Buôn lậu xăng dầu qua biên giới, phức tạp và nan giải
02:22 SA @ Thứ Hai - 31 Tháng Ba, 2014

Khu vực biên giới nước ta từ lâu đã là điểm nóng về nạn buôn lậu. Bên cạnh các mặt hàng như gia cầm, thuốc lá, rượu ngoại, pháo … xăng dầu cũng là loại hàng hóa nhạy cảm mà nhiều dân buôn nhắm tới. Mặc dù có nhiều đợt ra quân quyết liệt của các cơ quan chức năng nhưng hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và hiện đang là vấn đề rất nhức nhối mà Việt Nam phải đối mặt.

Lạng Sơn, Quảng Trị, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, An Giang và Kiên Giang là những địa bàn hoạt động "nhộn nhịp" của nạn buôn lậu xăng dầu sang các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung Quốc,... Mỗi ngày, hàng chục nghìn lít xăng dầu được tuồn sang các nước láng giềng bằng đủ mọi phương tiện như xe thồ, can, thùng phi, thậm chí cả bằng xe máy, ôtô, ghe, xuồng…. Nhà nước mất đi một khoản ngân sách đáng kể.

Trong báo cáo tại phiên giải trình trước Quốc hội hôm 7/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nhận định tình trạng thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân khiến người dân biên giới tham gia vào việc vận chuyển hàng lậu, trong đó có xăng dầu.
Tuy nhiên, không khó để thấy rằng, chênh lệch giá xăng dầu mới chính là yếu tố quan trọng nhất. So với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, giá xăng ở Việt Nam hiện đang thấp hơn đáng kể. Đơn cử như ở Lào, trong đợt điều chỉnh giá ngày 24/3/2014 mới đây, giá xăng RON 92 tại tỉnh biên giới Xiengkhoung được ghi nhận ở mức 10,330 Kip (tương đương 27,064 VNĐ) (1kip =2,62 VND – ngày 25/3/2014) – chênh hơn 1,800 đồng so với giá xăng tại vùng 2 của Việt Nam. Tương tự, tại tỉnh Savannakhet (giáp với tỉnh Quảng Trị - một điểm nóng về buôn lậu) là 10,130 kip, cao hơn 1,300 đồng. Ở Campuchia, giá xăng trung bình tại thời điểm này dao động trên dưới 1,49 USD (khoảng 31,000 VNĐ), đồng nghĩa với việc mỗi chuyến hàng trót lọt, dân buôn sẽ bỏ túi gần 6.000 đồng/lít xăng. Chính điều này đã khiến hiện tượng buôn lậu không có chiều hướng giảm mà ngày một gia tăng, dù các lực lượng thanh tra đã được tăng cường.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã thu giữ 7.548.378 lít xăng dầu; riêng trong năm 2012 đã bắt giữ 2.523.687 lít; và tính đến cuối 9/2013 là 2.041.547 lít xăng dầu.

Khác với buôn lậu xăng dầu qua đường biển, buôn lậu qua biên giới thường có quy mô nhỏ lẻ, manh mún nhưng thường xuyên và đông đảo hơn, phần lớn do các đầu nậu và dân bản địa thực hiện.Nếu như trước kia, buôn lậu xăng dầu chỉ tập trung ở một số địa bàn nổi cộm như các tỉnh giáp ranh với Svayrieng và Kampốt – Campuchia, Savannakhet và Xiengkhoung – Lào thì nay đã bùng phát mạnh mẽ ở nhiều tỉnh biên giới khác.



Một hình ảnh buôn lậu xăng dầu tại Tây Ninh

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, việc kiểm soát và dẹp bỏ triệt để nạn buôn lậu xăng dầu dường như vẫn nằm ngoài tầm với của các cơ quan chức năng.

Nhờ kinh nghiệm lâu năm, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và bài bản hơn. Đa phần các con buôn đều tranh thủ địa hình và thời gian khó kiểm soát, thường là lúc tờ mờ sáng, giữa trưa và chập tối, một cán bộ quản lý thị trường tại Tây Ninh chia sẻ.
Các chủ buôn rất ít khi ra mặt, thay vào đó thường thuê người dân địa phương – những người hầu hết có đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế để vận chuyển xăng dầu. Trường hợp bắt được một vài can, thùng cũng chỉ dừng lại ở phạt hành chính mức độ nhỏ, rất khó ngăn chặn triệt để. Thông thường, khi xăng từ Việt Nam được đưa qua biên giới, phía bên kia đã có xe ba gác và "đầu nậu" chờ sẵn. Khi có động, chúng thường ngay lập tức thông báo cho nhau qua điện thoại nên rất khó bắt quả tang.
Không chỉ có con buôn, các tài xế cũng tranh thủ kiếm lời. Bằng việc cho nhiên liệu vào thùng chứa phụ, giấu dưới gầm xe hoặc ngụy trang lẫn với hàng hóa đưa hàng qua cửa khẩu, họ cũng dễ dàng qua mặt các đơn vị biên phòng; nếu bị phát hiện thì khai là mua về để sử dụng.
Bên cạnh việc phải đối phó với những mánh khóe trên, lực lượng mỏng và địa bàn rộng lớn phức tạp cũng là một khó khăn lớn của lực lượng chức năng.

Nếu so với đường biên giới trải dài hơn 3.000km thì 5.200 cán bộ phòng chống buôn lậu thực sự là con số khá khiêm tốn. Trong khi đó, dân buôn đều thông thạo địa hình, chủ yếu vận chuyển hàng thông qua nhiều đường mòn, lối tắt nên việc đối phó không hề đơn giản, nhiều khi còn vấp phải sự chống trả quyết liệt của các đối tượng vi phạm.

Nhằm siết chặt tình trạng đáng báo động này, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 28/2011/TT-BCT về hướng dẫn quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới. Căn cứ thông tư này, thời gian bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các khu vực này bị giới hạn từ 6h đến 18h trong ngày, cùng với đó là quy định các chủ cửa hàng phải lập hóa đơn ghi rõ, tên tuổi địa chỉ của người mua với trường hợp mua xăng dầu từ 200.000 đồng trở lên. Văn bản này cũng nêu rõ "việc bán xăng dầu chỉ được bơm trực tiếp vào bình chứa chính của phương tiện vãng lai nước ngoài; không bán vào các dụng cụ chứa đựng khác."
Lý thuyết là vậy, tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả đạt được lại không như mong đợi. Tại nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực biên giới Tây Nam, việc buôn lậu diễn ra công khai, ai ai cũng biết. Các đối tượng thường mua xăng dầu vào bình 5 -10 lít rồi đem về đổ vào can 30 lít hoặc thùng phuy rồi dùng xe máy, xe đạp chuyển qua biên giới. Cũng vì thế mà hình ảnh các xe máy chất đầy chai và can đựng xăng từ lâu đã không còn lạ lẫm.

Có thể thấy, các giải pháp khác như tạo công ăn việc làm cho bà con khu vực biên giới, xây dựng được một đội ngũ chống buôn lậu trung thực, nói không với tham nhũng và tiêu cực hay đẩy mạnh hoạt động thanh tra - giám sát tại các địa bàn trọng điểm chỉ là những hướng đi tạm thời. Chúng ta cần nhận thức sâu xa hơn rằng chính bàn tay can thiệp quá sâu và ôm đồm của Nhà nước vào mọi ngóc ngách của hoạt động kinh doanh xăng dầu đã vô tình khiến cho loại hình kinh doanh đặc thù này phát triển ì ạch, đi ngược lại với những xu thế mở của nền kinh tế thị trường. Nếu nhìn nhận một cách khách quan, cơ chế điều hành xăng dầu của Lào và Campuchia tuy cũng dựa trên nền tảng pháp lý tương tự như Nghị định 84/2009/NĐ-CP nhưng khi đưa vào thực tế lại được áp dụng triệt để và hiệu quả hơn Việt Nam rất nhiều. Tại đây, Nhà nước trao cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu quyền định giá và tự động điều chỉnh theo giá thế giới. Trong sân chơi này, Nhà nước chỉ đứng ngoài, đóng vai trò là người dẫn dắt chung ở tầm vĩ mô thông qua các khoản thuế và phí (thường là cố định trong một thời gian dài), còn lại vấn đề giá sẽ do các doanh nghiệp tự định đoạt và cạnh tranh lẫn nhau. Bởi vậy mới có chuyện giá thay đổi liên tục trong tháng, nay tăng mai giảm (ở Lào) hoặc giá nhảy vào nhiều thời điểm trong ngày (ở Campuchia), bám sát giá thị trường và có sự chênh lệch giữa từng doanh nghiệp và từng khu vực. Người tiêu dùng sẽ được tiếp cận mức giá rẻ nhanh nhất có thể khi giá thế giới đi xuống cũng như bằng lòng chấp nhận khi giá tăng. Vậy nên, suy cho cùng, một khi xăng dầu ở nước ta thoát ra khỏi sự kiểm soát quá chặt chẽ của Nhà nước và được thả nổi theo cơ chế thị trường thì những hệ lụy của nó, bao gồm cả nạn buôn lậu mới không còn là mối lo lắng thường trực của các cơ quan chức năng.

Nguồn: