(VINPA) - Theo số liệu thống kê, đến 90% tổng số giao dịch tại Việt Nam bằng tiền mặt và 60% dân số chưa có tài khoản ngân hàng. Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đang có xu hướng giảm dần từ 20,3% năm 2004 xuống 14% năm 2010 và hiện còn khoảng 12%.
Có 65% đơn vị thực hiện chi trả lương qua tài khoản cho đến năm 2013. “Hành trình không tiền mặt” ở Việt Nam còn gặp khó khăn là do thói quen sử dụng tiền mặt đã trở thành truyền thống lâu đời của người Việt. Đối với ngành kinh doanh xăng dầu thì lượng tiền mặt giao dịch hàng ngày là không hề nhỏ. Là một đơn vị kinh doanh xăng dầu mũi nhọn, Petrolimex đã có cái nhìn chiến lược nhằm góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân thông qua phát hành thẻ thanh toán xăng dầu.
Ngày 13-10-2009, thẻ Flexicard ra đời giữa sự hợp tác của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cùng ngân hàng xăng dầu PG Bank đã đánh dấu một sự khởi đầu cho loại hình thanh toán tuy không mới nhưng là đầu tiên trong ngành kinh doanh xăng dầu. Vào ngày 02-07-2010 PVOil cùng ngân hàng OceanBank đã phát hành thẻ OPCard/ OPPlus, tiếp đến vào ngày 20-12-2013 Master Card cùng Vietinbank và Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cùng kết hợp cho ra thị trường thẻ thanh toán xăng dầu MasterCard.
Thẻ thanh toán xăng dầu Flexi Card của Petrolimex
Thực tiễn đã cho thấy việc thanh toán qua thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt đã mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và khách hàng mà còn tránh rủi ro cho khách hàng cũng như nhân viên bán hàng có lượng tiền mặt trong người lớn và đó là mục tiêu nhắm đến của những đối tượng tội phạm, sẵn sàng bất chấp thủ đoạn, thực hiện hành vi nguy hiểm để chiếm đoạt tài sản. Tính ưu việt tiếp theo có thể nhận thấy đó là việc thanh toán qua thẻ đã góp phần đem lại lợi ích về sức khỏe cộng động, đảm bảo vệ sinh khi tránh tiếp xúc trực tiếp với tiền.
Thanh toán qua thẻ là một hình thức tiên tiến, hiện đại, văn minh, giao dịch nhanh gọn, an toàn, ngoài ra chức năng của thẻ thanh toán không chỉ dừng lại ở mục đích thanh toán khi mua xăng tại các cây xăng mà nó còn được tích hợp rất nhiều chức năng hữu ích khác. Người tiêu dùng có thể rút tiền, chuyển tiền qua thẻ ngay tại cây xăng, ngoài ra chủ thẻ còn được hưởng ưu đãi lớn từ chính sách của nhà phát hành.
Thẻ OP Card/ OP Plus
Tại các nước trên thế giới, chi phí nhân công tại mỗi doanh nghiệp là rất lớn, vì vậy việc thanh toán tự động qua thẻ có thể tiết giảm chi phí nhân công, giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Tại mỗi cây xăng thường chỉ có từ 1-2 người quản lý và giúp đỡ khách hàng không thể tự sử dụng vòi bơm.
Tính ưu việt của loại hình thanh toán này mang lại cho người tiêu dùng là không thể phủ nhận, tuy nhiên nó chưa thực sự phát triển và phổ biến do còn nhiều khó khăn, trở ngại. Lượng người sử dụng thẻ xăng dầu để thanh toán chưa nhiều, vẫn chủ yếu sử dụng tiền mặt, số tiền khách thanh toán qua thẻ chỉ chiếm khoảng 2% so với tổng số tiền bán hàng cửa hàng thu được (đối với trạm xăng nằm ở trung tâm thành phố).
Nguyên nhân thẻ thanh toán xăng dầu vẫn chưa thực sự được người dân hưởng ứng và phổ biến rộng khắp?
Theo quan điểm cá nhân người viết cùng với nghiên cứu thực tiễn, hiện nay còn một số trở ngại trong việc phát triền mô hình thanh toán này.
Thứ nhất, diện tích tại các trạm xăng, vị trí cột bơm, lối cho xe ra, xe vào cho khách hàng còn hạn hẹp. Đây là tình trạng chung của những cây xăng có vị trí trung tâm thành phố, nơi mật độ dân cư đông đúc, gần cơ quan, trường học, bệnh viện…và với những thao tác để thanh toán được bằng thẻ như đỗ xe, quẹt thẻ, lấy biên lai…là rất khó khăn và bất tiện khiến khách hàng có tâm lý ngại khi thanh toán bằng thẻ.
Thứ hai, tình trạng máy thanh toán còn lỗi, nghẽn mạng, không thanh toán được còn diễn ra khá phổ biến. Hệ thống, máy móc, kỹ thuật cần được bảo trì, bảo dưỡng, theo dõi liên tục để tránh sự cố mang lại tâm lý yên tâm, chủ động cho khách hàng. Nhân viên tại cây xăng cần được học và sử dụng máy quẹt thẻ một cách thành thạo, chuyên nghiệp, sẵn sàng xử lý mọi tình huống như máy lỗi, lỗi thẻ, thẻ hết hạn, nghẽn mạng…
Thứ ba, hóa đơn từ máy quẹt thẻ không có giá trị pháp lý và không được Bộ Tài Chính công nhận dù bên phía Petrolimex đã rất nhiều lần gửi công văn, kiến nghị, làm việc với Bộ Tài Chính nhưng bên phía Bộ vẫn chưa thông qua. Chính vì lẽ đó người sử dụng thẻ xăng dầu nếu muốn có hóa đơn có tính pháp lý và có khả năng thanh toán lại với doanh nghiệp, công ty…họ vẫn phải vào viết hóa đơn viết tay, có dấu và chữ ký của nhân viên tại cửa hàng bán xăng, điều này cũng hết sức bất tiện và mất thời gian cho người sử dụng. Tưởng rằng sử dụng thẻ thanh toán là nhanh nhưng hóa ra còn chậm hơn so với thanh toán bằng tiền mặt, gây tâm lý ức chế và ngại cho khách hàng khi sử dụng thẻ thanh toán xăng dầu. Nếu tình trạng này được khắc phục, chắc chắn lượng khách hàng (nhất là doanh nghiệp, công ty) sẽ tăng lên đáng kể.
Và cuối cùng, các loại thẻ của những đơn vị khác nhau nên có khả năng kết nối, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp nếu khu vực không có cây xăng của công ty phát hành thẻ vẫn có thể mua của doanh nghiệp khác (có thể dụng phụ phí hợp lý).
Thay cho lời kết
Khi thanh toán không tiền mặt được khuyến khích và đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững. Nó sẽ tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch của Chính phủ, các đơn vị kinh doanh và cá nhân, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng và trơn tru hơn. Thanh toán Xăng dầu qua thẻ là một lối đi đúng đắn, tiếp cận với nền kinh tế hiện đại như các nước phát triển trên thế giới. Nhưng để thực hiện điều đó cần có lộ trình và nâng cấp cơ sở hạ tầng kèm theo, cùng với đó là sự chung tay, góp sức và sự tự ý thức của cộng động.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)