Bộ Công thương quyết giá xăng: "Đá bóng thổi còi" theo... luật?
01:28 SA @ Thứ Hai - 09 Tháng Sáu, 2014

Đến lúc nào đó không cần quỹ bình ổn khi đó thị trường xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ.

Ông Phan Thế Ruệ - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại nêu quan điểm về một trong những vấn đề được nêu ra tại Nghị định 84 sửa đổi về kinh doanh xăng dầu.

Minh bạch trách nhiệm

PV: Theo quyết định mới đây về điều hành giá xăng dầu, việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính như trước đây. Có ý kiến cho rằng, Bộ Công thương đang quản doanh nghiệp xăng dầu, giờ lại quyết giá sẽ dễ hình thành lợi ích nhóm, rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Ông có đồng tình với quan điểm này hay không và vì sao?

Ông Phan Thế Ruệ: - Hiệp hội xăng dầu cho rằng đây là chủ trương phù hợp với Luật tài chính năm 2012, phù hợp với tình hình cụ thể hiện nay vì điều hành giá sát với việc tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sẽ phản ánh thị trường nhạy bén hơn, nhanh hơn và thực tiễn hơn.

Mặc dù chưa có Nghị định mới nhưng thời gian 1 năm trở lại đây Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã phối hợp với nhau tốt hơn, giá xăng dầu đã được điều hành uyển chuyển, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp và bức xúc cho người tiêu dùng đồng thời 2 bộ cũng không quá lúng túng mỗi lần giá xăng dầu thế giới biến động.

Riêng ý kiến về việc dễ rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi theo tôi phải hiểu thế nào là đá bóng và thế nào là thổi còi. Anh thổi còi theo luật pháp, theo các quy định cụ thể, cầu thủ phải đá đúng luật thì chuyện giữa người cầm còi để thổi và người đá hoàn toàn không có quan hệ lợi ích.

Theo tôi việc quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh nên được tách bạch. Quản lý nhà nước thì phải quản lý bằng luật pháp, đặc biệt xăng dầu ngoài Luật doanh nghiệp, Luật thương mại còn có Nghị định riêng và đang được thay thế bằng Nghị định mới.

Hiện Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang tập trung vào hoàn thiện và để Thủ tướng ra Nghị định mới, cùng Nghị định mới phải có Thông tư liên tích hướng dẫn những vấn đề mà Nghị định chưa cụ thể hóa đươc ví dụ như ổn định giá xăng dầu là ổn định như thế nào, thời gian ổn định bao lâu … Đây là câu chuyện Bộ Công thương phải tiến hành với Bộ Tài chính.

Ông Phan Thế Ruệ

Ông Phan Thế Ruệ - chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại - Ảnh: Nguyên Thảo

Khi có Nghị định cụ thể, có thông tư liên tịch, 2 bộ vẫn phải kết hợp với nhau để điều hành giá. Trước đây Bộ Thương mại đã điều hành giá xăng dầu, hiện nay Bộ Công thương vẫn điều hành giá điện, Bộ Y tế vẫn điều hành giá thuốc, Bộ Thông tin và truyền thông vẫn điều hành giá viễn thông…. Đây là những điều đã được quy định trong Luật Tài chính năm 2012.

Nếu trong điều kiện kinh tế hiện nay chúng ta không minh bạch về trách nhiệm thì chúng ta không thể minh bạch trong điều hành được.

Nghị quyết 11 của Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định chúng ta phải nhanh chóng xây dựng thể chế kinh tế thị trường đưa giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam sát với giá thị trường là tiếp cận dần với nền kinh tế thị trường phù hợp cả đường lối, luật pháp, chủ trương của Đảng và Chính phủ.

PV: - Cũng có ý kiến khác cho rằng, Bộ Công thương hay Bộ Tài chính điều hành giá trong khi cả 2 Bộ vẫn thuộc chính phủ thì bản chất tăng giá, điều chỉnh giá xăng dầu không khác nhiều, quan điểm của ông thế nào?

Ông Phan Thế Ruệ: - Theo tôi Nghị định mới sẽ có những quy định cụ thể buộc các cơ quan quản lý và doanh nghiệp xăng dầu phải thực hiện, những quy định mới này khắc phục những bất cập trong điều hành giá, quy định biên độ tăng giảm giá ở 3 mức dưới 2%, từ 2%-7% và từ 7% trở lên, biên độ này phù hợp với tín hiệu thị trường, sẽ không còn tình trạng tăng nhanh giảm chậm như trước đây.

Ví dụ, việc quy định cụ thể biên độ từ 2% trở xuống các doanh nghiệp được phép điều chỉnh giá, không phải xin ý kiến của 2 bộ, rõ ràng có biến động giảm phải giảm, tăng phải tăng. Bộ tài chính sau này sẽ kiểm tra nếu giá xăng dầu thế giới tăng doanh nghiệp đã cho tăng nhưng khi giảm lại không giảm xuống sẽ phải có chế tài xử phạt rõ ràng.

PV:- Quy định tại nghị định mới đã điều chỉnh biên độ điều chỉnh giá, tức là dưới 2% doanh nghiệp được quyền quyết định, có ý kiến cho rằng giá xăng dầu sẽ tăng ít nhưng tăng nhiều lần. Ông nhận định như thế nào?

Ông Phan Thế Ruệ:- Theo tôi, Nghị định có 4 điểm rất đáng quan tâm, là tiền đề cho việc tiếp cận giá xăng đầu theo giá thị trường.

Thứ nhất là chu kỳ tính giá cơ sở là 15 ngày đầu của tháng trong khi trước đây là 30 ngày. Nếu là 30 ngày sự biến thiên của giá xăng dầu thế giới rất nhanh có khi giá trong nước đang định tăng lên thì giá xăng dầu thế giới giảm xuống đến khi giá xăng dầu trong nước định giảm xuống thì giá xăng dầu thế giới lại tăng bởi vì phải đợi 30 ngày.

Thứ hai là quy định về biên độ điều chỉnh giá, trước đây là từ 0-7%, từ 7%-12% và từ 12% trở lên giờ chỉ còn 3 mức 2%, 7%, và trên 7% đây là điều mà tôi cho là tốt, thể hiện sự điều chỉnh liên tục làm giá xăng dầu trong nước sẽ tiệm cận dần với giá thế giới.

Thứ ba là quỹ bình ổn, chủ trương vẫn giao cho doanh nghiệp trích lập, quản lý và sử dụng, sử dụng khi nào phải có ý kiến của bộ Tài chính, Công thương, trích lập quỹ bao nhiêu thời gian, trích lập quỹ bao nhiêu và xả quỹ bao nhiêu phụ thuộc hoàn toàn vào biến động thị trường. Lần này nó sẽ minh bạch hơn, rõ ràng hơn và điều chỉnh quản lý quỹ sẽ rõ ràng hơn.

Thứ tư là trong quá trình Nghị định mới ra đời thì tất cả những cái gì trong Nghị định chưa ghi rõ thì 2 Bộ phải hướng dẫn, nếu làm được như vậy, kinh doanh xăng dầu sẽ có điều kiện tốt hơn, dần dần khắc phục được giật cục trong điều hành giá xăng dầu.

Sẽ phải bỏ quỹ bình ổn giá

PV: - Hiện, có ý kiến cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn để tránh sử dụng không minh bạch, không đúng mục đích, ông có đồng tình hay không?

Ông Phan Thế Ruệ:- Thực ra quỹ bình ổn nếu hiểu đúng chỉ là để bình ổn giá nhưng thời gian dùng quỹ bình ổn như là công cụ điều chỉnh giá bán lẻ nên đã tạo ra những bất cập không đáng có.

Các nước phát triển vẫn dùng quỹ bình ổn nhưng cơ bản nhất là dùng như thế nào, trích lập như thế nào sử dụng và quản lý như thế nào để phù hợp.

Những quy định mới này khắc phục những bất cập trong điều hành giá xăng dầu

Những quy định mới này khắc phục những bất cập trong điều hành giá xăng dầu

Quỹ bình ổn thực chất là quỹ tài chính được huy động từ trong giá do doanh nghiệp quản lý nên Bộ Tài chính phải tham gia. Quỹ này được quản lý sử dụng như một quỹ tài chính để tại doanh nghiệp, trích quỹ bình ổn vào mà chưa dùng đến thì phải có trách nhiệm tính lãi, mức lãi có thể tính bằng với lãi suất liên ngân hàng thay vì để quỹ chết trong doanh nghiệp.

Tôi nghĩ rằng nếu có nguyên tắc quản lý tốt và sử dụng quỹ tốt thì quỹ bình ổn vẫn phát huy tốt ở Việt Nam nhưng theo tôi đến lúc nào đó không cần quỹ bình ổn khi đó thị trường xăng dầu được vận hành theo cơ chế thị trường đầy đủ.

Chúng ta vẫn khẳng định xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nằm trong mặt hàng bình ổn nên chưa thể thị trường hóa mặt hàng xăng dầu một cách tuyệt đối được.

PV:- Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex trực thuộc Bộ Công thương chiếm khoảng 50% thị phần, có chuyên gia đã từng chỉ thẳng, điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thuộc Bộ và không thuộc Bộ, củng cố thế độc quyền của Petrolimex. Bộ Công thương quyết giá như vậy doanh nghiệp ngoài Petrolimex có cơ hội để tham gia vào thị trường xăng dầu không?

Ông Phan Thế Ruệ: - Đã cạnh tranh là cạnh tranh giá không cạnh tranh về thị phần và thực chất thị trường xăng dầu Việt Nam đang cạnh tranh quyết liệt và cạnh tranh bằng hoa hồng vì giá nhà nước quyết định nên các doanh nghiệp đang sử dụng hoa hồng như một biện pháp cạnh tranh thị phần. Bằng chứng là rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đang mở rộng thị phần và nhiều doanh nghiệp thu hẹp thị phần.

Một số chuyên gia nói thị trường xăng dầu Việt Nam mang yếu tố độc quyền do quá khứ tạo ra và nhà nước vẫn quyết định giá vì vậy chưa thể có thị trường cạnh tranh đúng bản chất của nó.

Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex có thị phần khoảng 46-47% vì Petrolimex phát triển từ nhiều đời nay, hệ thống phân phối của Petrolimex đã được đầu tư phát triển nhiều thập kỷ.

Nhưng trong tương lai Petrolimex chưa chắc giữ được hệ thống phân phối này, 3-4 năm trở lại đây thị phần của Petrolimex đang giảm dần và ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây nguyên.

Tôi cho rằng ở Việt Nam khi cạnh tranh phải cạnh tranh bằng giá bán, càng cạnh tranh thì giá càng thấp. Như vậy mới phản ánh đúng quy luật cạnh tranh và thị trường xăng dầu mới minh bạch và người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

PV:- Mới đây, Petrolimex cũng công bố, năm 2013, lợi nhuận sau thuế là 1.578 tỷ đồng trong khi năm vừa qua, mỗi lần tăng giá lý do đều là do doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ. Lợi nhuận của Petrolimex cũng từng được chỉ ra là nhờ tăng giá thay vì tăng năng suất, tăng hiệu quả, quan điểm của ông như thế nào?

Ông Phan Thế Ruệ: - Trong bán lẻ xăng dầu có lãi định mức do Chính phủ và Bộ tài chính cho phép lợi nhuận định mức là 300 đồng nên khi công bố lợi nhuận của doanh nghiệp người ta vẫn phải công bố lợi nhuận định mức.

Petrolimex từng công bố tháng này lỗ nhưng đến cuối năm lại báo lãi phải giải thích ngọn ngành đây là lãi định mức trong bán lẻ còn lỗ là lỗ tổng thể trong một thời gian nhất định, phần lỗ này là do giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở.

Hiệp hội Xăng dầu mang tiếng bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp xăng dầu nên nếu đứng ra giải thích điều này chưa chắc đủ sức thuyết phục nên chuyên gia phải hiểu cách tính toán cụ thể và chi tiết là vậy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: