Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 8/2014 chỉ tăng 0,22% so với tháng trước; so với cùng kỳ năm 2013, chỉ số CPI tăng 4,73% và so với tháng 12/2013, CPI cả nước sau 8 tháng mới tăng 1,84%.
Mức tăng CPI tháng 8/2014 có sự khác biệt lớn so với mức tăng CPI tháng 8 của ba năm gần đây, CPI luôn tăng ở mức cao, thậm chí gần 1% so với tháng trước.
Nếu như các năm trước, CPI chịu tác động chủ yếu từ các mặt hàng do nhà nước quản lý như học phí (năm 2011) hay do dịch vụ khám chữa bệnh (năm 2012 và năm 2013) thì năm nay, cả hai yếu tố trên chỉ tác động rất nhỏ đến CPI.
Tháng 8/2014, tác động đến chỉ số CPI của nhóm giáo dục là 0,22%, bằng 1/6 tác động của năm 2011 còn tác động của nhóm y tế thậm chí chỉ bằng 1/25 tác động của năm 2012 và bằng 1/8 tác động của năm 2013.
Như vậy, CPI tháng 8/2014 đã chịu tác động từ các yếu tố thị trường, thể hiện rõ qua diễn biến giá cả của các nhóm hàng chính như sau:
Hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có mức tăng lớn nhất, với mức 0,45% so với tháng trước trong đó lương thực tăng 0,45%, thực phẩm tăng 0,54% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,16%.
Đối với các nhóm hàng giảm giá, giá gas nhập khẩu liên tục giảm khiến giá gas bán lẻ trong nước đồng loạt giảm là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt giảm 0,31% so với tháng trước.
Cũng do ảnh hưởng từ giá thế giới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh giảm 2 lần trong tháng, tính đến ngày 28/8, cũng là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm giao thông giảm nhẹ 0,02% so với tháng trước.
8 tháng đầu năm lạm phát mới chỉ ở mức 1,84%, đây là mức tăng thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Nguyên nhân của tình trạng này là sức mua giảm sút, tồn kho hàng công nghiệp cao và tốc độ tăng tín dụng rất thấp. Tuy nhiên lạm phát thấp thời điểm hiện nay sẽ tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, lãi suất giảm, tái cơ cấu kinh tế và tạo lợi thế cạnh tranh.
Theo diễn biến thông thường, chỉ số giá tiêu dùng cả nước vào tháng 9, tháng 10 sẽ tăng nhẹ và sẽ có những thay đổi lớn vào hai tháng cuối năm. Dự báo mức lạm phát cả năm 2014 sẽ tăng dưới 5% nếu như giá dầu thế giới không tăng lên đột ngột.
Tháng 9/2014 sẽ có những yếu tố tích cực giúp ổn định hoặc giảm giá cả hàng hóa như sức mua tiêu dùng thấp; nguồn cung hàng hóa cơ bản được đảm bảo; giá các mặt hàng thiết yếu khá ổn định; mặt bằng lãi suất ở mức thấp; tỷ giá ổn định. Mặt khác, giá cả các mặt hàng có thể sẽ tăng trong tháng 9 do chịu sức ép của lộ trình tăng giá học phí và dịp nghỉ lễ 2/9 cũng như mùa tựu trường tới đây. Tuy nhiên, theo phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, CPI tháng 9/2014 vẫn sẽ tăng khoảng 0,2-0,25%.
Trong tháng 8/2014, giá xăng dầu đã ba lần điều chỉnh giảm. Cụ thể:
Ngày 7/8 giá xăng A95 giảm 400 đồng/lít; A92 giảm 500 đồng/lít, giá dầu điêzen giảm 160 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 140 đồng/lít. Đây là lần điều chỉnh giảm giá xăng thứ 2 trong năm 2014 sau 5 lần tăng liên tiếp.
Sau 10 ngày giảm giá xăng dầu, đến ngày 18/8 giá xăng tiếp tục giảm. Với mức giảm 600 đồng mỗi lít vào ngày 18/8, đây là lần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm. Xăng A95 giảm xuống còn 24.810 đồng/lít, xăng A92 giảm còn 24.210 đồng/lít. Giá dầu điêzen cũng giảm 80 đồng/lít xuống còn 22.090 đồng/lít, giá dầu mazut cũng giảm 60 đồng/kg xuống còn 18.750 đồng/kg.
Ngày 29/8, giá xăng lại giảm tiếp 470 đồng/lít, giá bán lẻ xăng A95 còn 24.340 đồng/lít, xăng A92 còn 23.740 đồng/lít. Dầu điêzen giảm 160 đồng/lít, còn 21.930 đồng/lít. Dầu hoả giảm 180 đồng/lít, còn 22.070 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có 15 lần điều chỉnh. Trong đó, mặt hàng xăng 5 lần tăng và 4 lần giảm giá. Tổng giảm của mặt hàng xăng đã nhiều hơn so với tổng mức tăng. Với 5 lần tăng, xăng có tổng giá trị tăng là 1.450 đồng/lít và với 4 lần giảm, tổng mức giảm là 1.900 đồng/lít.
Đối với 3 mặt hàng dầu còn lại, trong 15 lần điều chỉnh thì có 5 lần tăng, còn đối với những lần giảm giá thì dầu điêzen có 10 lần giảm, dầu hỏa có 7 lần giảm và dầu mazut có 3 lần giảm.
Diễn biến cung cầu:
Xuất khẩu dầu thô của OPEC (không bao gồm Angola và Ecuador) đạt trung bình 23,43 triệu thùng/ngày trong 4 tuần dự kiến đến 06/9/2014, tăng 40.000 thùng/ngày lên mức trung bình của 4 tuần trước đó.
Xuất khẩu dầu thô từ khu vực Trung Đông trong 4 tuần dự kiến đến 06/9/2014 đạt trung bình 17,09 triệu thùng/ngày, tăng 30.000 thùng/ngày từ mức của 4 tuần trước đó.
Dự báo:
Giá dầu thô sẽ còn tiếp tục giảm cho tới khi OPEC đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong tháng tới.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)