Nghị định 83/2014/NĐ-CP: Xóa những “cơn sóng lớn” tăng giá xăng dầu
03:32 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Chín, 2014

Trong 40 ngày, giá xăng dầu 5 lần “hạ nhiệt” liên tiếp, gần nhất là ngày 9/9. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng và DN. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam- về vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua, đặc biệt việc Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu 5 lần liên tiếp chỉ trong khoảng thời gian ngắn?

Tôi khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 từ giữa năm 2013 đến nay của liên Bộ Tài chính- Công Thương rất tốt. Chúng ta có thể tăng, giảm theo giá xăng dầu thế giới. Có thể nói rằng, mức độ tăng, giảm không cao, không gây bức xúc cho người tiêu dùng hay gây khó cho DN. Tôi cho rằng, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá xăng dầu thế giới.

Việc điều hành giá thời gian qua có sự phối hợp tốt giữa Liên Bộ Tài chính – Công Thương cũng như giao quyền tự chủ cho DN nhiều hơn. Bộ Công Thương cũng yêu cầu DN xăng dầu đầu mối như Petrolimex công khai, minh bạch thông tin để mọi người dân đều nắm được cách tính giá. Thêm vào đó, nhà nước ít can thiệp vào điều hành giá, DN cũng có tính tự chủ cao hơn. Về khách quan, giá dầu thô thế giới có biến động nhưng với biên độ không cao, không có những đợt tăng, giảm lớn như trước.

Ở góc độ người tiêu dùng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tính giá như hiện nay, bởi điều này đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN, đồng thời giá xăng dầu cũng đi theo hướng thị trường, minh bạch.

Ông Phan Thế Ruệ

Việc điều chỉnh giá vừa qua tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN vận tải, kinh doanh xăng dầu, thưa ông?

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải dùng nhiều xăng dầu như các hãng taxi, họ phải “bắt nhịp” theo giá xăng dầu bởi xăng dầu không thể cố định mãi một giá được. Khi giá xăng dầu đầu vào biến động thì doanh nghiệp phải chấp nhận. Vấn đề ở đây là quản lý làm sao cho phù hợp. Đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, họ cũng không hề bị ảnh hưởng bởi doanh nghiệp luôn có kế hoạch, phương án kinh doanh cũng như dự báo, biện pháp xử lý khi biến động giá. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng muốn giá xăng dầu tăng giảm theo giá thế giới.

Theo ông, giá xăng dầu thời gian qua đã bám sát giá xăng dầu thế giới chưa?

Tôi cho rằng, thuế nhập khẩu ổn định, ví dụ như với xăng RON 92 hiện nay là 18% thì giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát giá xăng dầu thế giới.

Gần đây nhất, giá xăng chỉ giảm 30 đồng/lít, có ý kiến cho rằng giảm ít như vậy là không cần thiết. Theo ông, có nên tiếp tục giảm ở mức thấp như vừa qua?

Giảm giá là rất cần thiết, thậm chí nếu giảm 20 đồng cũng nên giảm bởi giá trong nước phải theo giá thế giới, chúng ta không nên nói nhiều hay ít. Thực tế, đây là cơ chế chính sách chứ không phải giá trị tăng giảm bao nhiêu. Cũng không thể có chuyện giá xăng dầu thế giới giảm 30 đồng mà chúng ta lại giảm 500 đồng. Tôi xin khẳng định lại: Điều hành giá như lần gần đây nhất là hợp lý, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối rất ủng hộ.

Bên cạnh đó, điều hành giá thời gian qua cũng có tác động tích cực đến nền kinh tế. Thứ nhất, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ hai, việc xuất lậu cũng như gian lận xăng dầu giảm hẳn; có chăng tồn tại hoạt động nhập lậu xăng dầu nhằm trốn thuế. Ngoài ra, tạo nguồn thu cho ngân sách. Trước đây, như các năm 2008, 2009, nguồn thu ngân sách từ xăng dầu là rất thấp, có khi 3-4 tháng, thuế bằng 0%.

Nghị định 83/2014/NĐ - CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 1/11/2014, điều hành giá theo nghị định mới này có những bước tiến nào so với trước đây?

Theo Nghị định 84 hiện đang áp dụng, doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá nếu giá cơ sở (gồm giá thế giới, thuế, phí, lợi nhuận định mức...) tăng đến 7%. Nếu giữ mức này, mỗi lần tăng giá doanh nghiệp được tăng tới khoảng 1.500 đồng/lít. Như vậy có thể tạo cú sốc cho nền kinh tế.

Nghị định 83 có nhiều tiến bộ, thứ nhất thời gian tính giá cơ sở tính theo bình quân 15 ngày. Nghị định này quy định: Nếu giá cơ sở tăng từ 0 – 3% thì doanh nghiệp tự quyết, từ 3 – 7% việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các Bộ, trên 7% là do Chính phủ quyết định. Sự tiến bộ này theo tôi sẽ xóa nhòa được những “cơn sóng” tăng giá xăng dầu. Bên cạnh đó, trích lập Quỹ bình ổn vẫn tính vào giá bán lẻ; quản lý vẫn để ở doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải dùng như quỹ tài chính, ví dụ như không dùng phải chịu lãi suất ngân hàng…

Tuy nhiên, khi Nghị định 83 có hiệu lực thì cần có Thông tư liên tịch hướng dẫn của hai Bộ Công Thương – Tài chính. Thông tư phải làm rõ nhiều vấn đề trong Nghị định 83, đơn cử như thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu phải ổn định trong thời gian bao lâu cũng như mức ổn định là bao nhiêu?

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: