Điều hành giá xăng dầu: Người dân, DN sẽ bị thiệt nếu không minh bạch
03:08 SA @ Thứ Sáu - 23 Tháng Năm, 2014
Ông Phan Thế Ruệ

Nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu hiện đang được Bộ Công Thương xây dựng và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành. Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định là việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu sẽ do Bộ Công Thương chủ trì.

Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ một số vấn đề liên quan, nhất là về những băn khoăn rằng việc điều hành giá liệu có minh bạch, khi mà có tới 80% sản lượng cung cấp và thị phần thuộc về các doanh nghiệp nằm trong Bộ Công Thương.

Thưa ông, theo Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, việc điều hành giá xăng dầu sẽ do Bộ Công Thương chủ trì, ông bình luận gì vấn đề này?

Ông Phan Thế Ruệ: Tôi cho rằng đây là một trong nhiều công việc cụ thể hóa thông điệp của Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với các doanh nghiệp mới đây, trong đó nhấn mạnh chúng ta phải minh bạch về cơ chế chính sách, minh bạch trong điều hành và điều hành phải sát với thực tiễn. Hơn nữa, để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có nghiên cứu thực tiễn hoạt động điều hành giá.

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay còn nhiều khó khăn, trong đó, do xăng dầu là mặt hàng gắn liền với cuộc sống của từng người dân, nếu chính sách và cách điều hành không minh bạch sẽ làm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Do vậy việc chuyển đổi điều hành giá xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương theo tôi là hoàn toàn đúng đắn, vì điều hành giá bán lẻ không thể tách khỏi hoạt động kinh doanh. Khi đó, công tác điều hành được quy về một mối do cơ quan quản lý Nhà nước duy nhất chịu trách nhiệm thay vì liên bộ trước đây.

Tuy nhiên tôi cho rằng dù giao cho bộ nào quản lý thì vẫn phải có sự kết hợp chặt chẽ với các bộ liên quan.

Thưa ông, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại là phần lớn các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp xăng dầu cho thị trường nằm trong Bộ Công Thương. Vậy công tác điều hành liệu bảo đảm được tính minh bạch?

Ông Phan Thế Ruệ: Công tác điều hành phải trên cơ sở luật pháp vì doanh nghiệp đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đặc biệt cơ chế điều hành xăng dầu có một nghị định riêng, bên cạnh đó cũng còn có nhiều văn bản hướng dẫn khác.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là phải tách bạch rõ ràng, tức là công tác quản lý Nhà nước phải dựa trên cơ sở các chính sách (nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các bộ) để điều hành và không can thiệp bằng các quyết định hành chính.

Điều hành giá xăng dầu không thể tách khỏi hoạt động kinh doanh nhưng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, có lợi cho người tiêu dùng và có lợi cho doanh nghiệp. Vì thế, theo tôi, về mặt chủ trương, trong công tác điều hành, chúng ta phải dần loại bỏ quyết định hành chính để điều hành bằng cơ chế chính sách ổn định, đồng thời phải tách bạch giữa quản lý Nhà nước và việc không can thiệp hoạt động của doanh nghiệp.

Tôi cho rằng cái lợi của việc Bộ Công Thương chủ trì điều hành giá xăng dầu sẽ thực tiễn hơn, gắn với thị trường hơn.

Như vậy theo ông, Bộ Công Thương sẽ gánh vác công việc mới này thế nào?

Ông Phan Thế Ruệ:Tình hình thị trường xăng dầu thời kỳ này đã khác trước năm 2010, nhưng tính chất của những biến động trên thế giới vẫn không khác là mấy; ở nước ta, tăng trưởng tốc độ tiêu thụ xăng dầu rất chậm. Trong khi đó chúng ta hiện có tới 21 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, nên sự cạnh tranh hết sức gay gắt. Vì thế, không kiểm tra kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tình hình buôn lậu xăng dầu sẽ rất phức tạp.

Tôi cho rằng Bộ Công Thương phải điều chỉnh, bổ sung một số quy định pháp luật, ví dụ Luật Quản lý giá cần phải soát xét lại và càng giảm bớt được các mặt hàng ổn định giá càng tốt.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 11 về minh bạch hóa giá xăng dầu và giá điện, tôi cho đây là một tín hiệu tốt trong công tác điều hành.

Bên cạnh đó, trách nhiệm Bộ Công Thương sẽ lớn hơn, do vậy bộ máy giúp việc cho Bộ cũng phải được củng cố tương xứng với trách nhiệm. Nếu cần thiết, Bộ cũng nên tham vấn các chuyên gia.

Tôi cũng cho rằng, nên có 1 thông tư liên tịch để phân cấp rõ phần việc của từng cơ quan nhằm tránh xung đột lợi ích.

Sau một thời gian thực hiện việc điều hành, Bộ Công Thương cũng cần tổng kết để rút kinh nghiệm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: