Thiết lập thị trường xăng dầu cạnh tranh – Kinh nghiệm từ Hàn Quốc (Kỳ 2)
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN
02:00 SA @ Thứ Năm - 13 Tháng Mười Một, 2014

(VINPA) - Phần 2: Những yếu tố cạnh tranh cơ bản hình thành thị trường xăng dầu cạnh tranh Hàn Quốc.

Trước khi giới thiệu những yếu tố tạo dựng thị trường xăng dầu cạnh tranh của Hàn Quốc, mời bạn đọc tham khảo Tổng quan thị trường xăng dầu Hàn Quốc.

Hàn Quốc là quốc gia công nghiệp phát triển, diện tích không rộng (khoảng 220.000 km2), dân số không đông (khoảng trên 50 triệu người), thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 250.000 USD. Trong chiến lược phát triển nguồn năng lượng, Hàn Quốc quan tâm xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu rất sớm, ngay từ những năm 80 – 90 của thế kỷ 20. Hiện nay, Hàn Quốc có nhiều nhà máy lọc dầu, trong đó có những nhà máy có quy mô, sản lượng lớn, có tầm cỡ thế giới, tập trung vào các tập đoàn lớn: SK Energy, Hyundai Oil Bank, S-Oil, GS Caltex. Hàn Quốc nhập dầu thô từ các nước Trung Đông 86%, các nước châu Á 11% và các nước khác 3%.

Hàng năm sản xuất các sản phẩm xăng dầu đáp ứng nhu cầu phát triển và xuất khẩu (chủ yếu xuất khẩu dầu các loại), cung ứng cho công nghiệp 58%, cho giao thông 22%, cho nhu cầu thông thường 10%, lượng dầu các loại chiếm 70%, xăng các loại chỉ chiếm 30%. Sản phẩm xăng dầu Hàn Quốc ít bị biến động đầu vào trong nước vì các loại thuế, phí kể cả thuế nhập khẩu đều cố định, chỉ còn phụ thuộc vào giá dầu thô thế giới nhưng do việc mua dầu thô bằng các hợp đồng dài hạn, số lượng lớn nên ít khi có biến động bất thường. Số lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước khoảng 130 triệu tấn, xấp xỉ gấp 10 lần Việt Nam.

Khách hàng đang đổ xăng ở một trạm xăng tự phục vụ tại Hàn Quốc

Như phần 1 đã trình bày, sau bước ngoặt phát triển, thị trường xăng dầu Hàn Quốc thật sự đi vào cạnh tranh quyết liệu trong khuôn khổ của pháp luật, tạo dựng một thị trường cạnh tranh lành mạnh theo đúng quy luật phát triển của cơ chế thị trường. Vậy đâu là những yếu tố tạo dựng thị trường cạnh tranh.

Trước tiên, nhờ Chính phủ Hàn Quốc cho mở rộng nhiều thành phần tham gia bán lẻ xăng dầu. Ngoài các cửa hàng bán lẻ, các nhà máy lọc dầu, các nhà nhập khẩu, các tổng đại lý cũng được phép thiết lập hệ thống các cửa hàng bán lẻ của mình. Trên thị trường phân phối xăng dầu đã có 5 thành phần tham gia: các nhà máy lọc dầu, các nhà nhập khẩu, các tổng đại lý, các nhà bán buôn và hệ thống các cửa hàng bán lẻ. Trong đó, hệ thống các cửa hàng bán lẻ là nhân tố tạo ra động lực và là lực lượng cạnh tranh chủ yếu. Họ cạnh tranh với nhau theo những chiến lược chiếm lĩnh thị trường bán lẻ khác nhau nhằm thu hút người tiêu dùng.

Yếu tố thứ haicó tính quyết định thắng thua trong cuộc chơi bình đẳng do môi trường pháp lý Hàn Quốc đem lại: Đó là các thành phần tham gia thị trường bán lẻ đều được tự quyết định giá bán lẻ và chi phí kinh doanh. Đây chính là yếu tố cơ bản nhất, tạo ra bước ngoặt cạnh tranh của thị trường, tạo ra động lực, đem lại lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, đúng với đạo lý: đã kinh doanh phải có lợi nhuận chính đáng, hợp pháp, mà doanh nghiệp nào không có lợi nhuận trong cuộc chơi thì doanh nghiệp đó bị đào thải.

Yếu tố thứ 3: đó là phương thức mua bán sản phẩm xăng dầu giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tham gia thị trường đều thực hiện phương thức mua đứt bán đoạn, kể cả hình thức bao tiêu hay độc quyền phân phối. Bởi các cửa hàng bán lẻ là khâu cuối cùng cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng, họ đều là chủ thể trên thị trường có tư cách pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật, hạch toán độc lập theo luật doanh nghiệp và các luật liên quan. Có thể coi các cửa hàng bán lẻ là các doanh nghiệp bán lẻ, quan hệ của họ với nhau, với các đối tác khác là quan hệ kinh doanh, họ chỉ chịu trách nhiệm trước các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, về vệ sinh môi trường, về an toàn kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nghĩa vụ với ngân sách và các quy định khác của pháp luật.

Yếu tố thứ tư là khả năng cung ứng những dịch vụ bán hàng tốt nhất. Người tiêu dùng Hàn Quốc đòi hỏi các nhà cung ứng dịch vụ bán hàng phải đạt trình độ cao, cả về công nghệ, tiện ích và văn hóa bán hàng mới có thể tồn tại và phát triển được. Hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều có diện tích mặt bằng khiêm tốn, càng ở thủ đô Seoul, các đô thị, các khu công nghiệp, khu đông dân cư thì diện tích mặt bằng cửa hàng càng nhỏ. Khi thị sát hai cửa hàng bán lẻ ở Seoul thì diện tích chỉ từ 500 đến 800m2, ở những nơi khác thì lớn hơn nhưng hiếm cửa hàng có diện tích hơn 10.000m2 vì giá thuê đất ở Hàn Quốc rất cao, cao gấp nhiều lần so với Việt Nam, xây dựng một cửa hàng trung bình thì tiền thuê mặt bằng chiếm khoảng 80% giá trị xây dựng.

Để có những dịch vụ thu hút khách hàng tốt nhất, việc bố trí sắp xếp vị trí bán hàng, diện tích làm dịch vụ phải thật sự khoa học, hợp lý, không để lãng phí mặt bằng, buộc phải tạo ra nhiều dịch vụ chăm sóc khách hàng như dịch vụ rửa xe, thay thế phụ tùng, mua bán hàng hóa thông thường, đồ uống, đồ ăn nhẹ; ngoài diện tích đặt các cột bơm, nhà quản lý điều hành phù hợp hết sức gọn nhẹ. Hầu hết các cột bơm xăng dầu đều hiện đại với công nghệ tự động hoặc sản xuất trong nước, hoặc nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước phát triển khác.

Để hiện đại hóa bán hàng, nhiều cửa hàng áp dụng công nghệ tự động, khách hàng tự bơm xăng dầu vào phương tiện của mình và thanh toán bằng thẻ tín dụng. Tất cả những động thái của khách hàng đều được camera giám sát; số lượng sản phẩm, số tiền khách thanh toán đều hiện trên máy tự động của cửa hàng, thông thường một cửa hàng bán lẻ chỉ cần số lượng rất ít nhân viên, làm việc 24/24 giờ. Các bạn Hàn Quốc cho biết, từ năm 2010 – 2011 – 2014, từ 637 cửa hàng tự động đến 2014 đã có 2650 cửa hàng tự động, giúp năng suất tăng, thu nhập người lao động được cải thiện. Ngoài bán sản phẩm xăng dầu, các dịch vụ khác như rửa xe ô tô cũng tự động, dịch vụ rửa gầm, rửa vỏ xe tự động, rửa nội thất bên trong xe do nhân viên thực hiện. Giá rửa gầm, rửa vỏ xe, rửa nội thất đều tách bạch tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ cho khách hàng theo đúng nghĩa "tiền nào, của ấy". Các bạn Hàn Quốc cho biết: thị trường bán hàng cạnh tranh ơ Hàn Quốc, thông thường người tiêu dùng quan tâm trước hết đến chất lượng dịch vụ tiện ích, uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm rồi mới đến giá cả. Chất lượng xăng dầu phải đảm bảo theo tiêu chuẩn nhà nước. Chính phủ Hàn Quốc chỉ cho lưu hành xăng A92 đến A94, không lưu hành các sản phẩm khác, kể cả xăng sinh học, giá sản phẩm xăng dầu người tiêudùng không quan tâm bằng dịch vụ bán hàng. Vì giá bán lẻ cửa hàng phải công khai, minh bạch, không thể giấu diếm hoặc gian lận bất cứ một yếu tố nào trong bán lẻ, kể cả số lượng. Trong giá bán lẻ xăng thì giá bán buôn chiếm 46%, thuế, chi phí các loại chiếm 44%, lợi nhuận bình quân là 5%, đối với dầu các loại thì giá bán buôn chiếm 52%, thuế, phí 41%, lợi nhuận 7%. Bình quân cửa hàng bán lẻ một tháng chỉ đạt 74 tấn xăng, 123 m3/tấn dầu, so với Việt Nam, lượng xăng dầu bán ra của một cửa hàng thấp hơn nhiều. Vì vậy, cạnh tranh lại càng gay gắt. Ở thời điểm cạnh tranh chưa gay gắt, lợi nhuận bình quân của một cửa hàng một tháng đạt 38.000 USD. Nhưng lợi nhuận giảm dần do cạnh tranh phải hạ giá bán lẻ. Các cửa hàng bán lẻ nhập sản phẩm xăng dầu từ các nhà cung cấp đều bằng xe bồn, trên mỗi xe đều có thiết bị tự động kiểm tra chất lượng, số lượng trước khi bơm xăng vào các bồn chứa. Đồng thời nhân viên giám sát của cửa hàng đều kiểm tra, giám sát bằng thiết bị tự động. Khi thị sát 2 cửa hàng ở Seoul, khi khách hàng không bơm xăng đều không ngửi thấy mùi xăng, vệ sinh môi trường, an toàn được đảm bảo ở mức cao. Ở trung tâm Seoul hay các thành phố, đô thị, khu công nghiệp đều quy hoạch và xây dựng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thích hợp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chủ yếu cho phương tiện vận tải các loại, rất ít phương tiện xe máy.

Bài viết này tôi muốn tập trung cung cấp cho bạn đọc yếu tố cơ bản nhất tạo dựng thị trường cạnh tranh, chính là cách tổ chức bán lẻ. Đây chính là khâu đột phá, là nơi quyết định giá bán lẻ, quyết định các dịch vụ bán hàng tiện ích nhất, là nơi tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, nắm bắt nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng thị trường để phản hồi thúc giục các nhà bán lẻ phải luôn sáng tạo đưa ra nhiều loại hình dịch vụ tốt nhất để thu hút khách hàng, đồng thời phản hồi nhu cầu thị trường đến các nhà cung ứng trong hệ thống phân phối và lẽ đương nhiên, nhu cầu thị trường được thông tin đầy đủ đến các nhà hoạch định cơ chế chính sách, làm cho cơ chế chính sách phải chuyển biến phù hợp với thực tế của thị trường.

Trên đường đi từ Seoul đến Busan và ngược lại có rất nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu, có mặt của tất cả các thương hiệu nổi tiếng Hàn Quốc như SK Energy, Hyundai Oil Bank, GS Caltex va S-Oil, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được xây dựng dày đặc. Biểu giá bán lẻ điện tử treo cao, chữ to ở cách cửa hàng 1km đã nhìn thấy, giá xăng dầu ở các cửa hàng đều khác nhau, thậm chí chênh lệch tương đối lớn; có cửa hàng giá 1.550W/lit, 1.600W/lit, hoặc 1.650 hay 1.700W/lit (tương ứng từ 31.000; 32.000; 33.000; 34.000 VNĐ/lit). Đặc biệt càng xa Seoul, các thành phố lớn, các khu đông dân cư thì giá xăng dầu càng thấp và ngược lại. Theo tôi, thế mới đúng với quy luật giá thị trường và một thị trường cạnh tranh lành mạnh, ai thích bán giá cao, có khả năng chịu được áp lực cạnh tranh, tồn tại được ở đô thị; ai chưa đủ sức chịu đựng áp lực cạnh tranh, muốn có đầu vào thấp, chấp nhận lợi nhuận thấp thì tổ chức bán hàng ở vùng xa vì ở đó người tiêu dùng thu nhập thấp hơn, tiền thuê đất, các loại thuế của nhà nước có thể thấp hơn. Các bạn Hàn Quốc cho biết, thị trường có nhiều giá như vậy nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng chọn giá thấp, rất nhiều người lại chọn các cửa hàng có giá bán lẻ cao hơn vì lợi ích được hưởng từ các dịch vụ tiện ích tốt hơn và có thương hiệu uy tín hơn.

Tiếp cận khảo sát thực tế, nghiên cứu, suy ngẫm ở một nước công nghiệp phát triển, một cơ chế thị trường đầy đủ, môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng mới hiểu đúng nghĩa cụm từ ở nước ta hay nhắc đến: "khách hàng là thượng đế". Thượng đế của cơ chế thị trường đầy đủ cạnh tranh lành mạnh là động lực to lớn, quyết định số phận của bất kỳ một doanh nghiệp nào, sản phẩm nào tham gia vào thị trường, còn cơ chế thị trường không đầy đủ, cạnh tranh không lành mạnh, bình đẳng thì người nào mạnh, kẻ đó thắng, "cá lớn nuốt cá bé" thì ắt dẫn đến "thượng đế" bị o ép, bắt chẹn bằng mọi thủ đoạn kiếm tiền của những kẻ làm ăn bất chính mà thường gọi là "mặt trái của cơ chế thị trường."

(Xin xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: