Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhận được Giấy mời số 328/GM-BCT ngày 21/07/2017 của Bộ Công Thương về việc mời tham dự Hội nghị rà soát, đánh giá Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được tổ chức tại TP.HCM ngày 28/7/2017.
Ngày 25/7/2017, Hiệp hội đã gửi ý kiến đóng góp về việc rà soát, đánh giá Nghị định này như sau:
Nghị định 83/2014/NĐ-CP ra đời đúng vào thời điểm giá dầu thô thế giới giảm liên tục, giữ ở mức giá thấp (trung bình từ dưới 40 USD/thùng đến dưới 50 USD/thùng, đến thời điểm hiện nay vẫn ở mức xung quanh 45 - 48 USD/thùng). Đây là nhân tố cơ bản giúp thị trường xăng dầu nội địa Việt Nam ổn định, đồng thời giúp các cơ quan điều hành, vận hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính) có điều kiện thuận lợi để đưa Nghị định vào thị trường, bước đầu đạt được những kết quả như nguồn cung ổn định, đảm bảo được các nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh phục vụ tốt người tiêu dùng. Hệ thống doanh nghiệp xăng dầu đỡ bị áp lực trước những chu kỳ điều chỉnh giá; dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đỡ bức xúc khi giá bán lẻ xăng dầu biến động, và có thái độ ủng hộ đưa giá bán lẻ xăng dầu theo cơ chế thị trường một cách công khai, minh bạch đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước.
Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP cũng đã bộc lộ những bất cập cần được xem xét, đó là:
- Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định những điều kiện hình thành các đầu mối kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu, các tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu. Các điều kiện này đang bất cập với những quy định của luật pháp ra đời sau Nghị định 83/2014/NĐ-CP như Luật Doanh Nghiệp (có hiệu lực từ 1/7/2015), Luật Đầu tư (có hiệu lực từ 1/7/2015).
- Về các Doanh nghiệp FDI tham gia thị trường
Theo cam kết WTO và các Hiệp định FTA, Việt Nam chưa mở cửa thị trường xăng dầu; tuy nhiên, để thu hút đầu tư nước ngoài, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn 75% và được phép phân phối các sản phẩm của nhà máy tại thị trường Việt Nam, hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã bán 8% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, có nghĩa hoạt động của họ được công nhận trên thị trường. Vì vậy, Nghị định 83 cần được bổ sung quy định cụ thể để doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong khi Việt Nam chưa mở cửa thị trường xăng dầu.
- Về thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu
Đây là bất cập mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp phải vì trong thực tế hiện nay không có doanh nghiệp chuyên kinh doanh loại hình dịch vụ này như trong quy định của Nghị định. Trong thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đều căn cứ vào cơ sở vật chất hiện có và nhu cầu sử dụng để cho các bạn hàng thuê (kho, phương tiện vận tải). Quy định này không có trong thực tế và gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp.
Hiệp hội kiến nghị loại bỏ hình thức thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu và các quy định có liên quan đến loại hình này.
- Về dự trữ xăng dầu
Theo Điều 31 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về dự trữ xăng dầu bắt buộc, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối trên thị trường trong nước phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung cứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân một (1) ngày của năm trước liền kề, cả về cơ cấu chủng loại; bao gồm dự trữ phục vụ an ninh năng lượng quốc gia, dự trữ lưu thông bắt buộc. Như vậy, các doanh nghiệp đầu mối đều phải tham gia thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia xem như điều kiện bắt buộc tối thiểu 30 ngày cung ứng. Tuy nhiên, theo quan điểm Hiệp hội, cần phải làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc dự trữ xăng dầu phục vụ an ninh năng lượng quốc gia để bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu quốc gia và cần tăng thời gian dự trữ xăng dầu quốc gia để phục vụ cho quốc phòng, an ninh, an toàn năng lượng.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP chưa lường hết được các yếu tố khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục. Việc dự trữ xăng dầu bắt buộc đối với doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường nhưng quy định thời gian dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp rất lớn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh không hiệu quả hoặc bị lỗ (mua cao bán thấp). Vì vậy, Hiệp hội đề nghị nên rút ngắn thời gian dự trữ xăng dầu bắt buộc đối với doanh nghiệp từ 30 ngày xuống 15 ngày nhằm giảm gánh nặng cho doanh nghiệp; hơn nữa, việc gia tăng số lượng các nhà máy lọc dầu trong nước sẽ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cũng như đảm bảo nguồn dự trữ xăng dầu phục vụ thị trường.
- Về tần suất điều chỉnh giá
Điểm c, khoản 1 Điều 38 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu quy định rõ: “Thời gian giữa hai (02) lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.”. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, chính trị, tôn giáo liên tục diễn biến phức tạp như hiện nay.
Do vậy, Hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày, để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh việc giá thế giới giảm thì giá trong nước lại tăng và ngược lại.
- Về giá cơ sở
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đồng tình với ý kiến của Lãnh đạo Bộ Tài chính trong cuộc họp của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Trong khi nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Nghị định 83 cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà giá cơ sở chỉ là những tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo tùy theo điều kiện cụ thể để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ. Có như vậy mới đúng bản chất giá thị trường.
- Về Quỹ Bình ổn giá
Việc trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá được thực hiện theo quy định tại Điều 37 Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Trên thực tế, việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi hơn được lợi vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu và hàng nghìn tỷ đồng dư Quỹ Bình ổn giá để riêng không đưa kinh doanh cũng là một lãng phí.
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới, giá xăng dầu tăng cao thì người tiêu dùng sẽ trả ở mức cao và ngược lại, khi giá xăng dầu xuống thấp người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Mặt khác, khi bỏ Quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
-Về thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở
Để tăng tính cạnh tranh của sản xuất xăng dầu trong nước, Hiệp hội xin kiến nghị áp thuế nhập khẩu dựa trên mức thuế suất nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết tại các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để tính giá cơ sở, đồng thời tăng thu thuế nội địa (thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường...) để bù đắp cho ngân sách nhà nước do giảm thu thuế nhập khẩu.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về áp Thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở tại Công văn số 163/HHXDVN-VP ngày 21/4/2016.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)