Việt Nam – Trung tâm lọc hóa dầu châu Á?
02:09 SA @ Thứ Sáu - 11 Tháng Mười, 2013

(VINPA) - Trong Quy hoạch ngành Dầu khí Việt Nam, nước ta hiện có 5 dự án lọc hóa dầu lớn (Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn, Vũng Rô và Nam Vân Phong) đã được phê duyệt cấp phép đầu tư với tổng công suất trên 45 triệu tấn/ năm. Gần đây, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) công bố sẽ đầu tư xây dựng dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với số vốn đầu tư khổng lồ lên tới 28,7 tỷ USD, công suất 30 triệu tấn/năm. Với tổng cộng 6 dự án lọc hóa dầu quy mô lớn, công suất lọc dầu trên 70 triệu tấn/năm, liệu Việt Nam có thể trở thành trung tâm lọc hóa dầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Vốn ở đâu?

Hiện tại,mới chỉ có Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất đi vào hoạt độngtừ năm 2009 với công suất 6,5 triệu tấn/ năm, đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, thời gian tới nhà máy này sẽ nâng công suất dự kiến lên 10 triệu tấn/năm. Chủ trương nâng cấp đã được Nhà nước thống nhất cách đây 3 năm, nhưng đến lúc này Dự án mở rộng và nâng cấp vẫn ở vạch xuất phát bởi một nguyên nhân đơn giản là thiếu vốn đầu tư. Thậm chí, theo ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nhà máy đã nghĩ đến kịch bản cổ phần hóa và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần. Tuy nhiên, việc cổ phần và tìm nguồn vốn thậm chí chỉ 1 – 2 tỷ USD, để nâng cấp Nhà máy trong thời điểm hiện nay, theo ông Giang, là không hề dễ dàng. Bởi thế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – đơn vị sở hữu Nhà máy Dung Quất – đã phải tính đến kịch bản tự đầu tư và hiện giao cho BSR xây dựng phương án nâng cấp lên khoảng 10 – 20% chứ không thể lên tới 10 triệu tấn/ năm như dự kiến ban đầu.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Internet

Không “may mắn” như Dung Quất, dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất 200.000 thùng/ ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) với số vốn đầu tư dự kiến 7,5 tỉ USD đã bị trì hoãn khởi công 5 năm do vấp phải các vấn đề về tài chính. Dù đã được Chính phủ phê duyệt vào năm 2008 nhưng dự án chỉ mới hoàn thành xong việc huy động vốn vào tháng 7 năm nay. Việc xây dựng dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 10 tới.

Cùng tình trạng như trên, các dự án Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu); Vũng Rô (Phú Yên) hay Nam Vân Phong (Khánh Hòa) đều đã được cấp phép đầu tư từ năm 2009 trở về trước nhưng đến nay đều chỉ dừng ở mức lập báo cáo khả thi hoặc đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng và tìm đối tác đầu tư.

Giữa tình trạng “nước sôi lửa bỏng”, tin Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT sẽ đầu tư dự án lọc hóa dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) với số vốn đầu tư lên tới 28,7 tỉ USD và công suất dự kiến 30 triệu tấn/năm khiến nhiều người ngỡ ngàng. Liệu dự án này có khả thi hay không khi đến nay, PTT cho biết chỉ có thể đóng góp tới 40% số vốn và phần còn lại sẽ huy động từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tập đoàn PVN đã từ chối tham gia dự án. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện đang tham gia vào dự án lọc dầu Nam Vân Phong và có thể sẽ không đủ tiềm lực tài chính để gia nhập dự án này của PTT. Vì lẽ đó, nguồn vốn đầu tư từ các đối tác nước ngoài sẽ đóng góp phần lớn vào sự thành công của dự án. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chỉ hợp tác với PTT một khi chắc chắn về các cam kết ưu đãi thuế của Chính phủ Việt Nam đối với dự án. Thực tế là, không phải dự án nào cũng nhận được gói ưu đãi của Chính phủ. Bằng chứng là hiện chỉ có 2 dự án lọc dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như Dung Quất, Nghi Sơn và nhà máy Vũng Rô nằm trong nhóm dự án quan trọng quốc gia, là được ưu đãi. Có thể thấy rằng, việc huy động vốn cho dự án của PTT không hề đơn giản.

Dư thừa công suất? Khó cạnh tranh?

Theo Quy hoạch ngành Dầu khí Việt Nam thì đến nay, với tất cả 6 dự án lọc hóa dầu quy mô lớn, tổng công suất lọc dầu nước ta sẽ lên tới con số trên 70 triệu tấn/năm. Một số ý kiến quan ngại là công suất trên quá dư thừa so với nhu cầu trong nước và bày tỏ quan điểm cần có lộ trình và kế hoạch cụ thể để tránh lãng phí đầu tư.

Trong Chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2020, tầm nhìn năm 2050, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc dầu trong nước, giai đoạn 2011 – 2015 của nước ta dao động trong khoảng từ 15 đến 20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu dự báo đến năm 2025 chỉ là 27 triệu tấn/năm. Vậy có thể thấy rằng, con số 70 triệu tấn/năm kia đã cao gấp 2,5 lần nhu cầu trong nước.

Vẫn biết phát triển lọc hóa dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu biến nước ta thành “trung tâm cung ứng và dịch vụ xăng dầu cho thị trường khu vực (Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia …) là điều cần hướng tới bởi Việt Nam rất có lợi thế về vị trí địa lý. Tuy nhiên, trên tất cả vẫn là tính hiệu quả của dự án khi tính đến nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu của thị trường. Sản lượng tiêu thụ xăng dầu của Lào năm 2012 vào khoảng 800.000 m3 (~ 560.000 tấn). Mặc dù 100% xăng dầu được bán tại Lào được nhập khẩu từ nước ngoài, tuy nhiên, chỉ 20% trong số đó là từ Việt Nam, 80% còn lại nhập từ Thái Lan và một số quốc gia khác. Campuchia nhập khẩu 100% từ Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Malaysia, trong đó dù nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tới 60-70% nhưng xét trên tổng nhu cầu các sản phẩm xăng dầu của quốc gia này (khoảng 1,7 triệu tấn/năm) thì con số 60% - 70% kia cũng không đáng kể. Chưa kể trong vài ba năm tới, rất có thể các quốc gia trên cũng sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy lọc dầu, theo đó, sản lượng trên 70 triệu/ tấn của Việt Nam ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước (khoảng 27 triệu tấn vào năm 2025) vậy còn 43 triệu tấn, sẽ được sử dụng vào mục đích gì?

Các dự án nhà máy lọc dầu tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Theo ông Trần Quốc Toản – nguyên Viện trưởng Viện dầu khí Việt Nam – Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có nhiều nhà máy lọc dầu lớn và đang dư thừa công suất. Rõ ràng, nếu các dự án tại nước ta không được tính toán cẩn thận về tính khả thi, tính hiệu quả thì rủi ro là điều khó tránh khỏi. Nhất là đối với những dự án sinh sau đẻ muộn, dự án có công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu, liệu có thể cạnh tranh với các dự án lọc hóa dầu của các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Hàn Quốc …?

Thực tế là các nhà đầu tư quốc tế hiện rất “hờ hững” với các dự án lọc dầu do lợi nhuận thấp, chi phí đầu tư quá cao và rủi ro lớn. Theo tính toán, dự án lọc dầu phải có mức sinh lợi IRR (chỉ số hoàn vốn nội tại) từ 13% - 17% mới đem lại hiệu quả, trong khi khả năng sinh lợi của bản thân dự án, như trường hợp Dung Quất, chỉ vào khoảng 5% - 7%. Đấy là còn chưa tính đến các nguy cơ rủi ro gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất đai và nguồn nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tiềm ẩn nguy cơ gây hại lâu dài. Thêm vào đó, các nhà máy lọc dầu lại thường đặt cạnh các bờ biển, nguy cơ phải hứng chịu thiên tai, chi phí khắc phục là rất lớn.

Thuế nhập khẩu khó giảm sâu?

Các nhà máy lọc dầu ở nước ta hiện nay được nhận khá nhiều ưu đãi từ Chính phủ và các cơ chế này thường được các chủ đầu tư xin thành công trước khi bỏ tiền xây dựng dự án. Hiện tại Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, Nghi Sơn và Vũng Rô đã xin thành công các gói ưu đãi về thuế nhập khẩu là 3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng dầu. Đơn cử như trường hợp nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong 10 năm đầu kể từ khi đi vào vận hành thương mại, dù sản xuất trong nước, không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng giá bán buôn xăng dầu ngay tại cổng nhà máy sẽ được tính bằng giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% đối với các sản phẩm lọc dầu (xăng dầu), 3% đối với các sản phẩm hóa dầu và 5% đối với LPG.

Theo nhiều chuyên gia, với cơ chế trên, rõ ràng sẽ rất khó cho Bộ Tài chính trong việc hạ thuế nhập khẩu giúp giảm chi phí cho dân, ngay cả khi cần thiết. Và có thể thấy rằng, từ nay việc giảm thuế xăng dầu dưới 7% là điều khó khả thi bởi Bộ sẽ phải cân nhắc liệu ngân sách có đủ tiền “bù” cho các nhà máy lọc dầu hay không.

Theo T.S Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương – đầu tư nhà máy lọc dầu cần vốn rất lớn, Việt Nam cũng cần phải có các nhà máy để đảm bảo an ninh năng lượng. Vì vậy, việc phải ưu đãi đầu tư là cần thiết. Các nước cũng có ưu đãi nhưng vấn đề nằm ở chỗ ưu đãi đến đâu và cân đối với lợi ích xã hội và lợi ích của người tiêu dùng như thế nào.

Nguồn: