(VINPA) - Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2014. Qua 1 tháng thực hiện Nghị định và các Thông tư hướng dẫn Nghị định, nhằm tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai thực hiện, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các hội viên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã gửi văn bản lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương kiến nghị một số nội dung sau:
1. Về chi phí kinh doanh định mức
Cứ 1 lần/năm Bộ Tài chính cần rà soát lại chi phí kinh doanh định mức để phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối và thông báo điều chỉnh ngay từ đầu năm kế hoạch, giúp cho các doanh nghiệp điều hành kinh doanh đạt hiệu quả cao.
2. Về kinh doanh xăng E5
Để ổn định nguồn cung nhiên liệu E100, Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần có cơ chế giá bán nguyên liệu E100 trong nước ổn định thông qua các công cụ điều tiết như thuế nhập khẩu E100, thuế xuất khẩu sắn…
Nhà nước cần có quy hoạch lâu dài, căn bản về vùng phát triển nguyên liệu để sản xuất E100; đồng thời phân định rõ nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học và an ninh lương thực quốc gia.
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nguồn lực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu sinh học và bù đắp các khoản chi phí gia tăng khi kinh doanh nhiên liệu sinh học.
3. Về chính sách thuế
Thuế nhập khẩu xăng dầu: Do Thông tư liên tịch không hướng dẫn nên Hiệp hội tiếp tục đề nghị ổn định thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ít nhất trong thời hạn 06 (sáu) tháng. Được như vậy sẽ thuận lợi cho việc tính giá cơ sở, các doanh nghiệp đầu mối chủ động xây dựng phương án kinh doanh, Nhà nước tính toán được nguồn thu để cân đối vĩ mô, thuận lợi cho việc kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý và người tiêu dùng.
Các cơ quan quản lý thuế (cục thuế các tỉnh, TP, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính) nên rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và ra quyết định hoàn thuế GTGT để đảm bảo nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thời hạn bảo lãnh thuế trong quá trình thực hiện Thông tư 139/2013/TT-BTC ngày 09/10/2013 của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập khẩu, tạm nhập tái xuất:
Tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư 139 không cho phép áp dụng bảo lãnh thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất (TNTX) trong thời gian gia hạn.
Triển khai thực hiện quy định trên của Thông tư 139 theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP thì thời hạn bảo lãnh thuế xăng dầu TNTX tối đa là 135 ngày, (120+15 ngày) đủ thời gian để doanh nghiệp tổ chức kinh doanh TNTX. Tuy nhiên ngày 20/11/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/02/2014, thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP, theo đó tại Khoản 4, Điều 11 Nghị định số 187 quy định: Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được lưu tại Việt Nam không quá 60 (sáu mươi) ngày.
Như vậy thời gian lưu hành hàng TNTX theo Nghị định 187 mới đã bị giảm từ 120 ngày xuống còn 60 ngày (không tính thời gian gia hạn) và theo đó, bảo lãnh thuế hàng TNTX xăng dầu theo quy định tại Thông tư 139 cũng bị giảm từ 135 ngày còn 75 ngày (60+15 ngày). Trong vòng 75 ngày kể từ khi hoàn thành thủ tục tạm nhập, doanh nghiệp phải bán tái xuất hết toàn bộ lượng hàng đã tạm nhập, nộp hồ sơ cho cơ quan HQ thanh khoản (xăng dầu hiện đang thực hiện kiểm tra trước thanh khoản sau).
Thực tế kinh doanh TNTX xăng dầu, đối với thời hạn lưu hành tạm nhập 60 ngày nhiều trường hợp không đủ thời gian để tái xuất hết. Khi đó doanh nghiệp phải đóng thuế khâu nhập khẩu, xin gia hạn để tái xuất tiếp, sau đó xin hoàn lại thuế đã đóng. Cách làm này khiến cho tăng chi phí kinh doanh, giảm sức cạnh tranh, không đáp ứng thường xuyên nhu cầu khách hàng tái xuất, đồng thời cũng phát sinh thêm các thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.
Trong bối cảnh kinh doanh tái xuất xăng dầu gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh Khoản 2, Điều 6 Thông tư 139, cho phép áp dụng bảo lãnh tiền thuế xăng dầu TNTX đối với thời gian được gia hạn TNTX (nếu doanh nghiệp xin gia hạn). Cách làm này một mặt vẫn đáp ứng được chủ trương giảm thời hạn lưu hành hàng TNTX của Nghị định mới, mặt khác vẫn tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh TNTX có hiệu quả hơn vì thời gian bảo lãnh thuế hàng TNTX xăng dầu vẫn tương đương Nghị định cũ (tối đa 135 ngày), trong khi nghĩa vụ thuế với Nhà nước vẫn được đảm bảo, không rủi ro vì đã được các ngân hàng bảo lãnh thực hiện.
4. Công tác thanh tra, kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm
Thông tư liên tịch chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác thanh tra, kiểm tra và chế tài xử lý vi phạm. Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan cần phải tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đồng thời phải có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi vi phạm. Có như vậy mới đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)