Từ đầu năm 2014, tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới đặc biệt trên biển diễn ra nghiêm trọng, từ vùng biển Quảng Ninh đến vùng biển đồng bằng sông Cửu Long. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức khảo sát ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh ven biển miền Bắc, miền Trung và đã họp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cả nước; sau đó đã làm việc với Cục quản lý thị trường TW.
Qua khảo sát thực tế, phản ánh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cùng với Cục quản lý thị trường TW đều thống nhất nhận định: nguồn xăng dầu buôn lậu tràn vào thị trường nội địa và cung ứng cho hầu hết các phương tiện của ngư dân trên biển đã gây áp lực lên quan hệ cung cầu, giá bán, chi phí và gây rối loạn thị trường xăng dầu trong nước, thất thu Ngân sách Nhà nước.
Trước thực trạng trên, ngày 31 tháng 7 năm 2014, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) với những nội dung như:
1. Địa bàn thực hiện buôn lậu xăng dầu trên biển
Hoạt động buôn lậu xăng dầu diễn ra ở nhiều vùng biển, nổi bật nhất là vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Qua cung cấp thông tin của các đơn vị kinh doanh xăng dầu thì địa bàn An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng không bán được dầu Diesel cho đánh bắt hải sản, tất cả đều mua từ nguồn dầu Diesel nhập lậu trên biển.
2. Thủ đoạn buôn lậu xăng dầu trên biển rất tinh vi
- Các chủ đầu nậu thường không trực tiếp thực hiện hành vi buôn lậu mà chỉ đạo gián tiếp thông qua thuyền trưởng, người áp tải hàng hoặc lập công ty trung gian;
- Mua xăng dầu ngoài biển, sau đó neo đậu ở vùng biển giáp ranh rồi lợi dụng đêm tối chuyển tải lên các tàu nhỏ vào bờ.
- Chuẩn bị các bộ hồ sơ để khi bị phát hiện thì hợp pháp hóa (điển hình là vụ Công ty Hoàng Sơn).
- Có phương tiện liên lạc hiện đại để theo dõi mọi động thái của cơ quan chức năng để thông báo cho nhau lẩn trốn.
- Giả danh tàu đánh cá để thực hiện hành vi buôn lậu xăng dầu (tàu Quế Phòng 01619 của Trung Quốc).
3. Đối tượng buôn lậu
- Các tàu biển nước ngoài
- Các đầu nậu trong nước
- Các ngư dân vừa sử dụng, vừa tiếp tay cho buôn lậu Xăng dầu trên biển.
4. Do chênh lệch giá quá lớn từ 3.000 – 5.000 đ/lít dầu Diesel bán tại thị trường nội địa dẫn đến hậu quả:
- Lũng đoạn thị trường nội địa, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của quốc gia.
- Thất thu cho Ngân sách Nhà nước, riêng tỉnh Kiên Giang theo thông tin từ các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì lượng xăng dầu cho đánh bắt hải sản khoảng 250.000 m³ dầu Diesel/ năm, hoàn toàn tiêu thụ từ nguồn nhập lậu trên biển, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước (các khoản thuế, phí) khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
- Tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ảnh hưởng tới các Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính.
- Làm giàu cho một số đối tượng kinh doanh không chân chính.
Từ những vấn đề nêu trên, Hiệp hội đã kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 quốc gia:
1. Tổ chức lại lực lượng chống buôn lậu xăng dầu trên biển phù hợp với điều kiện tình hình hiện nay, có thể dưới hình thức Ban chống buôn lậu xăng dầu trên biển để thống nhất các cơ quan chức năng chống buôn lậu, thống nhất quan điểm, mục tiêu, tổ chức lại lực lượng từ TW tới địa phương, giao trách nhiệm cho lực lượng nòng cốt này và người đứng đầu (Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường…)
2. Có dự báo để chủ động các phương án chống buôn lậu xăng dầu trên biển từ xa như: nguồn xăng dầu lậu, đối tượng tổ chức, cách thức, thủ đoạn tổ chức, thậm chí dự kiến cả số lượng xăng dầu lậu sẽ đưa vào vùng biển Việt Nam.
3. Cơ quan chống buôn lậu các Tỉnh, phối hợp với Ban chống buôn lậu xăng dầu trên biển, nắm chắc các đầu nậu, mạng lưới phân phối xăng dầu lậu kể cả hệ thống kinh doanh xăng dầu nội địa, các phương tiện vận tải thủy để phát hiện kẻ cầm đầu các đường dây buôn lậu, thậm chí lập chuyên án đấu tranh để triệt phá như trước đây đã làm.
4. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chống buôn lậu xăng dầu trên biển với các Cơ quan chức năng tham gia chống buôn lậu, với chính quyền các địa phương trong tổ chức thực hiện và phát hiện xử lý.
5. Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng buôn lậu, những cán bộ, công chức, chiến sỹ được giao chống buôn lậu biến chất, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu.
6. Phát động cuộc vận động nhân dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính phát hiện tố giác hành vi buôn lậu, tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành các quy định của pháp luật trong cung ứng, sử dụng xăng dầu trên biển.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)