(VINPA) - Ngày 07 tháng 12 năm 2012, Ông Nguyễn Đức Chi – Chánh văn phòng Bộ Tài chính thừa lệnh Bộ trưởng có ký công văn số 17060/BTC-VP gửi Tổng cục Hải quan, cục hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xác định thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất hoặc không tái xuất hết, được chuyển tiêu thụ nội địa.
Công văn nói trên yêu cầu Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục hải quan thực hiện kiểm tra thực tế và giải quyết việc chuyển từ tạm nhập tái xuất xăng dầu sang tiêu thụ nội địa phải đảm bảo đúng, đủ điều kiện theo qui định của văn bản pháp luật nhà nước về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phải thay tờ khai hải quan theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế nêu trên (xin xem Bản trích lục Điều 9 của Nghị định 154/2005/NĐ-CP kèm theo). Sau đây chúng tôi xin trình bày những khía cạnh pháp lý của những vấn đề có liên quan:
Thứ nhất, với tên gọi “Đăng ký tờ khai hải quan”, Điều 9 của Nghị định này hoàn toàn không đề cập tới việc đăng ký tờ khai hải quan đối với trường hợp tạm nhập tái xuất hàng hóa nói chung cũng như tạm nhập tái xuất xăng dầu nói riêng, vì thế việc viện dẫn Điều 9 của Nghị định 154/2004/NĐ-CP trong Công văn số 17060/BTC-VP về việc phải thay tờ khai hải quan đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất xem ra không có sức thuyết phục xét dưới góc độ pháp lý của vấn đề.
Thứ hai, tại Điểm 4 Điều 9 của Nghị định 154/2005/NĐ-CP qui định “hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực tại khoản 1, khoản 2 Điều 18 Luật Hải quan được áp dụng các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai”. Chúng tôi thiết nghĩ, đây cũng là một căn cứ pháp lý quan trọng cần xem xét.
Thứ ba, tại Điểm d Khoản 3 Điều 37 Thông tư số 194/2010/TT-BTC qui định: “Trường hợp hàng hóa tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết, doanh nghiệp đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa thì phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và thanh khoản tờ khai tạm nhập, không đăng ký tờ khai mới, doanh nghiệp chỉ khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (nếu có) theo qui định. Thời hạn nộp thuế, phạt chậm nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này” (xin xem Bản trích lục Điều 37 Thông tư/2010 194/TT-BTC kèm theo). Rõ ràng rằng hàng hóa nói chung và xăng dầu nói riêng nếu nhập khẩu theo phương thức tạm nhập tái xuất nếu xin tiêu thụ trong nước thì “không đăng ký tờ khai mới”. Căn cứ vào nội dung d Khoản 3 Điều 37 Thông tư số 194/2010/TT-BTC nói trên thì trái ngược với tinh thần của Công văn số 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính gửi Tổng cục Hải quan về những vấn đề có liên quan.
Đứng dưới góc độ pháp lý mà nói, ở đây có hai vấn đề cần xem xét:
Thứ nhất, bất kỳ Nghị định nào của Chính phủ và bất kỳ một Thông tư của một bộ cũng có tính pháp lệnh cao hơn Công văn của bộ đó vì thế nếu nội dung của Công văn số 17060/BTC-VP trái với các văn bản pháp qui hiện hành có tính pháp lý cao hơn thì cần xem xét nội dung của Công văn này.
Thứ hai, ngay cả trong trường hợp, nội dung của Công văn số 17060/BTC-VP là hợp lệ thì nó chỉ có giá trị thi hành từ ngày 07 tháng 12 năm 2012 chứ không được phép qui định hồi tố và vì thế việc truy thu thuế là chưa thực sự mang tính pháp lý trong một nhà nước pháp quyền.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)