Giải pháp nào cho thu ngân sách Nhà nước trong lộ trình giảm thuế xăng dầu theo cam kết?
08:57 SA @ Thứ Tư - 15 Tháng Sáu, 2016

Đến năm 2017 sẽ có khoảng 14 Hiệp định thương mại tự do FTA có hiệu lực, chưa kể Hiệp định xuyên Thái Bình Dương TPP, và đến năm 2018-2024 Hệ thống Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cam kết với các nước sẽ hoàn tất, lúc đó, hầu hết các dòng thuế sẽ giảm xuống từ 0-5% trừ một số dòng thuế đặc biệt ưu đãi còn tồn tại.

Bắt đầu từ 2017-2018, số dòng thuế của các FTA thế hệ mới sẽ giảm mạnh, giảm sâu ảnh hưởng ko nhỏ đến cán cân thu chi ngân sách quốc gia. Vậy đâu là giải pháp bảo đảm cho nguồn thu ngân sách 1 cách bền vững đáp ứng nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an nịnh quốc phòng?

Từ năm 2015-2016, nguồn thu ngân sách đã bắt đầu giảm theo lộ trình giảm thuế theo cam kết FTA đa phương và song phương, nhiều chỉ tiêu thu từ hoạt động ngoại thương giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế chưa thoát khỏi khủng hoảng, tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại chưa được xử lý triệt để, nợ công ngày càng gia tăng, chỉ số giá tiêu dùng còn bị tác động nhiều yếu tố khó lường, không ổn định bền vững, hệ thống doanh nghiệp chưa có bứt phá, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản còn lớn, số doanh nghiệp mới thành lập, mới đăng ký và hoạt động cầm chừng đang là những áp lực lớn đối với nguồn thu ngân sách nhà nước hiện nay và những năm tiếp theo.

Nguồn thu ngân sách Nhà nước dựa vào thu nội địa là chính, thu từ hoạt động ngoại thương rất quan trọng hỗ trợ trực tiếp cho tổng thu ngân sách hàng năm, khi nguồn thu này giảm theo lộ trình giảm thuế thì bài toán của các nhà hoạch định chính sách tài chính quốc gia sẽ không có con đường nào khác là phải có những chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh trong nước, đưa ra chính sách thu từ nội địa phù hợp với nền kinh tế, mức sống của người dân và sự chịu đựng được của hệ thống doanh nghiệp. Đưa ra và điều chỉnh các sắc thuế nội địa hoàn toàn phù hợp với cam kết WTO sứ mệnh này thuộc về cơ quan lập pháp, của Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập đến điều chỉnh thuế nội địa liên quan đến lĩnh vực xăng dầu, bởi lĩnh vực này đang rất nóng bỏng do lộ trình giảm thuế đã đến, đến nhanh mặc dù biết trước nhưng đến nay các nhà quản lý trực tiếp trong lĩnh vực thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn lúng túng chưa đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản để tăng thu nội địa bù đắp cho những khoản giảm thu từ thuế nhập khẩu.

Theo chính sách, cơ chế hiện hành (Nghị định 83/CP) quy định điều tiết thu ngân sách chiếm khoảng từ 50 đến 51% giá bán lẻ xăng dầu, đây là mức thu phù hợp với nền kinh tế, mức sống của nhân dân hiện nay, phù hợp với chính sách thu của một số quốc gia, vừa có xuất khẩu dầu mỏ, vừa có nhập khẩu xăng dầu, phù hợp với một số nước khu vực Asean xung quanh ta. Theo đó thông qua 11 chỉ số để hình thành giá cơ sở bao gồm giá thế giới, phí vận tải bảo hiểm về cảng, tỷ giá, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức tính quỹ bình ổn, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng VAT, giá CIF để tính các loại thuế. Như vậy, thông qua hệ thống 11 chỉ số để hình thành giá cơ sở điều hành giá bán lẻ và thông qua chỉ số này để khẳng định mức thu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Có 4 sắc thuế được Luật hóa trong đó thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đã được luật ấn định 10%, thuế bảo vệ môi trường được ấn định thuế tuyệt đối, hiện nay là 3000đồng/lit xăng, thuế nhập khẩu ấn định ở những mức khác nhau tùy thời gian do yêu cầu của nền kinh tế và các cam kết FTA của Việt Nam (Bộ tài chính được Chính phủ ủy quyền điều hành, trước đó quốc hội ủy quyền cho thủ tướng). Thời kỳ thuế nhập khẩu xăng dầu theo cam kết WTO ở mức trần cao 35%, các FTA đa phương, song phương cũng ở mức cao 25-30% giá dầu thô cũng ở mức cao xung quanh 100USD/ thùng, có lúc lên đến 140 USD/thùng, khi đó nguồn thu từ xăng dầu chiểm một tỷ lệ đáng kể trong cân đối thu. Nhưng bây giờ đã khác, giá dầu thô giảm mạnh, lộ trình giảm thuế xăng dầu theo FTA ở mức sâu; năm 2016 theo FTA VN – Hàn quốc xăng về 10%, dầu các loại 5%, đến 2024 xăng về 0%, dầu các loại 0%, các FTA khác đến 2028 xăng dầu tất cả về 0%. Mặt khác, từ 2017, nhà máy Nghi sơn hoạt động và tham gia phân phối xăng dầu trên thị trường nội địa, chính thức thị trường xăng dầu VN có thương nhân nước ngoài hoạt động, cơ chế nào cho nhà máy Nghi Sơn cũng phải tuân theo quy luật thị trường, trên một mặt bằng thuế nhập khẩu và thuế nội địa, rút kinh nghiệm từ cơ chế cho nhà máy Bình Sơn đang gặp bất cập do cơ chế điều tiết tài chính thông qua các sắc thuế.

Từ tình hình và phân tích trên, tôi cho rằng cần sớm có tính toán bài bản đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, cần luật hóa các sắc thuế, giảm bớt các loại phí ngoài luật quy định, khẳng định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách nhà nước thông qua các sắc thuế cơ bản là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường để điều tiết thu cơ bản cho ngân sách nhà nước. Trong thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu, cần đưa ra lộ trình điều chỉnh thuế nội địa cho phù hợp với tỷ lệ giảm thuế nhập khẩu, năm 2017 có thể điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phù hợp với tỷ lệ giảm thuế nhập khẩu, như vậy không hề ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu, quyền lợi người tiêu dùng vẫn được đảm bảo, quyền lợi nhà nước vẫn duy trì mức điều tiết, doanh nghiệp xăng dầu hoạt động trong môi trường ổn định, minh bạch hơn góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững hơn khi lộ trình giảm thuế xăng dầu về 0% ngày càng đến gần.

Nguồn: