TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU VIỆT NAM NĂM 2014
I. THỊ TRƯỜNG DẦU THÔ THẾ GIỚI
1. Diễn biến giá dầu thế giới năm 2014
Năm 2014 là một năm đầy biến động với thị trường dầu mỏ Thế giới. Nửa đầu năm 2014 giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đóng cửa phiên giao dịch 30/6/2014 ở mức 105,37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent có giá 112,36 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại Mỹ đã tăng 2,6% trong tháng 6, tăng 3,7% trong cả quý II và tăng 7,1% trong 6 tháng đầu năm 2014. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 2,7% trong tháng 6, và 4,3% trong quý II và 1,4% trong nửa đầu năm 2014. Giá dầu tăng chủ yếu bởi lo ngại bất ổn tại Iraq sẽ ảnh hưởng đến cung dầu của thế giới.
Đà giảm giá dầu thô bắt đầu xuất hiện từ tháng 8 năm 2014 với mức giá WTT bình quân tháng 8 là 96,54 USD/thùng, giảm 6,8% so với mức giá bình quân WTI của tháng 7 năm 2014. Đến tháng 12 năm 2014, giá WTI bình quân của tháng chỉ còn 75,79 USD/ thùng, giảm 28,3% so với tháng 6 với mức giá bình quân 105,79.
Bảng 1: Giá dầu WTI trung bình qua các tháng trong năm 2014:
Giá dầu ngọt nhẹ WTI đóng cửa phiên giao dịch 29/12/2014 trên Sàn giao dịch New York bất ngờ giảm 1,12 USD (tương đương 2%) xuống 53,61 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.
Giá dầu thô trên sàn giao dịch New York giảm 4,2% và là tuần giảm giá thứ năm liên tiếp.Tính chung từ giữa tháng 6 tới cuối năm 2014, dầu đã giảm hơn 50%. Đây là tốc độ giảm giá nhanh nhất kể từ năm 2008, gần bằng so với hai cú sốc giảm giá dầu giai đoạn 1985-1986 và 1990-1991.
2. Nguyên nhân khiến giá dầu thô thế giới liên tiếp sụt giảm.
Nhu cầu năng lượng có quan hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế. Ngoài ra, nhu cầu này cũng tăng mạnh trong mùa đông ở bán cầu Bắc và trong mùa hè ở những nước sử dụng phổ biến máy điều hòa nhiệt độ. Trong khi đó, nguồn cung có thể chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết (thời tiết xấu cản trở việc đưa dầu lên các tàu vận chuyển) và bởi tình hình địa chính trị.
Có 4 yếu tố chính khiến giá dầu liên tục giảm sâu, giảm mạnh:
- Nhu cầu dầu hiện đang ở mức thấp do hoạt động kinh tế diễn ra với tốc độ yếu trên phạm vi toàn cầu, cộng thêm hiệu suất gia tăng và xu hướng dịch chuyển từ dầu thô sang các loại nhiên liệu khác.
- Bất ổn chính trị ở Iraq và Libya và một số yếu tố chính trị khác.
- Mỹ đã trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Mặc dù Mỹ không xuất khẩu dầu thô, nhưng với sản lượng dầu đá phiến trong nước tăng bùng nổ, Mỹ nhập khẩu ít dầu đi, dẫn tới sự dư thừa nguồn cung cầu trên thị trường quốc tế.
- Saudi Arabia và các nước đồng minh vùng vịnh đã quyết định sẽ không hy sinh thị phần của mình để cứu giá dầu.
3. Dự báo kịch bản giá dầu thô toàn cầu năm 2015
OPEC đã không cắt sản lượng khai thác là để duy trì thị phần của mình trên thị trường tiêu thụ. Hiện giờ OPEC đang chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác toàn cầu, nhưng nếu nhóm cắt giảm thì có thể sẽ mất thị phần vào tay các nhà sản xuất lớn khác ngoài OPEC như Nga và Mỹ.
Dự báo rằng cán cân quyền lực trên thị trường dầu thô đang có sự thay đổi lớn và OPEC đang chấp nhận một thực tế rằng khả năng mà nhóm có thể kiểm soát giá dầu thô dài hạn là có giới hạn.
Nếu một cuộc chiến giá xảy ra sau quyết định của OPEC, thì giá dầu có thể giảm còn dưới 55 usd/thùng trong suốt tháng cuối cùng của năm 2014, và sau đó tiếp tục đà suy yếu, theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá dầu có thể nằm ở ngưỡng 50-55 USD trong 6 tháng đầu 2015 hoặc thậm chí thấp hơn.
Trong 6 tháng cuối năm 2015, dự báo với một kịch bản các tình huống địa chính trị chưa được duy trì ổn định cùng với kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, thì giá dầu thô thế giới thậm chí có thể dao động ở mức trên dưới 40 USD/thùng nếu như OPEC vẫn cương quyết không chịu cắt giảm sản lượng khai thác cho 2015 trong cuộc họp diễn ra vào ngày 05/06/2015.
Có thể, trong thời gian tới, các nước sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ có các động thái quyết liệt, thậm chí cực đoan (chiến tranh,gây nổ….) nhằm làm giảm đà suy giảm của giá dầu, cũng như tìm kiếm thêm thị phần từ OPEC, hứa hẹn một thị trường diễn biến giá dầu đầy biến động trong năm 2015.Giá dầu có thể tăng đột ngột trong thời gian ngắn và giảm đột ngột khi các yếu tố gây biến động được giải quyết.
II. THỊ TRƯỜNG XĂNG DẦU TRONG NƯỚC
1. Diễn biến thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2014
Nếu ví nhịp điệu tăng/giảm của giá xăng dầu trong năm qua như một bản nhạc, thì những đợt giảm giá vào cuối năm là những nốt nhạc đầy hứng khởi cho nền kinh tế. Năm 2014, giá xăng dầu trong nước đã thay đổi tổng cộng 17 lần tăng, giảm trong đó tăng 5 lần và giảm 12 lần, đánh dấu mức thay đổi kỷ lục của mặt hàng này trong một năm.
Tăng mạnh vào những tháng đầu năm
Giá xăng tăng mạnh với đỉnh điểm được thiết lập vào ngày 7/7 khi giá xăng RON 95 lần đầu tiên vượt mốc 26.000 đồng. Giá xăng RON 92 cũng đạt mức 25.640 đồng/lít.
Giảm liên tục theo đà giảm của giá dầu thô Thế giới
Giá xăng trong nước ở mức thấp nhất trong lần giảm giá cuối cùng trong năm vào ngày 22/12/2014 là 17.880 đồng/ lít, so với giá xăng thời điểm cao nhất trong tháng 7 là 25.640đ/ lít, giảm 7.760 đồng/ lít tương ứng giảm 29,3%.
Biểu đồ 2: Diễn biến giá xăng năm 2014:
Ngoài giá xăng giảm liên tiếp, giá dầu hỏa, dầu diesel, dầu mazút cũng theo đà giảm, cụ thể dầu diesel giảm 19 lần giảm (6.740 đồng/lít); dầu hỏa có 17 lần giảm (5.940 đồng/lít); dầu mazút có 17 lần giảm (khoảng 5.980 đồng/kg).
Biểu đồ 3: Diễn biến giá dầu Diesel năm 2014
Biểu đồ 4: Diễn biến giá dầu hỏa năm 2014:
Biểu đồ 5: Diễn biến giá dầu mazút năm 2014:
2. Cơ chế chính sách điều hành thị trường xăng dầu Việt Nam năm 2014.
- Nghị định 83/2014/NĐ-CP chính thức được ban hành.
Nghị định 84/2009/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2009. So với Nghị định 55 CP và những văn bản pháp quy đã được ban hành trước đây về hoạt động kinh doanh xăng dầu, Nghị định 84/2009/NĐ-CP có một bước chuyển biến rất tích cực trong việc cụ thể hóa quan điểm điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Đây là những tiền đề pháp lý quan trọng để thị trường xăng dầu Việt Nam phản ánh được xu hướng của giá xăng dầu Thế giới, tiệm cận theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý, giám sát của Nhà nước. Tuy nhiên qua thực tế công tác điều hành, quản lý kinh doanh xăng dầu còn có một số nội dung quy định chưa phù hợp với thực tiễn đó là: nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ Bình ổn giá; không thực hiện thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp; không ổn định thuế suất thuế nhập khẩu với từng chủng loại xăng dầu; việc tính giá cơ sở bình quân 30 ngày tạo ra độ trễ khá lớn so với biến động của giá Thế giới. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan từ giữa năm 2013 đến cuối năm 2014, các cơ quan quản lý đã phối hợp với nhau điều hành giá xăng dầu tốt hơn, sát với Nghị định 84/2009/NĐ-CP, sát với diễn biến giá xăng dầu Thế giới.
Từ những bất cập trên, sau nhiều lần xin ý kiến của các cấp, các ngành, ngày 03/09/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP và có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2014.
Nghị định mới thay thế đã giải quyết được tương đối triệt để những bất cập của Nghị định cũ. Nghị định mới cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, nếu như trước đây chỉ có 3 thành phần tham gia thị trường này là đầu mối xuất nhập khẩu, tổng đại lý và đại lý xăng dầu thì giờ đây có thêm 2 thành phần nữa là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
- Tư tưởng và nội dung chủ đạo của Nghị định 83/2014/NĐ-CP
- Hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.
- Tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, bảo đảm cung ứng ổn định xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.
- Giá xăng dầu trong nước phản ánh kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới; tần suất, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, tâm lý người tiêu dùng.
- Khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP tạo điều kiện để thị trường xăng dầu Việt Nam có khả năng tiếp cận thị trường xăng dầu khu vực và thế giới. Hơn nữa, tính minh bạch và công khai được đẩy mạnh trong điều hành giá và kinh doanh xăng dầu. Nghị định cũng quy định rõ nguyên tắc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ Bình ổn giá.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 83/2014/NĐ-CP trong thực tiễn vẫn gây cho doanh nghiệp kinh doanh một số khó khăn như chưa lường hết các yếu tố giá xăng dầu thế giới giảm liên tục, nên không có các điều kiện đảm bảo cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu Bộ giao; chưa có cơ chế, công cụ điều tiết phù hợp, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh kinh doanh nhiên liệu sinh học.
- Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam hoạt động tích cực trong các lĩnh vực liên quan đến thị trường xăng dầu
Sau khi Nghị định mới được ban hành, Xác định rõ việc chủ động, tích cực tham gia vào sửa đổi, thay thế Nghị định 84-CP là công việc trọng tâm của thường trực Hiệp Hội. Nhiều ý kiến của Hiệp Hội tham gia đã được ban soạn thảo tiếp thu đưa vào dự thảo như: Biên độ và tần suất điều chỉnh giá xăng dầu; chu kỳ tính giá cơ sở; nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ BOG; Điều kiện đối với Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh XNK xăng dầu…
Ngày 19/09/2014, Hiệp Hội Xăng Dầu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 83-CP tới các Hội viên. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Hội viên, ngày 25/09/2014 thường trực Hiệp Hội đã chủ động có văn bản gửi Liên bộ Công thương – Tài chính và Ban soạn thảo đề xuất những nội dung của Thông tư Liên bộ để Nghị định 83-CP được triển khai thực hiện đồng bộ, cụ thể và minh bạch.
Ngày 17/10/2014, Hiệp Hội tiếp tục có văn bản gửi Liên bộ Công thương – Tài chính tham gia góp ý dự thảo Thông tư Liên tịch hướng dẫn Nghị định 83-CP, trong đó tập trung vào các nội dung: Về thuế nhập khẩu xăng dầu, về chi phí kinh doanh định mức để tính giá cơ sở, về cơ chế sử dụng Quỹ BOG, về hình thức Đại lý xăng dầu.
Ngày 29/10/2014, Liên bộ Công thương – Tài chính ban hành Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT – BCT – BTC “Quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ BOG và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu”. Theo những nội dung của Thông tư Liên tịch, Liên bộ đã tiếp thu một phần kiến nghị, đề xuất của thường trực Hiệp Hội..
- Dự báo thị trường xăng dầu Việt Nam trong năm 2015
Ước xăng dầu tiêu thụ nội địa cả năm 2015 đạt khoảng 16,4 triêu tấn m3/tấn (tăng khoảng 6% so với năm 2014). Sản xuất, pha chế trong nước: 8,223 triệu m3/tấn (7,34 triệu m3/tấn sản xuất từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và 883 ngàn m3/tấn pha chế từ các doanh nghiệp đầu mối.
Nhập khẩu ước đạt khoảng: 8,177 triệu m3 tấn.
3. Thống kê xuất nhập khẩu xăng dầu trong nước 2014 (hết ngày 15/12)
Xuất khẩu:
Dầu thô: đạt 8.662.558 tấn từ đầu năm đến hết ngày 15/12 tương đương với giá trị 6.916.984.171 USD.
Xăng dầu các loại: lượng xuất khẩu trong kỳ báo cáo 948.729 trị giá là 891.005.407 USD
Ngày 05/12/2014, Bộ Tài Chính đã ban hành thông tư số 185/2014/TT-BTC về tăng thuế nhập khẩu xăng dầu (xăng từ mức 18% tăng lên mức 27%, dầu diezen từ 14% lên 23%, dầu hoả từ mức 16% lên mức 26%, dầu mazút từ 15% lên 24%) nhằm hạn chế thất thu ngân sách.
► Giá dầu giảm sẽ tác động tích cực đến sản xuất, kinh doanh nhưng lại ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách. Hiện chi phí khai thác dầu thô của Việt Nam từ 30-70 USD/thùng thì với mức giá dưới 50 USD/thùng như hiện nay việc xuất khẩu dầu thô cần phải được tính toán kỹ. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nếu không có kế hoạch nhập hàng tốt sẽ dễ xảy ra tình trạng nhập cao bán thấp, không có lãi.
Nhập khẩu:
Tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu các loại từ đầu năm lên 8,11 triệu tấn, trị giá đạt 7,39 tỷ USD. Trong đó:
+ Nhập khẩu xăng về Việt Nam tính chung từ đầu năm đến 15/12/2014 đạt 2,34 triệu tấn, trị giá đạt 2,35 tỷ USD, tăng 7,83% về lượng và tăng 5,38% về trị giá so với cùng kỳ 2013.
+ Nhập khẩu dầu diesel từ đầu năm đến 15/12/2014 đạt 3,96 triệu tấn, tăng 32,88% so với cùng kỳ 2013.
+ Nhập khẩu dầu mazút tính từ đầu năm đến 15/12/2014 giảm 2,8% về lượng so với cùng kỳ năm 2013.
Mặt hàng | Nhập khẩu 15 tháng 12 năm 2014 | |
Lượng (tấn) | Trị giá (USD) | |
Dầu thô | 628.491 | 485.360.934 |
Xăng dầu các loại | 8.113.033 | 7.319.642.044 |
- Xăng | 2.343.363 | 2.347.676.725 |
- Diesel | 3.960.365 | 3.562.954.158 |
- Mazut | 638.445 | 382.853.189 |
- Nhiên liệu bay | 1.141.657 | 1.070.437.027 |
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)