Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 6/11, giá dầu bật tăng sau khi hai nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia và Nga tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm nay. Tâm lý lo ngại nguồn cung toàn cầu thắt chặt đã thúc đẩy lực mua trên thị trường, củng cố đà tăng của giá.
Cụ thể, giá dầu WTI chốt phiên tại 80,82 USD/thùng, tăng 0,39% so với phiên trước. Giá dầu Brent tăng 0,38% lên 85,21 USD/thùng.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga sẽ tiếp tục cắt giảm xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu tự nguyện 300.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2023 như đã thông báo. Trong khi đó, theo nguồn tin chính thức từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia, thủ lĩnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC) đang duy trì chính sách cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, bắt đầu thực hiện vào tháng 7/2023 và gia hạn đến cuối tháng 12/2023.
Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS Group AG dự đoán rằng đợt cắt giảm này có thể kéo dài sang quý I/2024 do nhu cầu dầu theo mùa yếu vào đầu năm, lo ngại về tăng trưởng kinh tế cũng như mục tiêu của các nhà sản xuất và OPEC+ là hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu.
Nguồn cung từ Iran cũng có xu hướng thắt chặt khi xuất khẩu dầu của quốc gia vùng Vịnh này đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10. Cụ thể, theo dữ liệu của TankerTrackers.com Inc, Iran đã nạp 1,43 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ mỗi ngày lên các tàu chở dầu vào tháng 10, giảm 194.000 thùng/ngày so với tháng 9 và là mức thấp nhất kể từ tháng 7.
Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết Mỹ dự kiến sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu cho đợt giao hàng vào tháng 1/2024 để bổ sung cho kho dự trữ chiến lược (SPR). Kỳ vọng nhu cầu bổ sung SPR của Mỹ gia tăng đã củng cố lực mua trên thị trường, góp phần hỗ trợ giá.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên giảm hơn 7% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần do sản lượng kỷ lục và dự báo thời tiết ôn hòa kéo dài đến cuối tháng 11, khiến nhu cầu sưởi ấm ở mức thấp và làm tăng dự trữ trong ít nhất vài tuần tới.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên khung 1D, giá phá vỡ đường trendline tăng dài hạn. Phe mua nhiều lần backtest đường trendline tăng, tuy nhiên đều thất bại, xác nhận tín hiệu đảo chiều dài hạn của giá. Phiên hôm trước đóng nến inverted hammer, cho thấy nỗ lực đẩy giá lên cao của phe mua suy yếu dần về cuối phiên do áp lực bán gia tăng mạnh mẽ. Giá đang phản ứng tại Fibo 0,382.
Trên khung 4H, giá vẫn đang di chuyển trong kênh giảm ngắn hạn. Mẫu hình nến hanging man xuất hiện khi giá tiệm cận kháng cự là đường trendline trên của kênh tăng, theo sau là hai nến giảm cho thấy xu hướng đảo chiều ngắn hạn của giá đã được xác nhận. RSI hướng xuống với độ dốc lớn, trong khi hai đường %D và %K của Stoch RSI cũng đã bắt đầu cắt xuống. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng giá có thể điều chỉnh về đường trendline dưới của kênh tăng tại vùng giá 77,7 - 78,0 USD.
Nhà đầu tư có thể chờ bán tại 81,8 - 82,0 USD, với kỳ vọng chốt lời tại ngưỡng 78 USD. Cắt lỗ nếu giá tăng quá 83 USD. Việc giá vượt kháng cự 83 USD sẽ đẩy giá lên 84 - 84,5 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)