Giá xăng trong nước không giảm tương ứng với giá thế giới, vì sao?
03:02 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Mười Một, 2014

(VINPA) - Giống như vàng và một số mặt hàng khác, xăng dầu là mặt hàng khó dự báo biến động về giá cả.

Thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế Nga bị Mỹ và các nước phương Tây liên tiếp cấm vận do mâu thuẫn trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, nỗ lực của Iran và 6 cường quốc nhằm dỡ bỏ lệnh vấm vận nhằm vào Iran, kèm theo đó là những diễn biến phức tạp trong cuộc chiến chống lại lực lượng nhà nước hồi giao tự xưng IS tại các nước Trung Đông, … giá dầu đáng lẽ phải liên tục tăng. Tuy nhiên, trái lại với những dự đoán thông thường, giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục giảm sâu (hiện giờ đang xuống dưới mức 80 USD/thùng).

Ảnh minh họa: Internet

Theo tính toán của một số bài viết của các trang báo: Bài: "Xăng dầu thế giới giảm 20%, trong nước mới giảm 10%" – Tác giả: Ng.Nga - Anh Vũ – Báo Thanh Niên; Bài "Xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng với thế giới" – Tác giả: Hướng Dương – Báo Infonet; Bài "Giá xăng dầu trong nước giảm chưa được một nửa so với thế giới" – Tác giả: Tâm An – BizLIVE;… thì đầu năm nay, giá xăng RON 92 được ghi nhận ở mức 24.210 đồng/lit (từ lần thay đổi giá ngày 18/12/2013 đến trước ngày 21/2/2014). Tính đến cuối tháng 10, giá xăng RON 92 giảm xuống còn 22.340 đồng/lít (giảm 1.870 đồng – tương đương 7,8% trải qua 8 lần điều chỉnh giảm với tổng số giá trị là 3.300 đồng, 5 lần tăng với tổng giá trị 1.430 đồng.

Trong khi đó, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore thời điểm đầu năm, cụ thể là ngày 2/1/2014 ở mức 118,63 USD/thùng, giảm 19,7% so với cuối tháng 10/2014 (cụ thể là ngày 29/10 với 95,300 USD/thùng).

Như vậy, tác giả của các bài báo trên cho rằng, tính trong 10 tháng qua, giá bán xăng RON 92 trong nước chỉ mới giảm gần 8% trong khi giá xăng trên thị trường nhập khẩu của Việt Nam giảm gần 20%.

Từ đây, các tác giả này kết luận, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn giảm ì ạch, chỉ bằng một nửa mức giảm giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, có thể thấy sự so sánh khá khập khiễng và cách tính toán ở đây là không phù hợp vì bài toán không đơn giản như vậy.

Nhiều yếu tố tác động

Cách chọn số liệu

Cách lấy một ngày cố định như trên (cụ thể ở đây là ngày đầu tháng 1 và cuối tháng 10) để phản ánh sự thay đổi tương đối (tỉ lệ %) về giá của xăng dầu cũng không chính xác vì chu kỳ xác định giá xăng dầu theo Nghị định 84 cũ là bình quân 30 ngày, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể cố định trong nhiều ngày nhưng giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới thay đổi theo ngày, có thể nửa đầu tháng thấp, nhưng nửa cuối tháng vẫn có thể tăng cao. Số liệu giá Platts trong một ngày cụ thể mà các bài báo trên đưa ra chỉ là giá Platts của ngày hôm đó, trong khi giá cơ sở được tính bằng giá Platts bình quân 30 ngày trước đó (MOPS 30). Hai giá trị này có thể chênh lệch khá nhiều.

Ví dụ ngày 2/1/2014 giá Platts RON 92 là 118,63 USD/thùng, trong khi giá MOPS 30 để tính giá cơ sở là 116,31/thùng. MOPS 30 để tính giá cơ sở của ngày 29/10 là 98,82 USD/thùng trong khi giá Platts RON 92 vào ngày ở mức thấp hơn (95,300 USD/thùng).

Riêng trong bài "Xăng dầu thế giới giảm 20%, trong nước mới giảm 10%" và bài "Xăng dầu trong nước giảm chưa tương xứng với thế giới", hai tác giả đã bị nhầm lẫn khi chọn giá dầu WTI và dầu Brent để làm so sánh với giá bán lẻ tại Việt Nam, trong khi giá bán được căn cứ vào giá xăng dầu Platts thành phẩm trên thị trường Singapore.

Tương quan giữa giá xăng dầu nhập khẩu và giá bán lẻ

Có thể thấy, trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu luôn có một số yếu tố cố định và không phụ thuộc vào giá nhập khẩu như thuế bảo vệ môi trường 1000 đồng/lit, lợi nhuận định mức 300 đồng/lit, chi phí kinh doanh định mức 860 đồng/lít, mức trích quỹ bình ổn giá 300 đồng/lit, chi phí vận chuyển về cảng Việt Nam và phí bảo hiểm (khoảng 2,5 USD/thùng). Các loại thuế và chi phí khác có giá trị không cố định (phụ thuộc vào giá nhập khẩu) như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt,…

Lấy một thí dụ, ta sẽ thấy được tương quan giữa giá nhập khẩu và giá bán lẻ:

Các loại thuế, chi phí cố định

Giá bán lẻ (giá NK + thuế, phí)

Giá nhập khẩu XD trước + (cộng) thuế, chi phí không cố định

10 đồng

3 đồng

13 đồng

Giá nhập khẩu XD sau + (cộng) thuế, chi phí không cố định

9 đồng

3 đồng

12 đồng

Giảm (%)

10%

7,6%

Căn cứ bảng trên, có thể thấy khi giá xăng dầu thành phẩm thế giới (nói cách khác là giá nhập khẩu) giảm, cùng với đó là các khoản thuế phí phụ thuộc vào nó giảm 10% thì giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường không giảm 10% mà chỉ giảm 7,6%. Chênh lệch giữa tỉ lệ tương đối giá nhập khẩu (cộng với thuế, phí ko cố định) và giá bán là: 10-7,6 =2,4%.

Khi giá XD nhập khẩu tiếp tục giảm sâu:

Các loại thuế, phí

Giá bán lẻ (giá NK + thuế, phí)

Giá nhập khẩu XD trước + (cộng) thuế, chi phí không cố định

10 đồng

3 đồng

13 đồng

Giá nhập khẩu XD sau + (cộng) thuế, chi phí không cố định

8 đồng

3 đồng

11 đồng

Giảm (%)

20%

15,3%

Vẫn với mức thuế phí cố định như trên (3 đồng), nhưng khi giá xăng dầu thành phẩm (cộng với thuế phí không cố định) liên tục giảm sâu (giảm tới 20%) thì giá bán lẻ trong nước mới giảm 15,3%. Chênh lệch lúc này được nới rộng là: 20-15,3=4,7%.
Như vậy, có thể thấy, giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu càng giảm, chênh lệch giữa tỉ lệ giảm giá xăng nhập về với tỉ lệ giảm giá xăng bán lẻ trên thị trường nội địa càng lớn. Điều này lý giải tại sao giá xăng thành phẩm giảm mạnh nhưng giá bán lẻ cũng giảm nhưng tỉ lệ không giống nhau.

Tỷ giá

Ngoài ra, xăng dầu tiêu thụ ở Việt Nam do phần lớn là nhập khẩu nên cũng chịu tác động của tỷ giá liên ngân hàng (để tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biết) và tỷ giá bình quân 30 ngày của ngân hàng Vietcombank (để tính giá CIF làm căn cứ tính giá cơ sở).

So với thời điểm đầu năm 2014, hai loại tỷ giá trên đều tăng:

Ngày 2/1/2014

Ngày 29/10/2014

Tỷ giá bán bình quân 30 ngày (vietcombank)

21.128 VNĐ/USD

21.278 VNĐ/USD

Tỷ giá liên ngân hàng

21.036 VNĐ/USD

21.246 VNĐ/USD

Chịu tác động bởi nhiều yếu tố như vậy nên việc xác định chính xác mối tương quan giữa giá xăng dầu thành phẩm và giá bản lẻ luôn chỉ mang tính chất tương đối.

Đã điều hành đúng theo Nghị định hiện hành

Hiện nay giá xăng dầu trong nước đang được các Bộ điều chỉnh đúng theo tinh thần của Nghị định hiện hành, dựa vào giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ hiện hành trong nước, theo đúng chu kỳ. Theo nhận định của ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex: "Điều chỉnh giá xăng bán lẻ trong nước, giá xăng dầu thế giới là một cấu thành. Vì vậy không hẳn giá xăng dầu thế giới giảm bao nhiêu giá xăng dầu Việt Nam giảm bấy nhiêu". Sở dĩ như vậy là do có sự chênh lệch và độ trễ do giá đã được tính bằng giá thế giới nhập khẩu bình quân 30 ngày. Đây cũng là một trong những hạn chế của Nghị định 84 khiến cho giá xăng dầu trong nước không thể tăng/giảm ngay tức thì, luôn lỡ nhịp so với những biến động của giá xăng dầu thế giới. Nghị định 83 mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho nghị định 84 cũ, đã có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 sẽ khắc phục nhược điểm này, giảm từ 30 ngày xuống còn 15 ngày giúp giá bán lẻ trong nước hòa cùng dòng chảy và bám sát hơn thị trường xăng dầu thế giới.

Qua 10 lần giảm giá, mỗi lít xăng bán lẻ giảm được tổng cộng 5.390 đồng; dầu diesel giảm tới 16 lần (giảm 4.170 đồng/lít), dầu hỏa giảm 13 lần (giảm 3.700 đồng/lít) và dầu mazut giảm 11 lần, người tiêu dùng đã giảm bớt được đáng kể gánh nặng, CPI tháng 10 cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan (chỉ tăng 0,11%). Cùng với sự ra đời của Nghị định 83 mới, hy vọng về một thị trường xăng dầu cạnh tranh mang hơi thở của thị trường xăng dầu thế giới sẽ không chỉ còn là một mong muốn xa vời của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.

Nguồn: