(VINPA) - Thời gian vừa qua, nhờ sự phối hợp của người dân, lực lượng chức năng đã kiểm tra và phát hiện một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu kém chất lượng. Tuy số lượng những doanh nghiệp này chỉ là cá biệt và chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số hơn 13.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước nhưng nó cũng gây ra những hiệu ứng hoang mang và bức xúc nhất định cho số đông người tiêu dùng.
Những vụ việc điển hình
Điển hình phải kể đến vụ cây xăng ở Đồi Nên – Bắc Giang bán xăng rởm trong suốt một tuần, khiến hàng trăm người dân bức xúc và kéo đến trạm xăng để đòi công bằng vào 24/3/2012. Tiếp đó, đến tháng 8/2012 vụ pha chế, rút ruột xăng dầu tại Bãi xăng dầu Trâu Điên (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng bị các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Một tháng sau, vào 26/9/2012, sự cố xăng bẩn khiến hàng trăm xe chết máy khi đổ xăng ở cây xăng Lan Anh (quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng bị đưa lên mặt báo.
Cây xăng Lan Anh
Vào hồi đầu tháng 6 vừa qua, vụ pha chế, rút ruột xăng dầu tại Bãi Cháy – Quảng Ninh cũng đã bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện và chính thức khởi tố. Gần đây nhất, vào ngày 17/8, cửa hàng xăng dầu X73 (Quân khu I) nằm trên phường Tân Thịnh, Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cũng bị tố bán xăng A92 có lẫn nước và tạp chất.
Các chiêu thức gian lận xăng dầu
Để trục lợi, người bán đã sử dụng một số chiêu thức pha chế khá tinh vi. Phổ biến nhất là rút ruột xăng thật, sau đó pha thêm các hợp chất như methanol, Acetol,…; trộn xăng A83 (loại xăng đang có kiến nghị cấm lưu hành) với phẩm màu và methanol để thành xăng A92 bán ra thị trường; pha thêm nước vào xăng để tăng thêm khối lượng xăng. Cá biệt một số nơi còn pha thêm các chất phụ gia giúp xăng nở ra để ăn gian số lượng. Thậm chí dầu FO, dầu DO còn bị làm giả bằng cách cho nước và dầu cặn hoặc dầu tái sinh (nấu ra từ nhớt) trộn với một số chất phụ gia khác.
Sai phạm đến từ đâu?
Tính đến nay, cả nước hiện có 19 doanh nghiệp (DN) đầu mối nhập khẩu xăng dầu, cung cấp xăng dầu cho 2 hệ thống: một là hệ thống kinh doanh trực thuộc, hai là cho doanh nghiệp là tổng đại lý không trực thuộc, sau đó tổng đại lý sẽ phân phối cho các đại lý của họ để bán cho người tiêu dùng.
Theo các DN đầu mối và các nhà quản lý, nguồn xăng dầu nhập khẩu và xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất được kiểm soát rất chặt chẽ nên rất khó xảy ra tình trạng kém chất lượng.
Khâu tồn chứa tại các DN đầu mối cũng được quản lý cũng rất nghiêm ngặt theo các quy trình chặt chẽ như phải lấy mẫu xăng dầu khi nhập và khi xuất, thường xuyên kiểm tra định kỳ trong quá trình bảo quản. Khâu vận chuyển xăng dầu từ kho của DN đầu mối đến các đơn vị tiêu thụ thuộc hệ thống hoặc các tổng đại lý, đại lý cũng được giám sát chặt thông qua việc liên tục lấy mẫu đối chiếu.
Do đó, có thể nhìn nhận rằng, hầu hết các vi phạm trên đều được xuất phát từ hành vi pha chế xăng dầu của một số đại lý và cửa hàng bán lẻ chứ không phải bắt nguồn từ khâu nhập khẩu của thương nhân đầu mối.
Bên cạnh việc một số DN cố ý làm trái pháp luật để trục lợi thì cũng phải kể đến một nguyên nhân khác khiến cho tình trạng gian lận về chất lượng xăng dầu vẫn còn tồn tại. Đó là do cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay còn tồn tại bất cập khiến nhiều doanh nghiệp và cây xăng phải đối mặt với tình trạng đóng cửa hoặc kinh doanh thua lỗ. Các mức chi phí do nhà nước quy định không đủ bù đắp các chi phí thực tế của doanh nghiệp như bến bãi, nhân công, vận chuyển,… khiến họ phải "làm liều" để trụ lại trên thị trường.
Đâu là giải pháp?
Kiến nghị ngừng lưu thông xăng A83
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay xăng A83 lưu hành trên thị trường trong nước không nhiều nhưng cũng gây ra những hệ lụy không nhỏ. Sử dụng xăng A83 trên thị trường sẽ làm tăng nguy cơ gian lận thương mại và ô nhiễm môi trường. Mặt khác, loại nhiên liệu này cũng không còn tương thích với hầu hết các động cơ hiện nay mà chỉ được dùng chủ yếu cung cấp cho khu vực miền Tây, sử dụng cho các ghe, xuồng, máy nuôi tôm, máy bơm nước và các loại xe máy đời cũ.
Trên thực tế, Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần kiến nghị dừng sản xuất xăng A83 nhưng do chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành liên quan, nên xăng A83 vẫn được sản xuất xưởng đều đặn.
Về một số các DN đầu mối, họ cũng đề nghị rằng nếu Chính phủ yêu cầu dừng lưu hành loại xăng này thì cần đưa ra lộ trình và thời gian cụ thể để DN có điều kiện chuẩn bị và thích nghi dần.
Nâng chế tài xử phạt và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát
Với hệ thống phân phối xăng dầu rộng lớn như hiện nay, rất khó có thể kiểm soát được toàn bộ chất lượng xăng dầu được đưa ra thị trường. Do vậy, cần hơn nữa sự vào cuộc thường xuyên và quyết liệt của cơ quan chức năng cùng với sự mạnh tay của các chế tài xử phạt để người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng xăng dầu cho phương tiện của mình.
Điều chỉnh cơ chế kinh doanh xăng dầu
Cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay với việc Nhà nước ôm đồm quá nhiều khâu khiến vô hình trung đã tạo nút thắt khó gỡ cho các doanh nghiệp xăng dầu. Nếu Nhà nước hình thành được một cơ chế định giá bán lẻ mới phù hợp hơn với đặc thù của hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo cho các đơn vị kinh doanh xăng dầu không bị lỗ do cơ chế thì chắc chắn số lượng các vụ việc tương tự như trên sẽ được giảm thiểu đi đáng kể.
Những tín hiệu lạc quan
Mới đây, cây xăng Hồng Dương (Kim Bài – Thanh Oai – Hà Nội) đã chủ động đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng số tiền lên tới 100 triệu đồng sau khi bán xăng rởm cho người mua làm hỏng động cơ của các phương tiện này. Đây cũng là cây xăng đầu tiên tự giác đền bù cho người bị thiệt hại, mang đến một tín hiệu lạc quan trong việc giải quyết các vụ việc tương tự như trên.
Ngày 27/8 vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Trong đó, các mức phạt sẽ được nâng lên đáng kể. Hành vi pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn khác sẽ bị phạt tiền từ 1,5-2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang kết hợp với các cơ quan ban ngành gấp rút sửa đổi nghị định mới thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP để trình Chính phủ trước 30/9. Nghị định mới này đang được kỳ vọng sẽ mở ra một thị trường xăng dầu thông thoáng và cạnh tranh hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)