Tình hình diễn biến giá xăng dầu trong nước và thế giới tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2018
03:14 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Năm, 2018

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,05% so với tháng 12/2017 và tăng 2,75% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất (1,18%) chủ yếu do tác động từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu ngày 7/4/2018 và 23/4/2018 (đẩy CPI chung tăng 0,11%).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2018 tăng 2,8% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Thị trường xăng dầu thế giới

Mặc dù giảm nhẹ vào đầu tháng, song đến giữa và cuối tháng, giá 2 loại dầu chủ chốt lại tăng trở lại và đạt mức cao nhất trong vòng 41 tháng trước đó trước những bất ổn chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là tình hình chiến sự căng thẳng tại Syria cùng những diễn biến xung quanh thỏa thuận hạt nhân và lệnh cấm vận tới Iran. Cụ thể, trung bình trong tháng 4, giá dầu WTI ở mức 66,33 USD/thùng, tăng gần 5%; dầu Brent ở mức 71,76 USD/thùng, tăng khoảng 6% (số liệu tính đến ngày 30/4/2018).

Trên thị trường Singapore, giá bình quân trong tháng 4 của các mặt hàng xăng dầu tăng từ 5,6%-7,8% so với tháng 3 và tăng từ 21-33,3% so với cùng kỳ năm 2017 (tùy mặt hàng).

Bảng giá Platt’s bình quân tháng 4 so với tháng trước và cùng kỳ:

Đvt: USD/thùng & USD/tấn (FO)

Tháng

Xăng RON92

Dầu hỏa

Diesel 0,05S

Mazut

Bq Tháng 4/2018

78,43

85,16

83,70

396,82

Bq Tháng 3/2018

74,25

78,99

77,72

370,20

Bq Tháng 4/2017

64.81

63.88

64.69

312.15

T4-2018/T3-2018

105,6%

107,8%

107,7%

107,2%

T4-2018/T4-2017

121%

133,3%

129,4%

127,1%

Dự báo: Những xung đột ở khu vực Trung Đông, cùng lo ngại việc Mỹ có khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của nước này sẽ tiếp tục là những nhân tố có khả năng khiến giá dầu thô thế giới trong tháng 5 tiếp tục leo thang. Giá dầu thế giới trong tháng 5 được dự báo sẽ giao động trong khoảng từ 67-69 USD/thùng đối với dầu WTI và từ 71-74 USD/thùng đối với dầu Brent.

Thị trường xăng dầu trong nước

Ngày 5/4/2018, Bộ Tài chính ban hành văn bản số 3993/BTC-QLG công bố mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu quý II/2018: xăng 10%; dầu diesel 0,96%; dầu hỏa 0,11%; dầu mazut 3,12% (quý I năm 2018, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đối với xăng là 10%; dầu diesel là 1,03%; dầu hỏa là 0,11%; dầu mazut là 3,26%).

Tỷ trọng xăng từ nguồn nhập khẩu và nguồn sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Dung Quất) để tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong giá cơ sở trong Quý II/2018 là: 53,04% từ nguồn nhập khẩu (Quý I/2018 là 51,36%) và 46,96% từ nguồn sản xuất trong nước (Quý I/2018 là 48,64%).

Trong tháng 4, Liên Bộ Tài chính – Công Thương có 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu (vào ngày 7/4 và 23/4), đưa giá bán lẻ các mặt hàng tăng dầu tăng thêm từ 520-1.021 đồng/lít so với tháng 3. Mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá theo phương án điều hành gần nhất (ngày 23/4): 958 đồng/lít với xăng E5 RON92; 451 đồng/lít đối với xăng RON 95-III; 200 đồng/lít đối với dầu hỏa và dầu diesel 0,05S.

Cũng trong kỳ điều hành ngày 23/4, lần đầu tiên Liên Bộ đã công bố mức giá cơ sở đối với mặt hàng xăng RON 95.

Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu hiện như sau: xăng E5 RON 92: 18.930 đồng/lít; xăng RON 95-III: 20.500 đồng/lít; xăng RON 95-IV: 20.700 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 16.730 đồng/lít; dầu hỏa: 15.580 đồng/lít và mazut 3,5S: 13.360 đồng/kg (giá tham chiếu vùng 1 của Petrolimex).

Tính từ đầu năm đến nay, trải qua 8 đợt điều hành, xăng E5 RON 92 có 5 lần giữ nguyên giá, 2 lần tăng giá và 1 lần giảm giá; dầu diesel 0,05S có 3 lần giữ nguyên giá, 4 lần tăng giá và 1 lần giảm giá; dầu hỏa có 4 lần giữ nguyên giá và 4 lần tăng giá; dầu mazut 3,5S có 3 lần giữ nguyên giá, 4 lần tăng giá và 1 lần giảm giá.

Nguồn: