Đảm bảo an toàn PCCC trong kinh doanh xăng dầu
02:17 SA @ Thứ Ba - 10 Tháng Chín, 2013

(VINPA) -Không thể phủ nhận việc các cây xăng nằm ở các tuyến dân cư đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hơn nữa, các cây xăng nằm trong khu vực dân cư hầu hết đã tồn tại từ lâu, trước khi có những quyết định nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong kinh doanh xăng dầu.Nhưng chính sự tiện lợi này đã vô tình trở thành mối nguy hiểm với người dân khi các quy định về an toàn cháy nổ không được đáp ứng, chưa kể ý thức phòng chống cháy nổ (PCCN) của những người kinh doanh xăng dầu hay người đi đường đều rất thấp.

Có thể nói, một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác an toàn về cháy nổ tại các điểm kinh doanh xăng dầu. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát cũng chưa được tiến hành thường xuyên và nghiêm túc. Đến khi xảy ra một số vụ cháy nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và con người thì lãnh đạo các địa phương và ngành chức năng mới “giật mình” khi thấy không ít điểm kinh doanh xăng dầu còn khá thờ ơ với công tác PCCN. Đến thời điểm hiện tại, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, các cơ quan chức năng của các địa phương đã phát hiện thấy nhiều cây xăng ở sát nhà dân, vi phạm lộ giới, ở ngay khu công cộng có nhiều người qua lại. Một số điểm bán xăng dầu còn thiếu các trang bị chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy, thùng cát, biển báo hiệu, biển cảnh báo, bảng quy định an toàn, không bảo đảm quy trình tiếp nhận xăng dầu…

Thật ra, nhiều địa phương đã có kế hoạch di dời những điểm kinh doanh xăng dầu không an toàn, vi phạm lộ giới từ lâu nhưng vì nhiều lý do nên còn dây dưa, chần chừ. Một số điểm thiếu trang thiết bị phòng chống cháy nổ, tiếp nhận xăng dầu không đúng quy định thì cơ quan và ngành chức năng chỉ xử phạt, nhắc nhở qua loa rồi mọi chuyện đâu lại vào đó.

Một số cây xăng nằm sát nhà dân, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCN. Ảnh: Internet

Năm 2012, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 129 trường hợp vi phạm và xử phạt hành chính gần 300 triệu đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay đã phát hiện, xử lý 28 trường hợp vi phạm, xử phạt gần 100 triệu đồng. Tuy vậy, việc kiểm tra xử lý mới dừng ở mức xử phạt hành chính mà chưa có biện pháp quyết liệt để sửa chữa, đóng cửa hoặc di dời các cửa hàng xăng dầu này nhằm bảo đảm an toàn.

Ngày 5-11-2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng, dầu trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch nêu rõ, từ nay đến năm 2020 sẽ giải tỏa, di dời 56 cửa hàng xăng dầu không phù hợp về quy hoạch phát triển chung của thành phố hoặc có vi phạm tiêu chuẩn về an toàn; xây dựng thêm từ 312 đến 347 cửa hàng xăng dầu mới. Trong đó, giai đoạn 2010-2015 xây dựng năm cửa hàng loại I, 60 cửa hàng loại II và 136 cửa hàng loại III. Giai đoạn 2016-2020 xây dựng 2 cửa hàng loại I, 48 cửa hàng loại II và 65 cửa hàng loại III. Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch giai đoạn 2011-2015 là 989 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 630 tỷ đồng. Nhu cầu đất cho xây mới các cửa hàng là hơn 514 nghìn m2. Riêng trong khu vực 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2012-2015, sẽ xây dựng thêm 01 cửa hàng loại I, năm cửa hàng loại II và 30 cửa hàng loại III. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn chậm do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các mục tiêu nêu trên vẫn gần như chỉ nằm "trên giấy". Các cây xăng vi phạm nằm trong khu vực nội thành vẫn hoạt động như trước đây. Theo lãnh đạo của Sở Công Thương thì các cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội đều đã có từ lâu. Khi mới xây dựng, được cấp phép hoạt động, các cửa hàng này đều đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn tại thời điểm đó. 

Tuy nhiên, qua thời gian, do quản lý lỏng lẻo, nhiều hộ dân ở gần cây xăng lấn chiếm đất để xây dựng nên khoảng cách an toàn giữa cây xăng và khu dân cư bị thu hẹp dần; thậm chí, nhà dân, cửa hàng nằm sát cây xăng. Ðến nay, việc xác định cửa hàng xăng dầu vi phạm quy định an toàn khoảng cách với khu dân cư hay người dân tự ý lấn chiếm diện tích rất phức tạp. Các cơ quan chức năng cần xem xét lại lịch sử hình thành cây xăng, bản đồ quy hoạch tại khu vực có cây xăng để xác định được cây xăng có trước hay khu dân cư xung quanh có trước, từ đó đưa ra giải pháp hợp lý, hài hòa giữa nhu cầu kinh doanh, nhu cầu cung ứng nhiên liệu cho người dân và đảm bảo an toàn cháy nổ.  Dân cư đông, số lượng xe máy, ô-tô nhiều, nhu cầu mua xăng dầu của người dân rất lớn nên việc di dời các cửa hàng bán xăng trong nội thành không hề đơn giản, nhất là lựa chọn những vị trí vừa bảo đảm quy chuẩn, vừa thuận tiện cho người dân mua hàng.