Nhận dạng phương thức quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực
07:15 SA @ Thứ Năm - 10 Tháng Tư, 2014

Phương thức quản lý là nét đặc trưng của một thể chế chính trị. Mỗi thể chế chính trị có một phương thức quản lý đặc thù. Tương ứng với phương thức quản lý theo “cơ chế thị trường” của chế độ tư bản chủ nghĩa thì phương thức quản lý kế hoạch hóa tập trung trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất được coi là đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Sau gần bốn mươi năm áp dụng phương thức quản lý kế hoạch hóa tập trung trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, nền kinh tế Việt Nam đã không đạt được kết quả mong đợi và bị tụt hậu khá xa, mặc dù chúng ta hội đủ các điều kiện phát triển không thua kém so với các quốc gia trong khu vực.

Đứng trước tình hình đó, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới mang tính cách mạng cho xã hội Việt Nam. Trước hết, sự đổi mới về tư duy kinh tế là đa dạng hóa các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất và cho phép phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Mặc dù, từ cuối những năm 90 đến nay thuật ngữ: “cơ chế thị trường có sự điều tiết hoặc quản lý của Nhà nước” đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam nhưng quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất trong việc cụ thể hóa nội dung của hai vế trong phương thức quản lý mới nói trên là “cơ chế thị trường” và “có sự điều tiết hoặc quản lý của Nhà nước” gây ra nhiều bất cập trong các hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và nhất là hoạt động kinh doanh xăng dầu nói riêng.

Trong bối cảnh như vậy, Nghị định 84/2009/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 84) về kinh doanh xăng dầu do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 10 năm 2009 đánh dấu một bước tiến quan trọng về nhận thức nhằm đưa hoạt động kinh doanh đặc thù này theo: “cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”, phù hợp với nội dung đã được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói, so với các Nghị định và văn bản pháp quy đã được ban hành trong các hoạt động sản xuất kinh doanh khác, nội dung của các điều khoản trong Nghị định 84 đã cụ thể hóa một phần nội dung hai vế của phương thức quản lý mới nói trên.

Căn cứ vào nội dung Điều 27 Nghị định 84, khi giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ từ 0 đến 7% thì các doanh nghiệp đầu mối được phép tăng giá bán lẻ theo mức tương ứng và trong trường hợp nếu giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ từ 7% đến 12% thì doanh nghiệp được tăng thêm 60% phần chênh lệch, 40% phần chênh lệch còn lại sẽ trích từ Quỹ bình ổn giá. “Biên độ khung” nói trên đã thể hiện sự “kết hợp” những ưu điểm của hai phương thức quản lý xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong việc xác định giá bán lẻ xăng dầu. Có nhiều nhà kinh tế cho rằng nên dùng “giá trần” làm chuẩn thay cho việc sử dụng “giá cơ sở” trong Nghị định nhưng cả hai phương pháp xác định giá bán lẻ nói trên đều thống nhất ở chỗ phải có “biên độ khung” làm cơ sở cho việc xác định giá bán lẻ trong cơ chế quản lý mới. Thêm vào đó, để tránh độc quyền, Nhà nước cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia vào toàn bộ chu trình phân phối từ nhập khẩu đến khâu bán buôn và bán lẻ xăng dầu nếu hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất như kho bãi, phương tiện chuyên chở… . Việc xã hội hóa hoạt động kinh doanh xăng dầu trong Nghị định 84 là một bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI.

Ngay sau khi Nghị định 84 có hiệu lực, sau 4 lần được chủ động tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu theo chế độ hậu kiểm, việc xuất hiện nhiều mức giá bán lẻ ở các cửa hàng xăng dầu đã tạo ra tiền đề quan trọng cho việc hình thành môi trường cạnh tranh trong hoạt động phân phối xăng dầu vốn được coi là động lực phát triển quan trọng của nền sản xuất hàng hóa. Để có được thị phần lớn và không ngừng tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp đầu mối phải năng động hơn trong khâu tìm kiếm các nguồn nhập khẩu, tiết giảm tối đa các chi phí quản lý và mở rộng hệ thống bán lẻ trên địa bàn toàn quốc. Do có sự cạnh tranh về giá trong biên độ khung giữa các doanh nhân đầu mối, trước hết người sử dụng sẽ hưởng lợi khi tiêu thụ xăng dầu đồng thời sự tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước phù hợp với nhịp độ tăng giảm giá xăng dầu trên thị trường quốc tế không những minh bạch hóa phương thức định giá bán lẻ mà còn tạo tiền đề cho người sử dụng làm quen với: “cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.

Một “cơ chế” mang tính cách mạng về nhận thức đồng thời phản ánh đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa bằng các điều khoản trong Nghị định 84 đã đi vào cuộc sống. Cơ chế kinh doanh mới đã tạo đà cho sự hoàn thiện và phát triển hệ thống phân phối xăng dầu Việt Nam. Với đà phát triển đó, những người trong cuộc đều có chung một hy vọng rằng, hệ thống phân phối xăng dầu mà chúng ta đã phải mất gần 40 năm mới xây dựng được sẽ hội đủ các điều kiện cần thiết để cạnh tranh ngay trên sân nhà với các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam buộc phải mở cửa thị trường bán lẻ vào năm 2018 theo đúng cam kết quốc tế.

Mặc dù Nghị định 84 có rất nhiều ưu điểm như đã nói ở trên song trong điều khoản quan trọng về định giá bán lẻ với các quy định mang tính “định lượng” rất cụ thể như đã nói ở trên vẫn kèm theo những mệnh đề thuần túy “định tính” như “ … hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ….”, gây ra những bất cập không đáng có trong việc triển khai thực hiện Nghị định 84. Từ năm 2010, dưới danh nghĩa “an sinh xã hội” hoặc hạn chế những tác động ảnh hưởng đến đời sống nhân dân … các “chủ thể quản lý” đã triệt để sử dụng các biện pháp hành chính để quyết định giá bán lẻ xăng dầu khác hẳn các điều khoản mang tính “định lượng” trong Nghị định 84.

Việc sử dụng biện pháp hành chính nói trên khiến cho “cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” đã được cụ thể hóa trong Nghị định 84 bị thay thế bằng cơ chế “xin cho” giữa “chủ thể quản lý” và “đối tượng quản lý” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Phương thức quản lý bằng mệnh lệnh hành chính như vậy đã vô hiệu hóa hoàn toàn nguyên tắc định giá bán lẻ xăng dầu vốn được xem là sự cụ thể hóa phương thức quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước tại Điều 27 Nghị định 84.

Căn cứ vào Nghị định này, vai trò “điều chỉnh” hoặc “quản lý” Nhà nước trong việc định giá bán lẻ xăng dầu chỉ dừng lại ở các điểm sau đây:

1- Xác lập “biên độ khung chuẩn”. Những vấn đề có liên quan đến chỉ số CPI, “an sinh xã hội” hay “an ninh năng lượng” … phải được các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan chức năng nghiên cứu và xem xét rất kỹ khi xác định “biên độ khung”. Hay nói cách khác, nếu có sự thay đổi giá bán lẻ trong biên độ khung thì sự thay đổi này không ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội và an ninh năng lượng … .

Việc các “chủ thể quản lý” đã vận dụng “sáng tạo” mỹ từ “ an sinh xã hội” để điều chỉnh và kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối trong 4 năm qua là trái với nội dung Nghị định 84. Có điều rằng, việc điều chỉnh và kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu này lại không nhận được sự đồng tình của ngay chính người sử dụng. Thực tế cho thấy, với sự thiếu minh bạch (không đúng qui định hiện hành) trong phương thức quản lý này đã tạo ra kẻ hở cho nhiều đối tượng làm giàu bất chính trong mỗi lần tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu.

2- Kịp thời điều chỉnh các yếu tố cấu thành như chi phí và lợi nhuận định mức, phí môi trường … trong giá cơ sở thậm trí thay đổi “biên độ khung” cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

Thực hiện chức năng nói trên, ngày 28 tháng 05 năm 2013, “chủ thể quản lý” đã có Thông báo số 135/TB-BTC về việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức xăng dầu. Tức là sau hơn 3 năm Nghị định 84 có hiệu lực, chi phí kinh doanh định mức xăng dầu đã được “chủ thể quản lý” cho tăng thêm 260 đồng/lít xăng dầu. Tuy việc điều chỉnh này là quá chậm so với tình hình kinh doanh thực tế, song sự “quan tâm” muộn còn hơn không này cũng góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp.

Việc không thay đổi “biên độ khung” trong suốt quá trình thực hiện Nghị định 84 có thể hiểu là biên độ này đã được xác định đúng và phù hợp với biến động về giá trên thị trường thế giới và khu vực hay như đã nói ở trên nếu có sự thay đổi giá bán lẻ trong biên độ khung thì sự thay đổi này không ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội và an ninh năng lượng … . Đó là là điều chúng ta phải suy ngẫm.

3- Thực thi những biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an ninh năng lượng và đời sống dân sinh nếu có biến động lớn trên thị trường xăng dầu quốc tế và khu vực khiến giá bán lẻ cao hơn giá cơ sở 12%.

Đúng ra, chỉ trong những trường hợp này các “chủ thể quản lý” mới được phép áp dụng các biện pháp “đặc biệt” như điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu hay huy động toàn bộ Quỹ bình ổn giá … thậm chí cắt giảm lợi nhuận định mức để thể hiện tính ưu việt của chế độ chính trị trong việc đảm bảo an sinh xã hội … .

Dưới danh nghĩa “an sinh xã hội”, các “chủ thể quản lý” lại tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá và đưa ra các quyết định tăng giảm thuế nhập khẩu một cách ngẫu hứng, không tuân thủ các quy định trong Nghị định 84 và các Thông tư quy định mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu do chính mình ban hành trong các năm 2010, 2011 và 2012. Việc làm này không những gây thất thoát lớn cho nguồn thu cho ngân sách Nhà nước như chúng tôi đã có dịp trình bày trong các bài viết trước đây mà còn bóp méo giá bán lẻ xăng dầu như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh.

4- Tiến hành giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu theo đúng các điều khoản đã được quy định trong Nghị định 84 và các văn bản pháp quy hiện hành có liên quan.

Điều đáng tiếc là “chủ thể quản lý” lại là đối tượng cần xem xét trong việc triển khai thực hiện Nghị định 84. Ngoài những vấn đề bất cập như đã nói ở trên, hàng loạt những văn bản pháp quy do “chủ thể quản lý” ban hành trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu không những thiếu tính thực tiễn mà còn mâu thuẫn với nội dung Nghị định 84 và các văn bản khác có liên quan khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất lúng túng trong quá trình thực hiện mà chúng tôi đã có dịp đề cập ở những bài viết trước.

Sự “tham gia” quá sâu vào hoạt động kinh doanh của “chủ thể quản lý” không những làm mất tính chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà còn tạo ra nhiều bức xúc trong xã hội. Việc thực hiện chế độ một giá lẻ do Nhà nước qui định trên địa bàn cả nước bằng mệnh lệnh hành chính đã đặt dấu “chấm hết” cho môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mới được hình thành. Phương thức quản lý mới “cơ chế thị trường có sự điều tiết hay quản lý Nhà nước” chỉ còn lại vế thứ hai mang tên “có sự điều tiết hoặc quản lý của Nhà nước” hay nói đúng hơn biết bao nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế quản lý lại trở về vạch xuất phát đó là cơ chế quản lý bằng các mệnh lệnh hành chính. Việc làm này không chỉ làm bóp méo giá bán lẻ xăng dầu mà còn triệt tiêu động cơ phát triển của cả hệ thống phân phối xăng dầu.

Những phân tích trên cho thấy, từ năm 2010 trở lại đây, phương thức quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu lại quay lại “cơ chế quan liêu bao cấp” vốn là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và sự tụt hậu của Việt Nam so với các nước trong khu vực trong suốt gần 60 năm qua. Một câu hỏi được đặt ra: Việt Nam đã hội đủ các điều kiện kinh tế -xã hội để thực thi cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung và việc áp dụng cơ chế này trong hoạt động kinh doanh xăng dầu có đúng thời điểm không?. Câu trả lời là có vì nó hội đủ hai điều kiện cơ bản sau đây:

Thứ nhất, cơ chế này phù hợp với quy luật phát triển khách quan của một nền sản xuất hàng hóa có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Thứ hai, phương thức quản lý mới trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là việc cụ thể hóa Nghị quyết số 22/2008/NQ-CP của Chính phủ trong việc thực hiện nghị quyết 21-NQ/TW về việc chuyển đổi phương thức quản lý nền kinh tế quốc dân theo “cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước” đã được ghi nhận trong văn kiện Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt nam như đã nói ở trên.

Hy vọng rằng trong Nghị định mới sẽ được ban hành thay cho Nghị định 84 sẽ không còn những mệnh đề mang tính “định tính” nữa để hoạt động kinh doanh xăng dầu được thực hiện theo đúng phương thức “cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.

Nguồn: