(VINPA) - Nhân chuyến làm việc khảo sát thị trường xăng dầu Hàn Quốc, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Namviết bài: "Thiết lập thị trường xăng dầu cạnh tranh – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc"
Kỳ 1. Bước ngoặt phát triển của thị trường xăng dầu Hàn Quốc
Trước năm 1997, thị trường xăng dầu nội địa Hàn Quốc chưa vận hành theo cơ chế thị trường và giá thị trường, Chính phủ quyết định giá bán buôn, bán lẻ và đưa ra cơ chế chính sách quản lý chặt chẽ. Chính phủ Hàn Quốc gặp khó khăn khi phải ứng xử trước biến động giá và những bất cập trong quản lý. Cơ quan quyền lực (Quốc hội) và người tiêu dùng (cả những hộ tiêu dùng lớn), các phương tiện truyền thông quan tâm đặc biệt đến tính minh bạch của cơ chế chính sách, cách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hệ thống doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không mấy hào hứng với nghề nghiệp vì càng bán càng thua lỗ.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước phải chi một khoản rất lớn để bù chênh lệch giữa giá chính phủ quyết định với giá thị trường, tác động xấu đến ngân sách của Chính phủ. Theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Hàn Quốc (KPA) và Chủ tịch Hiệp hội các trạm xăng Hàn Quốc (KOSA) vào thời điểm đó (trước năm 1997) thì số lượng các nhà bán buôn, tổng đại lý, các cửa hàng bán lẻ rất ít so với sau năm 1997.
Năm 1997, đứng trước yêu cầu phát triển của đất nước, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dứt khoát: chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường, thực hiện giá thị trường, giao doanh nghiệp quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ. Tuy nhiên để không đột ngột gây sốc thị trường, Chính phủ quy định khung giá bán lẻ (khung giá chứ không phải giá trần) phù hợp với diễn biến thị trường và khả năng của doanh nghiệp.
Ngay khi quyết định của Chính phủ có hiệu lực, thị trường xăng dầu Hàn Quốc đã khởi sắc. Ngoài các nhà máy lọc dầu, các nhà nhập khẩu, hệ thống phân phối từ các nhà bán buôn, các tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ phát triển nhanh chóng. Từ số lượng ít các nhà bán buôn, các tổng đại lý, các cửa hàng bán lẻ, đến năm 2000 đã có mấy chục nhà bán buôn, hàng trăm tổng đại lý và hàng vạn cửa hàng bán lẻ ra đời. Đến năm 2013, số lượng các nhà phân phối xăng dầu đã đạt kỷ lục gồm: 20 nhà bán buôn, 650 tổng đại lý và 14.000 cửa hàng bán lẻ. Đây là bước ngoặt, bước đột phá chuyển sang kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường của Chính phủ Hàn Quốc.
Theo lãnh đạo Hiệp hội các trạm xăng Hàn Quốc thì đây là thời kỳ hệ thống phân phối xăng dầu phát triển sôi động nhất của Hàn Quốc. Ngoài 14.000 cửa hàng bán lẻ có quyền quyết định giá bán lẻ, 4 tập đoàn lọc dầu như SK Energy, GS Caltex, S-Oil và Hyundai Oilbank, các nhà nhập khẩu xăng dầu, các tổng đại lý có quyền bán lẻ và quyết định giá bán lẻ.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu và Hiệp hội các trạm xăng Hàn Quốc thì thị trường phát triển mạnh như vậy là do Chính phủ Hàn Quốc quyết định kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường; dỡ bỏ những cơ chế, chính sách kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bằng công cụ hành chính; làm cho môi trường thông thoáng; các dịch vụ bán lẻ xăng dầu tốt hơn, minh bạch, rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, đến năm 2014, hệ thống phân phối xăng dầu Hàn Quốc bị chững lại và có xu hướng giảm dần do nguồn năng lượng hạt nhân thay thế đáng kể nguồn nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, năng lượng hạt nhân chiếm 25% nhu cầu năng lượng của Hàn Quốc. Mặt khác, khi thị trường mở cửa đã tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt, nhiều cửa hàng bán lẻ, các tổng đại lý bị áp lực lớn của cạnh tranh phải đóng cửa.
Đến 2014, chỉ còn 12.000 cửa hàng bán lẻ và số cửa hàng trên tiếp tục có xu hướng giảm, có thể chỉ còn tồn tại từ 8000 đến 9000 cửa hàng là phù hợp. Như vậy, khi tạo ra bước ngoặt về cơ chế, tạo ra một thị trường cạnh tranh (chủ yếu cạnh tranh giá bán lẻ) theo quy luật khách quan, doanh nghiệp nào không cạnh tranh nổi thì tự dưng hoặc đóng cửa không hoạt động. Theo số liệu của Hiệp hội các trạm xăng Hàn Quốc, đến giữa năm 2014 đã có tới 425 cửa hàng bán lẻ dừng hoạt động, 140 cửa hàng bán lẻ đóng cửa.
(Xin xem tiếp kỳ sau)
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)