(VINPA)-Xăng sinh học là sản phẩm pha trộn giữa xăng không chì với ethanol theo tỷ lệ nhất định để sử dụng cho các loại phương tiện nhằm thay thế cho các loại xăng truyền thống và đảm bảo an ninh năng lượng. Do ethanol có nguồn gốc từ thực vật nên loại xăng này được đánh giá là sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm khí thải nhà kính, an toàn với động cơ của phương tiện và giúp giảm lượng tiêu hao nhiên liệu.
Chính vì thế, xăng sinh học đang được Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng sẽ trở thành loại nhiên liệu được tiêu thụ phổ biến, thay thế cho nhiên liệu truyền thống đang dần có nguy cơ cạn kiệt như hiện nay.
Tuy nhiên, cho dù có khá nhiều ưu điểm nhưng việc tiêu thụ xăng sinh học E5 (95% xăng không chì và 5% ethanol) trên thực tế đang phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ.
Thiếu nguyên liệu đầu vào
Bộ Công Thương cho biết, để thực hiện lộ trình như đã đề ra thì đến năm 2015 cần khoảng gần 4 triệu tấn sắn; năm 2020 cần khoảng 5,5 triệu tấn và đến năm 2025 cần khoảng 6,8-8,0 triệu tấn. Nếu căn cứ vào mức sản lượng sắn như hiện tại thì vào năm 2025, khi tất cả các nhà máy đều đi vào hoạt động với công suất tối đa, cả nước sẽ thiếu khoảng 2,2-2,5 triệu tấn sắn tươi nguyên liệu.
Thiếu cơ sở vật chất
Theo PVN, cả nước hiện có khoảng 175 cửa hàng bán xăng E5 tại 34 địa phương nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh/thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Huế, Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ. Với số lượng cửa hàng khá khiêm tốn như trên, so với tổng số 13.000 cây xăng trên toàn quốc, người tiêu dùng muốn mua loại nhiên liệu này cũng khó có thể tìm thấy địa điểm bán.
Chưa được đông đảo người dân đón nhận
Xuất phát từ thói quen sử dụng xăng truyền thống và những nhận thức chưa đúng đắn về xăng sinh học, người tiêu dùng hiện vẫn còn ngần ngại và băn khoăn khi sử dụng loại nhiên liệu mới này. Nhiều người dân cho biết, họ cũng rất muốn hưởng ứng chương trình này của Chính phủ nhưng thông tin về xăng sinh học còn quá ít, thêm vào đó, rất khó để tìm thấy một cửa hàng bán loại xăng này trong hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Hệ quả tất yếu, lượng tiêu thụ ethanol để pha chế xăng sinh học trong nước hiện nay chỉ đạt khoảng 20% lượng sản phẩm đầu ra. Để tránh tồn kho, phần còn lại các doanh nghiệp đều phải xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Canada, Trung Quốc (dưới dạng 99,5% và 96% ethanol). Tuy nhiên, sản phẩm rất khó cạnh tranh vì chi phí xuất khẩu cao, khiến cho các nhà máy phải chịu áp lực rất lớn. Hiện tại, cả 6 nhà máy sản xuất ethanol trong nước đang phải tạm dừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng.
Một điểm bán xăng sinh học E5
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Nhà nước cần có sự hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ, phân phối xăng sinh học theo những hướng đi sau:
Hỗ trợ và phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào của xăng sinh học (sắn)
Ở khâu đầu vào, Chính phủ cần hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu sắn, các chương trình thí điểm các giống sắn chất lượng cao. Tây Ninh, Gia Lai, Bình Phước, Phú Thọ,… là những vùng trồng sắn với diện tích lớn trên cả nước nhưng đều chưa theo kế hoạch cụ thể và chưa được nhà nước bảo hộ. Một khi Nhà nước có cơ chế tín dụng cho nông dân để họ yên tâm sản xuất, không bị thương lái ép giá thì năng suất và sản lượng sẽ được cải thiện đáng kể.
Đối với các đơn vị sản xuất ethanol, do sắn là loại cây có tính mùa vụ nên muốn bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất cả năm, các DN rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước nhằm huy động nguồn vốn lưu động lớn để đầu tư vào kho chứa và các khâu thu mua, dự trữ, bảo quản.
Mở rộng các kênh phân phối
Được biết, chi phí cho việc đầu tư cải tạo cơ sở vật chất như cột bơm, bể chứa,… cho xăng E5 rất tốn kém và không được hưởng ưu đãi như các dự án sản xuất khác. Do đó, Chính phủ cần có phương án miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế và phân phối loại nhiên liệu này, giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp để họ mở rộng hơn nữa việc đầu tư, tăng số lượng điểm bán trên toàn quốc.
Hỗ trợ về giá bán
Nhiều ý kiến cho rằng, để người tiêu dùng chịu rút ví tiền mua xăng sinh học, cần hạ giá bán chênh lệch nhiều hơn so với giá bán của xăng truyền thống. Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc PVOil, hiện các doanh nghiệp đang phải bù lỗ 250 đồng cho mỗi lit xăng E5 bán ra trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào khá cao, chi phí đầu tư lớn.
Nếu sản phẩm này được miễn thuế môi trường (vì đây là nhiên liệu thân thiện với môi trường), giảm thuế tiêu thụ đặc biệt khi đưa vào lưu thông, giá bán sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng.
Ở Mỹ, chính quyền Washington cũng có những chính sách ưu đãi với việc sản xuất ethanol như hỗ trợ các khoản tín dụng thuế cho doanh nghiệp, hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt, dỡ bỏ khoản thuế đánh vào xăng sinh học nhập khẩu.
Tại Brasil - một trong những quốc gia đi đầu về nhiên liệu sinh học - Chính phủ đã bỏ ra các khoản tiền lớn để cho các hộ kinh doanh, sản xuất ethanol vay với lãi suất thấp, duy trì giá ổn định, bằng 59% giá xăng do nước này quy định.
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng
Cùng với những ưu đãi về giá, sự tuyên truyền, quảng bá sản phẩm giúp người dân tin tưởng vào xăng sinh học hơn cũng là một giải pháp tối ưu.
Nhà nước cần chi mạnh tay hơn cho các chương trình giúp người tiêu dùng tiếp cận gần hơn với xăng sinh học ở mọi lúc, mọi nơi: quảng cáo trên các trang web tin tức có lượng truy cập lớn, tổ chức các cuộc đạp xe, đi bộ vì nguồn năng lượng xanh, phát hành thẻ tích điểm khi mua xăng sinh học,…
PVOil hiện là đơn vị đi tiên phong trong việc mở rộng các kênh truyền thông về xăng sinh học E5. Một trong số đó là chương trình quảng bá "Xăng Sinh Học E5 – Vì Một Hành Tinh Xanh” tại tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện từ năm 2011.
Trên thế giới đã có khoảng hơn 60 nước đang sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10 và cũng có các chương trình bắt buộc sử dụng loại nhiên liệu này. Điển hình nhất là Brasil, nơi khó có thể tìm thấy xăng nguyên chất do quy định tất cả mọi loại xăng đều phải được pha trộn với 25% ethanol. Để đạt được thành công như trên và trở thành một nước không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, Việt Nam cần kiên định với lộ trình sử dụng xăng sinh học đã đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)