(VINPA)- Ngày 07 tháng 01 năm 2014, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có nhận được Công văn số 18347/BTC-QLG ngày 31 tháng 12 năm 2013(xin tham khảo công văn kèm theo) về việc xem xét lại việc quy định tính thù lao đại lý tại Thông báo số 135/TB-BTC và Thông báo 308/TB-BTC của Bộ Tài chính. Về vấn đề này, chúng tôi xin có ý kiến sau:
Thứ nhất,Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các hội viên của mình băn khoăn là việc quy định thù lao cho đại lý xăng dầu trong các Thông báo nói trên lại quá khác biệt so với chi phí trung bình của một cửa hàng xăng dầu tính cho một lít xăng dầu. Việc xác định chi phí thực tế này hoàn toàn không khó nếu Quý cục thực sự quan tâm và có khảo sát đánh giá tại các cửa hàng xăng dầu cũng như hiểu biết nhất định về hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Chúng tôi rất ngạc nhiên khi trong công văn của mình, Bộ Tài chính lại cho rằng: “Mức khống chế này đã được Bộ Tài chính lấy ý kiến các đơn vị liên quan và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và không có ý kiến nào không đồng ý với vấn đề này”. Vậy xin Quý Bộ cho biết các đơn vị có liên quan này là những đơn vị nào?. Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông báo 308/TB-BTC, Hiệp hội đã nhận được rất nhiều công văn của các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn cả nước bất bình về nội dung thiếu thực tiễn được quy định trong hai Thông báo này chứ không phải không có ý kiến nào không đồng ý với vấn đề này.
Thông báo của Bộ Tài chính đã nhận được rất nhiều ý kiến bất bình của các doanh nghiệp xăng dầu
Thứ hai,Khoản 6 Điều 3 của Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 09 tháng 12 năm 2009 quy định: “Các mức chi phí định mức tối đa trên sẽ được Bộ Tài chính thông báo điều chỉnh phù hợp với thực tế kinh doanh của các thương nhân đầu mối trong từng thời kỳ”. Hiệp hội cho rằng việc điều chỉnh chi phí định mức từ 600 lên 860 đồng/lít xăng dầu trong Thông báo 135/TB-BTC là hoàn toàn đúng với nội dung nói trên, mặc dù việc điều chỉnh này là quá chậm so với những diễn biến trong hoạt động kinh doanh xăng dầu từ năm 2009 cho đến thời điểm được điều chỉnh. Nhưng việc quy định mức chi phí định mức này được phân bổ ra sao giữa các khâu trong toàn bộ chu trình phân phối xăng dầu đã được quy định tại Điều 8 Thông tư hướng dẫn số 36/2009/TT-BCT ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công Thương mới là điều quan trọng.
Thứ ba,điều gì sẽ xẩy ra nếu các cơ quan chức năng dựa trên nội dung thiếu tính thực tiễn đã được quy định trong Thông báo số 135/TB-BTC và Thông báo 308/TB-BTC để tiến hành công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu?. Đó chính là điều mà Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các hội viên của mình quan tâm chứ không đơn thuần là việc xác định ai đúng ai sai. Nhưng có lẽ cũng đến lúc chúng ta nên gọi sự vật với đúng tên của nó.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các hội viên hy vọng rằng khi xây dựng văn bản thay thế Thông tư 234/2009/TT-BTC, “Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện để quy định về chi phí kinh doanh, thù lao hoa hồng đại lý phù hợp với yêu cầu thực tế phát sinh” đúng như trong phần kết của Công văn số 18347/BTC-QLG ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Quý Bộ gửi cho Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. Làm việc đó chính là cơ sở để đưa hoạt động xăng dầu theo “cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)