I. ĐÁNH GIÁ THỊ TRƯỜNG DẦU MỎ THẾ GIỚI NĂM 2013
1. Nhu cầu
Kinh tế thế giới vẫn còn khủng hoảng, nhiều nước phát triển tiêu thụ dầu giảm đi (nhất là các nước châu Âu và Nhật), các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á tuy vẫn có tăng trưởng nhưng ở mức độ thấp hơn các năm trước. Các nước Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh có lượng tiêu thụ tăng nhẹ (1-2%). Tổng lượng tiêu thụ trong năm 2013 là khoảng gần 90 triệu thùng/ngày.
Bảng 1: Lượng tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2012 và 2013 (ước tính)
2012 | 2013 | |
Các nước OECD | 46 | 45.6 |
Các nước đang phát triển: | 37.8 | 38.9 |
- Trung Quốc | 9.7 | 10.1 |
- Ấn Độ | 3.7 | 3.8 |
Thế giới | 88.9 | 89.7 |
Đơn vị tính: triệu thùng/ngày. Nguồn: OPEC
2. Nguồn cung
Tuy vẫn đảm bảo khoảng 40% lượng cung dầu thế giới nhưng vai trò của OPEC đã có phần bị giảm sút so với các năm trước. Mỹ đã thành cường quốc số 1 về sản lượng dầu khai thác dẫn đến việc giảm nhập khẩu. Một số sự kiện địa chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông làm giảm sản lượng khai thác và xuất khẩu của một số nước nhưng không có những hậu quả nghiêm trọng do sự gia tăng khai thác tại Ả rập Xê út và các nước ngoài OPEC khác như Nga, Brasil,… Tuy có một vài giai đoạn ngắn khi nguồn hàng bị khan hiếm nhưng nhìn chung trong năm 2013 nguồn cung tương đối bảo đảm,không bị đứt đoạn. Nguyên nhân quan trọng nhất của sự tiến bộ này là do sự phát triển của công nghiệp đá phiến và dầu cát.
3. Giá
Trong năm 2013, giá thế giới của dầu thô và các sản phẩm xăng dầu không có biến động lớn, không tăng so với năm 2012.
Bảng 2: Giá dầu thế giới WTI, Brent qua các năm 2011,2012 và 2013
Loại dầu thô | Năm 2011 | Năm 2012 | Năm 2013 |
WTI | 94,86 | 94,12 | 97,74 |
Brent | 111,26 | 111,65 | 108,01 |
Đơn vị tính: USD/thùng. Nguồn: IEA
Bảng 3: Giá Platts bình quân tháng 11 năm 2013 của các mặt hàng xăng dầu
Tháng | Xăng RON 92 | Diesel 0,05S | Dầu hỏa | Mazút | WTI |
Bq Tháng 10/2013 | 111.60 | 123.89 | 123.08 | 616.58 | 100.55 |
Bq đến 22/11/2013 | 111.08 | 122.13 | 121.18 | 610.40 | 94.12 |
Bq 11 tháng 2013 | 116.15 | 123.00 | 122.55 | 619.57 | 98.01 |
T11-2013/T10-2013 | 99.5% | 98.5% | 98.8% | 97.5% | 93.6% |
Đơn vị tính: USD/thùng & USD/tấn (FO). Nguồn:Platts.
Đây là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và thể hiện sự cân bằng tương đối giữa cung và cầu. Khi có một số biến động chính trị (tại Libya hay Iran,…) giá dầu cũng chỉ tăng hạn chế trong một thời gian ngắn vì vẫn có các nguồn cung khác đủ bù đắp cho các thiếu hụt tạm thời này.
Vai trò lớn nhất trong việc ổn định giá là Mỹ (sản lượng khai thác tăng, nguồn dự trữ chiến lược dồi dào) và Ả rập Xê út (sẵn sàng nâng sản lượng khai thác). Và cũng cần nói thêm rằng giá xăng dầu còn chịu ảnh hưởng từ sự đầu cơ (chủ yếu là mua bán khống qua các sàn giao dịch). Tuy nhiên, các nhà đầu cơ này hiện có vẻ ít quan tâm hơn tới xăng dầu, một phần cũng do sự siết chặt hơn của hệ thống giám sát pháp lý (chủ yếu là tại Mỹ).
II. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG DẦU MỎ THẾ GIỚI 2014
1. Nhu cầu xăng dầu tăng nhẹ, nguồn cung bảo đảm
Kinh tế thế giới bước đầu vượt qua khủng hoảng, nhu cầu về năng lượng của một số nước (như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á) vẫn tăng nhưng ở mức thấp hơn các năm trước. Nhu cầu của các nước phát triển (OECD) hầu như không thay đổi và lần đầu tiên lượng tiêu thụ của các nước không thuộc khối OECD sẽ vượt qua các nước này. Tổng cầu thế giới về các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ vào khoảng 92 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1-2% so với năm 2013 và vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 80% của nhu cầu năng lượng nói chung.
Nguồn cung tuy còn bị ảnh hưởng từ các sự kiện (bất ổn) tại các nước Trung Đông và Bắc Phi(Iran, Iraq, Libya,…) làm giảm sản lượng khai thác nhưng không gây hậu quả lớn vì sự bù đắp sản lượng khai thác tăng lên ở Ả rập Xê út, Mỹ, Nga.
2. Giá giảm nhẹ
Sự biến động của giá xăng dầu thế giới chủ yếu phụ thuộc vào tương quan giữa cung và cầu. Như là điều suy diễn tự nhiên từ dự báo 1, giá xăng dầu năm 2014 sẽ giảm nhẹ. Đây có thể là một điều tốt cho kinh tế thế giới vốn phụ thuộc vào nhiều nguyên, nhiên liệu hóa thạch nhưng cũng có mặt trái là sự chú ý và mức đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế bị giảm đi.
Tất nhiên, dự báo về giá xăng dầu là điều khó khăn nhất và nhiều tổ chức vẫn cho rằng giá sẽ tăng lên như tất cả các năm trước đây. Một yếu tố rủi ro quan trọng có thể dẫn tới việc tăng giá xăng dầu là một sự bất ổn chính trị lớn (chiến tranh, bạo động) tại một vài quốc gia sản xuất dầu lớn. Hy vọng điều này sẽ không xảy ra trong năm tới.
3. Công nghệ khai thác tiến bộ vượt bậc
Các công nghệ khai thác tiến bộ làm thay đổi cục diện năng lượng thế giới
Công nghệ khai thác các nguồn nguyên liệu hóa thạch mới từ cát dầu và đá phiến (chủ yếu tại Mỹ và Canada) đã làm thay đổi đột biến toàn cảnh năng lượng thế giới. Mỹ đã vượt qua Ả rập Xê út để trở thành cường quốc sản xuất xăng dầu số một thế giới (với sản lượng trung bình 7,5 triệu thùng/ngày năm 2013 và 8,5 triệu thùng/ngày năm 2014). Lần đầu tiên kể từ năm 1995, lượng dầu khai thác tại Mỹ vượt qua lượng nhập khẩu. Đây là điều hầu như không ai dự báo trong các năm trước và có thể đó là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ giá xăng dầu ít biến động.
Ngoài ra, các công nghệ trong công nghiệp và giao thông về sử dụng xăng dầu có tiến bộ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn (như động cơ tiết kiệm nhiên liệu).
4. Trung Quốc gia tăng mua các nguồn năng lượng thông qua M&A (mua bán và sáp nhập).
Trong năm 2013, trong 10 thương vụ M&A lớn nhất do các công ty Trung Quốc thực hiện thì 7 thương vụ thuộc lĩnh vực năng lượng. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc tham gia vào hơn 20% các thương vụ mua bán về dầu khí trên thế giới. Do phục vụ chính sách bành trướng ở nước ngoài, các công ty Trung Quốc nhiều khi ký các hợp đồng năng lượng với các điều kiện mà các tập đoàn năng lượng lớn của thế giới như BP, Shell rất khó chấp nhận. Ví dụ như Tập đoàn hóa dầu quốc gia Trung Quốc Sinopec đầu tư gần 10 tỷ $ vào các mỏ dầu khí tại Modămbích và Kazacstan cũng như bỏ ra 3,1 tỷ $ mua lại 33% cổ phần của công ty Apache tại các mỏ Ai Cập. Tập đoàn CNOOC mua công ty Canada Neixen Inc. với giá 15 tỷ $. CNPC mua Petrobras tại Peru với giá 2,6 tỷ $.
Trào lưu này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2014 và các năm tới để đảm bảo nguồn cung cho quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới này (sau Mỹ).
5. Nhiên liệu sinh học chậm bước
Trong khoảng một thập kỷ qua, nhiên liệu sinh học thu hút được nhiều sự chú ý chủ yếu vì sự tăng giá liên tục của nhiên liệu hóa thạch và nhu cầu ngày càng cao với các loại nhiên liệu. Tuy nhiên, tình hình có sự thay đổi trong vài năm qua khi kinh tế thế giới chìm vào khủng hoảng. Nhu cầu xăng dầu không tăng nhiều như trước; giá xăng dầu ít biến động (tăng) hơn; công nghệ khai thác các nguồn nhiên liệu mới (từ dầu cát, đá phiến) thay thế các nguồn nhiên liệu hóa thạch làm nguồn cung tăng đột biến; các tranh luận về việc sử dụng lương thực làm nguồn cho công nghệ sinh học; không có đột biến về công nghệ cho nhiên liệu sinh học. Tất cả các yếu tố trên khiến sự cấp thiết phát triển nhiên liệu sinh học bị giảm đi.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư và trợ cấp cho nhiên liệu sinh học bị hạn chế do chính cuộc khủng hoảng kinh tế.
III. ĐÁNH GIÁ THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU VIỆT NAM NĂM 2013
1.Nguồn đảm bảo,lượng tiêu thụ sụt giảm
- Nguồn cung xăng dầu vẫn được đảm bảo tốt, đa dạng hơn, ít phụ thuộc hơn vào thị trường Singapore.
- Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, lượng tiêu thụ xăng dầu của năm 2013 tiếp tục giảm so với các năm trước.
Lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam trong 10 tháng qua giảm mạnh cả về số lượng lẫn giá trị, chủ yếu là giảm nhập khẩu từ thị trường chính Singapore với lượng nhập khẩu là 1,82 triệu tấn, giảm 45,8%.
Bảng 4: Cơ cấu nhập khẩu xăng dầu các loại trong10 tháng năm 2013
- Sản xuất trong nước: Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động khá ổn định, gần ở mức 100% công suất, với sản lượng trong năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 5,45 triệu tấn,5,6 triệu tấn và 5,65 triệu tấn (tính đến ngày 8/11), đảm bảo khoảng trên 30 % nhu cầu tiêu thụ của cả nước. Một loạt nhà máy lọc dầu khác cũng bắt đầu được xây dựng (Nghi Sơn) hoặc tích cực chuẩn bị (Long Sơn, Nhơn Hội,…). Tồn kho của của các doanh nghiệp đầu mối vào khoảng hơn 1,5 triệu m3/tấn (tính đến ngày 1/11).
2.Điều hành theo lối cũ, chuẩn bị chính sách "mới"
Điều hành giá cả xăng dầu trong nước vẫn do các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương) thực hiện mặc dù theo Nghị định 84 hiện hành thì đây chủ yếu là việc của các doanh nghiệp.
-Giá bán lẻ trong nước có 5 lần tăng và 6 lần giảm. Tuy nhiên các mức giá này đã sát hơn với giá thị trường, thời gian doanh nghiệp và Nhà nước phải bù lỗ giảm đi, tỷ giá giữa đồng VNĐ và USD cũng ổn định hơn.
Trong năm nay, Chính phủ quyết định sửa đổi Nghị định 84 nhằm đưa kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường hơn có sự định hướng của Nhà nước. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề không phải là chính sách vĩ mô vì bản thân Nghị định 84 đã tương đối hoàn chỉnh và tiến bộ mà là do cách điều hành theo lối tư duy cũ (hành chính bao cấp, áp đặt) của các cơ quan quản lý nhà nước.
3.Các doanh nghiệp đỡ khó khăn trong một thị trường cạnh tranh
Tuy chưa có kết quả cả năm nhưng có thể nói phần lớn các doanh nghiệp xăng dầu đều có kết quả kinh doanh tốt hơn so với năm 2012, chủ yếu là nhờ 2 lý do chính:
-Giá bán lẻ do liên Bộ quyết định đã tiệm cận hơn với giá cơ sở, việc sử dụng quỹ Bình ổn giá cũng linh hoạt, gắn với thực tế thị trường hơn.
-Bộ Tài chính đã chấp nhận nâng mức chi phí kinh doanh định mức từ 600 đến 860đ/lit và chi phí tài chính giảm đi đáng kể (lãi suất giảm).
Công tác quản lý về nguồn, chất lượng, đo lường, … của các doanh nghiệp cũng được tăng cường so với năm 2012. Mạng lưới xăng dầu hoạt động ổn định, không bị đứt nguồn. Các vụ việc như gian lận về đo lường, cháy nổ phương tiện vận tải do xăng dầu kém phẩm chất giảm đi đáng kể. Chính phủ đã quyết định dừng sản xuất, lưu thông xăng A83.
Mặc dù vậy, các kết quả kinh doanh này có thể còn tốt hơn nhiều nếu không vì sự can thiệp của các cơ quan quản lý (ví dụ giảm lợi nhuận định mức của doanh nghiệp) và sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp. Một số biểu hiện của sự cạnh tranh này là:
-Số lượng các đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng đột biến, từ 13 lên đến 20 doanh nghiệp;
-Các doanh nghiệp lớn, lâu đời bị cạnh tranh quyết liệt dẫn đến phải thu hẹp thị phần (đặc biệt là tại miền Nam);
-Nhiều doanh nghiệp mở rộng địa bàn và phạm vi kinh doanh.
-Tuy chỉ được phép kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 1 doanh nghiệp đầu mối hoặc Tổng đại lý nhưng trên thực tế các Tổng đại lý/đại lý thường xuyên vi phạm quy định này;
-Sự cạnh tranh này thể hiện rõ nhất là mức chênh lệch giữa giá bán buôn với giá bán lẻ, mức chi hoa hồng giữa các đầu mối với Tổng đại lý, đại lý bán lẻ. Theo Bộ Tài chính, mức hoa hồng này cao nhất chỉ là 430đ/lit nhưng trên thực tế các doanh nghiệp thường xuyên cho các đại lý hưởng mức cao hơn, thậm chí có lúc tới hơn 1000đ/lit.
4.Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam được thành lập
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam được thành lập ngày 13/3/2013 với kỳ vọng bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên và người tiêu dùng. Trong thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực tham gia phản ánh ý kiến của các Hội viên và người tiêu dùng tới các cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và hướng thị trường hơn. Đặc biệt, Hiệp hội đã đóng góp nhiều ý kiến trong việc chuẩn bị cho sự ra đời của Nghị định mới thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; tích cực kiến nghị với các cơ quan nhà nước về vấn đề truy thu thuế tạm nhập tái xuất năm 2012 cũng như các nội dung trong thông báo số 135 và 308 của Bộ Tài chính.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam được thành lập vào ngày 13/3/2013
5.Nhiều quyếtđịnh điều hành thiếu cơ sở, xa rời thực tế.
Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn ban hành nhiều văn bản chính sách xa rời thực tế, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và có trường hợp không đúng theo pháp luật hiện hành.Ví dụ:
-Chính sách về nhiên liệu sinh học (ví dụ: Đề án 177 về Phát triển nhiên liệu sinh học, Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiênliệu sinh học với nhiên liệu truyền thống) chưa được chuẩn bị kỹ nên không nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp khác (đã đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học).
-Thông báo 135 và Thông báo 308 áp đặt chủ quan mức chi phí kinh doanh và hoa hồng phi thực tế, không đảm bảo chi phí và lợi nhuận cho các doanh nghiệp, đại lý, Tổng đại lý.
-Quyết định của các chi cục hải quan về truy thu thuế tạm nhập tái xuất theo thông báo 17060 của Bộ Tài chính trái với các văn bản pháp luật hiện hành về tạm nhập tái xuất gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp (gần 500 tỷ).
IV. DỰ BÁOTHỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU VIỆT NAM NĂM2014
Trong kinh doanh xăng dầu, việc dự báo còn khó hơn trong thời tiết hay chứng khoán. Tuy nhiên, các dữ kiện của năm 2013 cũng tạo tiền đề cho 5 định hướng lớn sau đây cho năm tới:
1.Sản lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam tăng nhẹ
Phản ánh nền kinh tế tuy còn khó khăn nhưng bắt đầu hồi phục. Giá bán lẻ không tăng giảm đột biến và hầu như ít tác động đến các chỉ số CPI và lạm phát.
2.Giá xăng dầu không tăng
Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá thế giới, thuế suất nhập khẩu và tỷ giá. Với dự báo giá thế giới giảm nhẹ, khả năng tăng thuế nhập khẩu ít và tỷ giá khá ổn định như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng giá xăng dầu năm 2014 sẽ không tăng so với năm nay.
3.Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84 được ban hành
Nghị định mới không có nhiều thay đổi lớn trừ việc công nhận hệ thống kinh doanh không phụ thuộc vào một đầu mối.
4.Phương thức điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước không thay đổi nhiều
Tuy nhiên sẽ có ít hơn các văn bản gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, thuế nhập khẩu xăng dầu ít biến động.
5.Cạnh tranh thị trường sẽ còn gay gắt hơn
Cạnh tranh trên thị trường xăng dầu trở nên gay gắt hơn giữa các doanh nghiệp trong nước và với sự góp mặt thăm dò của một số doanh nghiệp nước ngoài, các dự án lọc hóa dầu cũng thu hút hơn sự chú ý của các nhà đầu tư.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)