trợ quan trọng 80 USD/thùng, đã bật tăng trở lại nhờ lực mua kỹ thuật, chấm dứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 2,51% lên 82,46 USD/thùng và dầu Brent chốt phiên tăng 2,62% lên mức 86,85 USD/thùng.
Vào ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% lần thứ hai liên tiếp trong cuộc họp Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) tháng 11/2023. Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã giữ nguyên mức lãi suất lần thứ hai, và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) giữ lãi suất không đổi sau 10 lần tăng liên tiếp.
Thị trường kỳ vọng giai đoạn tăng lãi suất đang dần đến hồi kết, làm giảm bớt áp lực cho nền kinh tế. Điều này đã củng cố dòng tiền rủi ro quay lại thị trường, với chứng khoán Mỹ tăng điểm, và giá dầu cũng nhận được lực mua mạnh mẽ tương tự.
Ngoài ra, 6 nhà phân tích từ Reuters cho biết quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu Saudi Arabia có thể sẽ xác nhận lại việc gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12. Một số khác bên cạnh việc đồng thuận với ý kiến trên, còn cho biết thêm về khả năng duy trì mức cắt giảm này sau tháng đó.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo giá dầu Brent năm 2024 là 98 USD/thùng, được hỗ trợ bởi các yếu tố cung cầu cơ bản. StanChart dự báo thị trường sẽ thâm hụt trong hai quý đầu năm 2024, và thặng dư trong nửa cuối năm. Ngân hàng cho biết OPEC có thể tiếp tục thực hiện mục tiêu ổn định giá cả và điều này có thể dẫn đến việc thắt chặt hơn nữa nguồn cung của thị trường vào năm 2025.
Tồn kho dầu toàn cầu được dự báo sẽ giảm 120 triệu thùng trong quý IV, bên cạnh mức giảm 172 triệu thùng trong quý III. Nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Việc thắt chặt nguồn cung vẫn để lại rủi ro thâm hụt trên thị trường, ít nhất là trong ngắn hạn, từ đó hỗ trợ giá dầu tăng trở lại trong ngày giao dịch hôm qua.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu phản ứng mạnh mẽ ở vùng hỗ trợ sát 80 USD/thùng, cho thấy đây là một hỗ trợ mạnh. Trên khung H4, RSI đang cho thấy tín hiệu phân kỳ, có thể gợi ý về sự đảo chiều của xu hướng. Nhưng hiện tại, giá dầu đang đối diện với kháng cự vùng 83 USD, vẫn đang ở trong kênh xu hướng giảm (sát cạnh trên của xu hướng), nên việc mở vị thế mua vẫn chưa có sự chắc chắn. Giá cũng vẫn đang nằm dưới đướng EMA50, nên vẫn có khả năng gặp áp lực trở lại và về vùng 80 USD.
Các nhà đầu tư nên đợi tín hiệu, nếu giá vượt vùng 83,5 USD sẽ mang lại tín hiệu mua hướng đến mục tiêu 85 USD. Trong khi về mức 81,5 USD sẽ kéo giá quay trở lại vùng 80 USD và phá vỡ 80 USD sẽ kéo giá về vùng 78,8 USD. Kịch bản tăng giá được kỳ vọng có xác suất xảy ra nhiều hơn.
TIN KHÁC
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)