Diễn biến giá cả một số mặt hàng tháng 9 năm 2014 và dự báo
09:00 SA @ Thứ Năm - 02 Tháng Mười, 2014

Diễn biến giá cả một số mặt hàng tháng 9 năm 2014

Theo thông tin của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 tăng 0,4% so với tháng 8/2014, tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, ngoại trừ tháng 1 và tháng 2 CPI tăng cao do nhu cầu tiêu dùng và mua sắm cho dịp Tết nguyên đán, thì CPI tháng 9/2014 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng qua.

Đóng góp lớn vào mức tăng CPI tháng 9 là nhóm giáo dục tăng tới 6,38% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 7,17%. 9 tháng năm 2014 nhóm giáo dục đã đóng góp 10,81% (dịch vụ giáo dục tăng 11,84%) vào tốc độ tăng trưởng CPI cả nước.

CPI tháng 9 năm nay đã lặp lại kịch bản của năm 2012, 2013 khi chỉ số bị đẩy lên do những tác động của học phí và các chi phí khác cho giáo dục tăng mạnh. Đây là thời điểm bắt đầu vào năm học mới, các trường học ở nhiều tỉnh, thành phố lớn áp dụng học phí mới theo lộ trình chính phủ đã cho phép, cụ thể cấp phổ thông đã tăng tới 34%, các trường mầm non cũng tăng tới 1,8%, các trường đại học đã tăng tới hơn 12%.

Sau nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế cũng tăng mạnh trong tháng 9, do thời điểm chuyển mùa sang thu, nhiều dịch bệnh phát sinh như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết.

Nhóm thuốc và các dịch vụ y tế cũng tăng mạnh trong tháng 9

Các nhóm khác có chỉ số tăng trưởng trung bình, biến động không đáng kể như nhóm đồ may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,32%, nhóm thực phẩm tăng 0,21%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,21%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%.

Do tác động của các đợt giảm giá xăng dầu liên tiếp, tháng 9 có 3 lần thay đổi giá xăng dầu vào các ngày 09/9, 19/9 và 30/9 (xăng giảm giá 02 lần với tổng giá trị 180đ/lít, điesel giảm giá 03 lần với tổng giá trị 810 đ/lít, dầu hỏa giảm giá 03 lần với tổng giá trị 720đ/lít, mazut giảm giá 03 lần với tổng giá trị 460đ/kg), nhóm giao thông đã giảm tới 1,85%, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm tới 0,38%.

Như vậy, với chỉ số CPI trong tháng 9 mới chỉ tăng 2,25% so với cuối năm 2013. Với xu hướng tăng CPI như vậy, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới giảm (đặc biệt là giá xăng dầu) và sức mua trong nước vẫn còn yếu, dự báo từ nay đến cuối năm việc kiểm soát lạm phát tiếp tục có nhiều thuận lợi.

Dự báo chỉ số CPI tháng 10/2014

Dựa trên những phân tích của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, kết hợp với kết quả tính toán của phần mềm dự báo, dự báo CPI tháng 10/2014 sẽ tăng khoảng 0,36% so với tháng 9/2014.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường hàng hóa các tháng cuối năm sẽ chịu tác động của các yếu tố: nhu cầu nhiều loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, nhiên liệu tăng vào mùa lạnh và các dịp lễ tết nên giá các mặt hàng này có thể tăng; tính mùa vụ của một số loại hàng hóa vật tư phục vụ sản xuất và hàng nông sản; hoạt động đầu tư, giải ngân vốn các dự án đang được hỗ trợ khi lãi suất ngân hàng đang thấp, nhu cầu hàng hóa và cung tiền ra thị trường tăng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, tâm lý chi tiêu dè dặt, việc tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương nên thị trường hàng hóa sẽ không có sự tăng giá đột biến.

Diễn biến cung cầu mặt hàng xăng dầu

Ảnh: Internet

Theo báo cáo của OPEC, nguồn cung dầu thô dồi dào và tiêu thụ giảm khiến giá dầu liên tục giảm. Giá dầu thô ngọt nhẹ tháng 9 có xu hướng giảm so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ dầu có xu hướng giảm, sản lượng khai thác dầu thô tại Mỹ và Lybia gia tăng đáng kể khiến nguồn cung dầu thô toàn cầu dồi dào hơn. OPEC đã hạ nguồn cung dầu sản xuất từ 12 thành viên của nhóm thêm 200.000 thùng/ngày cho năm tới. Arabia Saudi cũng đã cắt giảm 400.000 thùng/ngày trong sản lượng khai thác nhằm ngăn chặn nguồn cung dư thừa.

Dự báo: giá dầu có thể sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu chưa có nhiều cải thiện.

Nguồn: