Kết thúc ngày giao dịch đầu tháng 5, giá dầu thế giới ghi nhận phiên giảm giá lớn nhất trong ngày kể từ giữa tháng 12 năm ngoái, do tồn kho tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh và nguồn cung dồi dào tại một số quốc gia thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bất chấp cam kết cắt giảm sản lượng.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 3,58% xuống 79 USD/thùng. Dầu Brent giảm 3,35% xuống 83,44 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thế giới đã hạ nhiệt về mốc thấp nhất trong 7 tuần qua.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng mạnh hơn 7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 26/4, mức tăng cao hơn so con số gần 5 triệu thùng được API công bố rạng sáng cùng ngày. Trong khi đó, tồn kho xăng tăng nhẹ 344.000 thùng, trái ngược với dự báo giảm. Điều này cho thấy năng lực tiêu thụ tại Mỹ có dấu hiệu chững lại sau giai đoạn giá xăng dầu tăng cao, từ đó gây áp lực bán mạnh lên thị trường dầu thô trong phiên hôm qua.
Ngoài ra, theo khảo sát của Bloomberg, OPEC đã bơm 26,81 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chỉ ít hơn khoảng 50.000 thùng/ngày so tháng trước. Bất chấp tuyên bố hạn chế nguồn cung, Iraq và UAE vẫn sản xuất trên mức hạn ngạch. Mức độ cắt giảm sản lượng hiện vẫn chưa bảo đảm cam kết đặt ra, cũng góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Cụ thể, sản lượng của Iraq tăng nhẹ, đạt mức 4,22 triệu thùng/ngày, cao hơn mục tiêu được thiết lập khoảng 220.000 thùng/ngày. Sản lượng của Libya, thành viên không chịu chính sách hạn ngạch cũng đã tăng 60.000 thùng/ngày lên 1,19 triệu thùng/ngày khi nước này khôi phục hoạt động sản xuất sau các cuộc biểu tình.
Về yếu tố vĩ mô, Viện Quản lý Cung ứng (ISM) công bố chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ trong tháng trước đạt mức 49,2 điểm, phản ánh sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy, trái ngược với dự đoán mở rộng với mức 50 điểm. Điều này cho thấy một số áp lực nhất định trong hoạt động sản xuất của Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, góp phần tạo sức ép lên giá dầu.
Rạng sáng nay, cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở ngưỡng 5,25-5,5% lần thứ 6 liên tiếp, đồng thời có nguy cơ đẩy lùi thời điểm cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này cũng gây ra nhiều lo ngại về tăng trưởng kinh tế và triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/5, đà giảm giá sâu của nhiều mặt hàng nguyên liệu thế giới đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,84% xuống còn 2.254,78 điểm. Như vậy, chỉ số MXV-Index liên tục suy yếu sau khi đạt mức đỉnh 9 tháng, hiện đã trở về mức thấp nhất 1 tháng qua chỉ sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Năng lượng là nhóm chịu tác động ‘bán tháo’ mạnh nhất trên thị trường trong phiên hôm qua, với toàn bộ 5 mặt hàng đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá dầu giảm sâu về mức thấp nhất 7 tuần. Ngoài ra, giá ca-cao thuộc nhóm nguyên liệu công nghiệp cũng bất ngờ lao dốc hơn 10%, sau đà phục hồi hơn 3% trước đó. Đây cũng chính là hai nhóm biến động mạnh nhất trong ngày hôm qua.
Sự sôi động của thị trường vẫn đang được duy trì, với giá trị giao dịch đạt gần 4.800 tỷ đồng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)