(VINPA) - Theo đánh giá của Cục Cảnh sát biển, hiện nay, số lượng các vụ buôn lậu xăng dầu trên biển đang có chiều hướng gia tăng.
Gần đây nhất có thể kể đến vụ tàu HADUCO chở 2.125.626 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam vào ngày 9/12/2013. Đây là vụ bắt giữ xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay. Hay như vụ cảnh sát biển bắt quả tang tàu có số hiệu QN-5088 (Quảng Ninh) mua dầu trái phép của tàu Yong Win 18 (Myanmar), chứa trên 5.300 tấn dầu D.O vào ngày 28/8/13 trên biển huyện Hải Hậu … Hàng loạt các vụ buôn lậu được phát hiện thời gian qua đã cho thấy tính chất phức tạp của nạn buôn lậu xăng dầu trên biển hiện nay.
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam kiểm tra tàu HADUCO 1 thuộc Công ty TNHH Hải Dương.
Quy mô buôn lậu không hề nhỏ, thủ đoạn hết sức tinh vi, buôn lậu xăng dầu trên biển có thể “núp bóng” dưới nhiều hình thức nhưng phổ biến nhất là lợi dụng cơ chế tạm nhập – tái xuất. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan “thông qua hình thức tạm nhập tái xuất, các đầu nậu dễ dàng ngụy trang cho việc buôn lậu xăng dầu trên biển. Có thể thấy, đây là hình thức buôn lậu xăng dầu nhằm trốn thuế nhập khẩu đang xảy ra phổ biến hiện nay.”
Điều 2 quy chế kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) xăng dầu do Bộ Công thương ban hành theo Quyết định số 01/2008/QĐ-BCT ngày 3/1/2008 quy định “TNTX xăng dầu là việc thương nhân Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu xăng dầu ra khỏi Việt Nam hoặc bán cho thương nhân thuộc các khu vực hải quan riêng trên lãnh thổ Việt Nam như khu chế xuất, DN chế xuất, khu bảo thuế, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác …”.
Cụ thể, có thể hiểu TNTX xăng dầu là hình thức doanh nghiệp Việt Nam mua xăng dầu từ một quốc gia này để bán lại cho một quốc gia khác, và các lô hàng này phải qua các thủ tục hải quan để nhập khẩu và xuất khẩu ra khỏi Việt Nam với hai hợp đồng mua bán riêng biệt. Theo quy định, hàng TNTX được tạm nhập và hoãn thuế 180 ngày, cộng với 15 ngày gia hạn tối đa, tổng cộng 195 ngày. Đối với xăng dầu, khi thuộc diện hàng “tạm nhập tái xuất”, doanh nghiệp sẽ được miễn các loại thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Nhìn thấy cái lợi trước mắt, các đầu nậu thường lấy danh nghĩa nhập hàng để tái xuất, nhưng khi chở hàng trên biển lại quay ngược về đất liền để bán xăng dầu tiêu thụ nội địa, hay thậm chí sang mạn xăng dầu cho các tàu khác ngay trên biển. Hành động phi pháp này khiến Nhà nước thất thoát một nguồn thu lớn từ thuế. Điển hình phải kể tới vụ buôn lậu 2.000 tấn xăng của tàu Giang Châu (quốc tịch Trung Quốc và Campuchia). Tàu này đã mua xăng dầu từ Singapore về Việt Nam nhưng không tái xuất sang Trung Quốc mà tự ý phá kẹp chì niêm phòng và bán cho các trùm xăng dầu lậu của Việt Nam để tiêu thụ nội địa, hưởng chênh lệch giá và trốn thuế.
Thực tế cho thấy, với những chế tài về thuế và trợ cấp khác nhau, giá nhiên liệu tại mỗi quốc gia thường không có sự đồng nhất. Nhìn chung, khi so với các nước cùng chung biên giới đường biển, giá xăng tại Việt Nam thường cao hơn Malaysia, Indonesia và thấp hơn Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc (Số liệu theo Thống kê của GlobalPetrolPrices vào tháng 12/2013). Chính sự khác biệt về giá này đã thôi thúc các đối tượng buôn lậu xăng dầu kiếm lợi. Khi giá xăng dầu tại Việt Nam cao hơn, đầu nậu nhập từ nước bạn về bán; khi thấp hơn, lại xuất đi hưởng chênh lệch. Thậm chí, ngay cả những ngư dân, vốn ban đầu chỉ có ý định mua xăng dầu với lượng nhỏ để phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của gia đình, nhưng đứng trước món hời lớn, đã dần trở thành đầu nậu tiếp tay cho việc buôn bán xăng dầu trên biển. Thủ đoạn mà các đầu nậu thường áp dụng là dùng các tàu thuyền cỡ nhỏ, giả danh tàu đánh bắt cá và neo đậu tại các vũng lãnh hải giáp ranh. Tiếp đó, lợi dụng sơ hở của cơ quan kiểm tra, chúng sẽ xé rào sang nước bạn để xuất-nhập lậu xăng dầu.
Buôn lậu xăng dầu trên biển. Ảnh: Internet
Các đầu nậu thường xuyên thay đổi tên và số tàu, đổi tuyến hành trình, không bật radar tín hiệu khi lưu thông trên biển; sử dụng hóa đơn, chứng từ giả để đối phó với cơ quan chức năng. Khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, các đối tượng thường chạy lòng vòng để tránh sự kiểm soát, sau đó vượt sang vùng biển nước ngoài để xuất, nhập lậu. Khi đã “có hàng” các đối tượng thường liên hệ để gặp nhau tại một số địa điểm cụ thể, bên mua hoặc bán đã chuẩn bị sẵn giấy tờ khống để hợp thức hóa xăng dầu nhập lậu và che mắt lực lượng chức năng.
Gian nan của người bảo vệ trên biển không phải ai cũng hiểu. Bởi lẽ đặc thù của ngành này là hoạt động trên một vùng diện tích mặt nước bao la, khó kiểm soát. Đường biên giới biển nước ta dài, lại có nhiều điểm để neo đậu, cập bến mua bán, trao đổi hàng hóa, phương tiện tàu thuyền của đầu nậu thường có công suất lớn, thậm chí những “xuồng bay” này còn lắp tới hai động cơ, gắn ra đa, định vị hiện đại. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát biển của chúng ta còn quá mỏng, kích thước thuyền nhỏ, các thiết bị đều được trang bị từ rất lâu nên kém hiện đại, khả năng chịu sóng kém, tốc độ thấp lại không chứa được nhiều nhiên liệu nên không thể ra khơi xa, bởi thế rất khó để đảm bảo việc tuần tra liên tục. Bên cạnh đó, đầu nậu lại thường lợi dụng đêm tối để thực hiện hành vi sang mạn. Vì vậy, muốn bắt được chúng, các lực lượng chức năng thường phải áp dụng chiến thuật nằm vùng, ngồi chờ chúng “tập kết hàng” để bắt quả tang. Tuy nhiên, không phải bắt được quả tang mà đã khép tội buôn lậu ngay được, bởi thủ đoạn của bọn buôn hàng lậu rất tinh vi, chúng thường cố tình kéo dài thời gian với cán bộ để tranh thủ điền vào tờ khai, hóa đơn, chứng từ khống. Một khi tờ khai đầy đủ, sẽ rất khó có thể quy tội buôn bán bất hợp pháp. Các đầu nậu cũng rất ít khi ra mặt nên việc xử lý tận gốc khi bắt được quả tang buôn lậu cũng gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát biển. Đấy là còn chưa kể đến khả năng có sự móc nối, lấp ló hiện tượng tiêu cực, bỏ qua cho buôn lậu của một số cán bộ thoái hóa, biến chất.
Tình trạng buôn lậu phức tạp là thế, tuy nhiên, khó không có nghĩa là không có cách để hạn chế, ngăn chặn hiện trạng này. Sau vụ tàu Giang Châu, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Thủ tướng kiến nghị xem lại cơ chế chính sách với TNTX trên biển, và Thủ tướng cũng đã có thông báo tạm dừng TNTX xăng dầu đối với Trung Quốc và vùng biển phía Bắc hiện nay khá yên ắng. Tuy nhiên, do cơ chế tạm nhập-tái xuất xăng dầu trên đường biển với Thái Lan, Campuchia vẫn chưa bị cấm nên nạn buôn lậu trên vùng biển phía Nam này diễn tiến khá phức tạp. Tuy nhiên, “không quản được là cấm” không phải là biện pháp mang tính lâu dài, bởi cấm tạm nhập tái xuất trên biển, vô hình chung đã làm mất đi lợi thế, mất đi cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trong một quốc gia có đường bờ biển dài như nước ta. Hiện tại, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách liên quan tới hình thức này. Cụ thể là sẽ giảm số ngày hàng TNTX được lưu lại tại Việt Nam, gắn chip định vị trên các container và tàu hàng, kiểm soát chặt các tờ khai tạm nhập và tái xuất, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo rõ ràng và tuyến hành trình vận chuyển hàng hóa…
Bộ đội Biên phòng kiểm tra tàu vận chuyển trái phép xăng dầu.
Thiết nghĩ, để hạn chế hành vi vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển, cần tăng khung xử phạt hành chính đối với đối tượng vi phạm, có thể theo hướng tăng mức tiền xử phạt lên gần bằng giá trị hàng buôn lậu và tịch thu phương tiện tham gia vận chuyển hàng lậu trên biển. Quan trọng hơn, cần có biện pháp ngăn chặn hiện tượng “tiêu cực ngay trong những người chống tiêu cực” bằng cách xử phạt thật nặng, thậm chí là tăng khung hình phạt gấp đôi so với những đối tượng buôn lậu thông thường khác để răn đe, làm gương, giữ sự “trong sạch” trong nội bộ lực lượng phòng chống buôn lậu xăng dầu trên biển.
Cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay hầu hết (~ 100%) các tàu cá thường mua nhiên liệu lậu trên biển bởi giá thành thấp. Bởi vậy, để có thể hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần có một cơ chế ưu đãi giá nhiên liệu dành cho ngư dân đồng thời tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại to lớn của buôn lậu xăng dầu tới nền kinh tế quốc gia.
Đồng thời, để hạn chế tình trạng buôn lậu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự trên biển như Hải quân, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng của địa phương trên vùng biển của Tổ quốc. Có như thế, chúng ta mới có thể hy vọng vào một viễn cảnh thị trường xăng dầu giảm hẳn hiện tượng buôn lậu, đảm bảo sự ổn định và công bằng không chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh và còn cho người tiêu dùng trong nước.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)