NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
TRONG SỬA ĐỔI NGHỊ ĐỊNH 84/2009/NĐ-CP
(Dự thảo)
So với Nghị định 55/2007/NĐ-CP,Nghị định 84/2009/NĐ-CP có một bước tiến bộ đáng ghi nhận trong việc cụ thể hóa một phần quan điểm điều hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đây là những tiền đề pháp lý quan trọng để thị trường xăng dầu Việt Nam chuyển sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
I. Những ưu điểm và bất cập của Nghị định 84/2009/NĐ-CP
1. Những ưu điểm:
1.1. Đã bao phủ hầu hết các nội dung kinh doanh xăng dầu;
1.2. Thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn và điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật;
1.3. Mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu ổn định phù hợpvới điều kiện kinh tế xã hội và cam kết quốc tế;
1.4. Đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của nhân dân;
1.5. Từng bước tạo cho người sử dụng Việt Nam dần làm quen với việc thay đổi giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với diễn biến giá cả của thị trường khu vực và thế giới;
1.6. Bước đầu đã đa dạng hóa các thương nhân đầu mối thuộc nhiều thành phần kinh tế.
2.Những bất cập:
2.1. Một số quy định trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP rất khó thực hiện nếu không nói là không thể thực hiện được, cụ thể là:
2.1.1. Quy định Tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000m3 chưa sát với tình hình thực tế. Thứ nhất, để có một kho chứa xăng dầu như vậy, tổng đại lý cần có một diện tích trên 1ha (bao gồm cả hành lang an toàn theo quy định hiện hành), kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện dự án không dưới 3 năm vì thế điều kiện sở hữu hoặc đồng sở hữu một kho chứa với quy mô như vậy là bất khả thi. Do vậy, để có giấy phép hoạt động nhà đầu tư chỉ còn cách hợp thức hóa điều kiện này bằng một hợp đồng thuê với thương nhân đầu mối. Thương nhân đầu mối vì muốn phát triển thị phần của mình nên luôn sẵn sàng ký kết hợp đồng thuê mướn kho bãi cho Tổng đại lý – Điều đó cho thấy qui định này chỉ mang tính hình thức.
2.1.2. Việc quy định mỗi Tổng đại lý (hoặc Đại lý) chỉ được phép ký kết hợp đồng cung ứng với một thương nhân đầu mối (hoặc một Tổng đại lý) là chưa hợp lý, vì về bản chất, Hợp đồng Tổng đại lý (hoặc Đại lý) là mua đứt bán đoạn mà ở đó Tổng đại lý (hoặc Đại lý) phải chịu rất nhiều yếu tố rủi ro trong kinh doanh. Mặt khác, toàn bộ chi phí xây dựng cửa hàng xăng dầu đều do Tổng đại lý (hoặc Đại lý) đảm nhận mà không có sự hỗ trợ nào của thương nhân đầu mối vì thế việc quy định như trong dự thảo thiếu sự công bằng. Trên kết quả khảo sát nhiều Tổng đại lý và Đại lý cho thấy, quy định này không được thực hiện.
2.2. Chưa làm rõ trách nhiệm của thương nhân đầu mối, Tổng đại lý và Đại lý và cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra và xử phạt hệ thống kinh doanh xăng dầu bao gồm thương nhân đầu mối, Tổng đại lý và Đại lý;
2.3. Việc hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong xã hội.
II. Những bất cập trong việc tổ chứcthực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP
1 -Không thực hiện đầy đủ thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp được quy định tại Điều 27. Trên thực tế, Doanh nghiệp chỉ được quyết định bốn lần theo cơ chế hậu kiểm, năm lần theo phương thức đăng ký giá và chờ phê duyệt. Từ ngày 09 tháng 08 năm 2010 đến nay, giá bán trong nước do Bộ Tài chính quy định.
2 -Không thực hiện việc ổn định thuế nhập khẩu như qui định tại Điều 25 và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá bán lẻ xăng dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi tăng thì tăng cao, tăng nhanh nhưng khi giảm thì giảm nhỏ giọt khiến dư luận không đồng tình.
3 -Có sự bất cập trong việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn như qui định tại Điều 26. Thí dụ, như việc trích lập Quỹ bình ổn thông qua giá bán lẻ là thiếu hợp lý, không làm rõ các nguyên tắc quản lý quỹ và việc sử dụng quỹ không minh bạch, không đúng thời điểm, quá lạm dụng Quỹ bình ổn để điều tiết giá bán lẻ, gây ra những cú sốc không cần thiết, gây bức xúc trong xã hội và chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội như đã nêu ở phần trên.
4 -Chậm xác định chi phí kinh doanh xăng dầu hợp lý từ khâu tạo nguồn đến khâu bán lẻ làm ảnh hưởng đến việc đến việc xác định giá cơ sở và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
III. Sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam trong việc sửađổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP như sau:
1 -Đảm bảo hoạt động kinh doanh xăng dầu được vận hành theo đúng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước;
2 -Tạo ra khung pháp lý thúc đẩy thị trường xăng dầu Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với thị trường khu vực và thế giới.
3 -Đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng. Đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước;
4 - Đảm bảo an ninh năng lượng;
5-Đảm bảo các doanh nghiệp kinh doanhxăng dầu không bị lỗ do cơ chế;
6-Tạo điều kiện cho người sử dụng có được các thông tin minh bạch về giá bán lẻ xăng dầu để tránh những bức xúc không đáng có của người tiêu dùng tại các thời điểm tăng giảm giá bằng cách minh bạch hóa giá bán lẻ xăng dầu;
7-Những nội dung sửa đổi của Nghị định cần được quy định cụ thể, minh bạch, dễ hiểu cho các đối tượng kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý, thanh tra kiểm soát và người sử dụng.
Xuất phát từ cách đặt vấn đề như trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có những ý kiến đóng góp việc sử đổi bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 9:
1.1.Khoản1 cần quy định rõ: Trong hạn mức tối thiểu được cấp hàng năm chia theo quý, các thương nhân đầu mối phải nhập khẩu xăng dầu đúng chất lượng và tiến độ.
Có như vậy mới nêu cao trách nhiệm của các thương nhân đầu mối trong việc đảm bảo nguồn, tránh dồn nguồn về một đầu mối nhập khẩu khi giá thế giới tăng cao.
1.2. Khoản 12 bổ sung của Điều 9 đượcsửa như sau:
- Thương nhân đầu mối có trách nhiệm công bố giá cơ sở và giá bán lẻ hiện hành trên trang thông tin điện tử của mình.
- Hàng Quý thương nhân đầu mối có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử tồn Quỹ Bình ổn giá.
- Cứ 6 tháng, thương nhân đầu mối có trách nhiệm thông báo trên trang thông tin điện tử của đơn vị việc trích lập, sử dụng và tồn Quỹ Bình ổn giá.
Lý do mà Hiệp hội chỉ quy định trách nhiệm như vậy đối vớithương nhân đầu mối vì yêu cầu thông báo những thông tin khác sẽ làm mất rấtnhiều thời gian thống kê của doanh nghiệp.
Nên bỏ thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu năm tài chính đã được kiểm toán (Điều 29 sửa đổi quy định công bố thông tin này doBộ Tài chính) vì đây là những thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được phép bảo mật.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:
2.1. Đề nghị bỏ Khoản 2 của Điều 13 vì để có một kho xăng dầu 3.000 m3 cần một diện tích quá lớn trong bối cảnh quỹ đất của các tỉnh và thành phố ngày một hạn hẹp, thời gian để thực hiện dự án quá dài và số tiền đầu tư không nhỏ, thêm vào đó nếu đổ hàng vào kho bể rồi xuất ra cho các cửa hàng sẽ làm cho tỷ lệ hao hụt tự nhiên do tính chất cơ lý sẽ tăng lên rất nhiều. Thực tiễn bốn năm qua thực hiện NĐ 84/2009/NĐ-CP cho thấy không có Tổng đại lý nào đạt được tiêu thức này.
2.2.Khoản 3: Đề nghị giảm xuống chỉ cònnăm (05) cửa hàng xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp và mười (10) cửa hàng xăngdầu làm Đại lý cho Tổng đại lý.
Thực tiễn cho thấy, chỉ với hệ thống 15 cửa hàng xăng dầu(bán bình quân 100m3/ tháng/ cửa hàng xăng dầu) thì đó đã là một Tổngđại lý lớn.
2.3.Bổ sung Điều 13a: Mục 01 nên bỏ và giao cho Sở Công Thương nơi Tổng đại lý đăng ký kinh doanh xác nhận và sau đó Sở Công Thương này có trách nhiệm thông báo cho các Sở Công Thương ở những tỉnh và thành phố khác nơi Tổng đại lý có các đại lý của mình hoạt động.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
3.1. Đối với Khoản 1, Khoản 2, nên sửalà:
1- Trong trường hợp chỉ được ký với một thương nhân đầu mối thì thương nhân đầu mối phải trả thù lao để Tổng đại lý (hoặc Đại lý) kinh doanh có lãi; trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh lỗ (do cơ chế để đảm bảo cân đối vĩ mô …) thì mức thù lao phải đủ bù đắp đủ chi phí kinh doanh cho Tổng đại lý (hoặc Đại lý).
2- Trong trường hợp nếu thương nhân đầu mối không đáp ứng các yêu cầu trên thì Tổng đại lý (hoặc Đại lý) có thể được ký tối đa với hai (02) thương nhân đầu mối (hoặc Tổng đại lý).
Dưới đây là các lý do để Hiệp hội có kiến nghị này:
Thứ nhất, về bản chất, Hợp đồng Tổng đại lý (hoặc Đại lý) là mua đứt bán đoạn mà ở đó Tổng đại lý (hoặc Đại lý) phải chịu rất nhiều yếu tố rủi ro trong kinh doanh. Mặt khác, toàn bộ chi phí xây dựng cửa hàng xăng dầu đều chỉ do Tổng đại lý (hoặc Đại lý) đảm nhận mà không có sự tham gia nào của thương nhân đầu mối vì thế việc quy định như trong dự thảo thiếu sự công bằng.
Thứ hai, nếu Điều khoản này trong Nghị định được thay đổi thì nguồn cung ứng xăng dầu sẽ đa dạng hơn và điều đó sẽ góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân đầu mối trong việc duy trì cũng như phát triển thị phần của mình bằng cách tìm những nguồn hàng đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý cũng như cắt giảm các khoản chi phí thiếu hợp lý trong từng khâu kinh doanh.
Thứ ba, nếu các Tổng đại lý được ký kết với nhiều nhà cung ứng xăng dầu thì sẽ tiết giảm được chi phí vận chuyển trong trường hợp cửa hàng xăng dầu của Tổng đại lý gần với kho của nhà nhập khẩu khác.
Theo ý kiến chúng tôi, nếu kiến nghị này được chấp thuận, thương nhân đầu mối và Tổng đại lý chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng tại cửa kho.
4. Sửa đổi Khoản 1 Điều 21 như sau:
Đề nghị giữ nguyên “Đối tượng thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu là thương nhân đầu mối”.
Không nên đưa Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là đối tượng thực hiện dự trữ lưu thông xăng dầu, vì:
Thứ nhất, việc đảm bảo nguồn là do thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm;
Thứ hai, Tổng đại lý chỉ là một mắt xích của cả quá trình cung ứng;
Thứ ba, số tiền để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông trong 07 ngày là quá lớn đối với Tổng đại lý.
5. Bổ sung Khoản 4 Điều 22 như sau:
Đề nghị bỏ và giữ nguyên Điều 22 như trước.
6. Thuế nhập khẩu xăng dầu (Điều 25).
Hiệp hội đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 25 “Ổn định thuế nhập khẩu trong từng năm trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/ năm, sản lượng nhập trong năm và khung thuế suất hợp lý.”
Sau đây lànhững ưu điểm của phương thức ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu trong từng năm:
1- Chúng ta đều rõ nguồn thu từ xăng dầu chiếm 10% ngân sách nhà nước, đây là nguồn thu rất quan trọng của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Thời gian qua, việc điều chỉnh thuế hầu như chỉ tập trung cho mục tiêu bình ổn giá nên mục tiêu thu ngân sách trở thành thứ yếu. Mặt khác giá dầu thế giới diễn biến phức tạp, phải điều chỉnh thuế nhập khẩu liên tục, gây khó khăn cho việc giám sát giá cơ sở của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý chức năng.
2 - Ổn định thuế nhập khẩu trong năm với mức thuế suấtthấp hơn 40% so với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
3 - Thuận tiện cho tính giá cơ sở do ổn định yếu tố thuế nhập khẩu.
4 - Thuận tiện cho Quyết định giá bán của thương nhân đầu mối.
5 – Ngăn chặn được những hành vi trục lợi trong tạm nhập-táixuất xăng dầu, cũng như đầu cơ kiếm lời mỗi lần tăng thuế nhập khẩu.
7. Sửa đổi Khoản 2 Điều 26 như sau:
Hiệp hội xin đề xuất hai phương án:
Phương án 1: Nếu Quỹ Bình ổn giá vẫn tiếp tục đượcsử dụng thì nên đổi tên là Quỹ Dự trữ Tài chính (để tiện việc theo dõi, trongcác kiến nghị của mình, chúng tôi vẫn dùng thuật ngữ Quỹ bình ổn). Trong trườnghợp này, Thủ tướng sẽ ban hành Quyết định riêng quy định nguyên tắc trích lập,quản lý và sử dụng Quỹ.
Theo ý kiến của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc hình thànhQuỹ Dự trữ Tài chính có thể lấy từ các nguồn sau:
-Trên cơ sở tăng chi phí định mức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trích 0,5% doanh số để trích lập Quỹ (tương đương 130 đồng/lít xăng, hoặc
-Trích một khoản lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp theo đúng tinh thần Quyết định 04/2009/QĐ-TTg về việc trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Thủ tướng ban hành ngày 09 tháng 01 năm 2009.
Về quản lý Quỹ, theo Hiệp hội, Quỹ này sẽ do doanh nghiệp tự quản lý. Doanh nghiệp được phép sử dụng quỹ này phục vụ hai mục đích:
1-Điều chỉnh giá xăng dầu theo quy định tại Điều 27 của Nghị định. Trong trường hợp, nếu việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu nhiều hơn số tiền có trong Quỹ mà Doanh nghiệp đang quản lý, thì Nhà nước có trách nhiệm bù đắp khoản chênh lệch này để tránh tình trạng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ do cơ chế.
2-Phục vụ hoạt động kinh doanh của mình trong thời gian Quỹ chưa được sử dụng để điều chỉnh giá xăng dầu nhưng phải trả lãi tương đương mức lãi suất huy động của ngân hàng.
Phương án 2:Bỏ Quỹ Bình ổn giá, vì:
- Khi thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán xăng dầu thì việc lập Quỹ Bình ổn giá là không cần thiết.
- Khi người dân chấp nhận giá bán xăng dầu theo cơ chế thịtrường.
- Giảm bớt và ổn định các yếu tố cấu thành giá bán, làm minh bạch giá bán lẻ xăng dầu.
- Nếu sử dụng hữu hiệu nguồn dự trữ lưu thông xăng dầu trong 30 ngày cũng là một biện pháp ổn định giá xăng dầu.
8. Sửa đổi Điều 27 như sau:
8.1.Sau khi bàn bạc và nghiên cứu kỹ các mặt ưu và nhược điểm của 3 phương án, Hiệp hội hoàn toàn nhất trí với Phương án 01 trong Bản dự thảo với các lưu ý sau:
8.1.1.Nếu Quỹ Bình ổn giá vẫn được duy trìvà Nhà nước tiếp tục sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều chỉnh giá bánlẻ thì:
Khi giá xăng dầu thế giới giảm, Điểm b Khoản 2 cần được sửa đổi như sau: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên sáu phần trăm (> 6%) so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính (phần vượt trên 6%) theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu, Quỹ Bình ổn giá, …), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá”.
Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng thì Điểm a Khoản 3 trong dự thảo được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3% (≤3%) so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá tương ứng. Điểm b của Khoản 3 được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền tăng giá theo Điểm a Khoản này cộng thêm 60% của mức giá tăng trên 3% đến 7%; 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo quy định.” Điểm c của Khoản 3 sửa là “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua việc điều hành thuế, Quỹ Bình ổn giá và các biện pháp khác theo luật định.”
8.1.2.Nếu Quỹ Bình ổn giá vẫn được duy trì và thuế suất nhập khẩu ổn định trong năm thì bỏ Điểm a, Điểm b Khoản 2 được sửa như sau: “Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm thì tối đa trong phạm vi 10 ngày các doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá”.
Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng thì Điểm a Khoản 3 trong dự thảo được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3% (≤3%) so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá tương ứng. Điểm b của Khoản 3 được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền tăng giá theo Điểm a Khoản này cộng thêm 60% của mức giá tăng trên 3% đến 7%; 40% còn lại sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp theo quy định.” Điểm c của Khoản 3 sửa là” “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá và các biện pháp khác theo luật định.”
8.1.3. Trong trường hợp bỏ Quỹ Bình ổn giá và Nhà nước tiếp tục sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ điều chỉnh giá bán lẻ thì Điểm b Khoản 2 sửa là : "Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trên sáu phần trăm (> 6%) so với giá bán lẻ hiện hành, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính (phần vượt trên 6%) theo quy định của pháp luật (Thuế nhập khẩu), thương nhân đầu mối tiếp tục giảm giá bán lẻ của mình; không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá”.
Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng thì Điểm a Khoản 3 trong dự thảo được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3% (≤3%) so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá tương ứng. Điểm b của Khoản 3 được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền tăng giá theo Điểm a Khoản này cộng thêm 60% của mức giá tăng trên 3% đến 7%; 40% còn lại Nhà nước sẽ bù đắp cho doanh nghiệp đầu mối”. Điểm c của Khoản 3 sửa là” “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua việc điều hành thuế và các biện pháp khác theo luật định.”
8.1.4. Trong trường hợp, bỏ Quỹ Bình ổn giá và thuế suất nhập khẩu ổn định trong năm thì Điểm a, Điểm b Khoản 2 sửa là : “Nếu các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm thì tối đa trong phạm vị 10 ngày các doanh nghiệp đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng không hạn chế khoảng thời gian giữa hai (02) lần giảm và số lần giảm giá”.
Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng thì Điểm a Khoản 3 trong dự thảo được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3% (≤3%) so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền chủ động tăng giá tương ứng.” Điểm b của Khoản 3 được sửa là: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng từ 3% đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền tăng giá theo Điểm a Khoản này cộng thêm 60% của mức giá tăng trên 3% đến 7%; 40% còn lại Nhà nước sẽ bù đắp cho Doanh nghiệp đầu mối”. Điểm c của Khoản 3 sửa là “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo luật định.”
Trong mọi trường hợp thời gian giữa hai lần tăng giá tối thiểulà 10 ngày.
8.2.Bỏ hai từ “dương lịch”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:
- Tăng cường thêm trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố,vì hoạt động kinh doanh xăng dầu diễn ra tại địa bàn nên khi có vụ việc thì địa phương giải quyết kịp thời nhất.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện nghiêmcác chế tài, có như vậy mới đưa Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đi vào cuộc sống.
10. Nên bổ sung thêmmột điều khoản về “Nghĩa vụ và quyềnlợi của thương nhân kinh doanh xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa” trong Nghị định.
- Hiệp hội đề xuất bán theo giá vùng 2 với mức tăng hơn so với giá bán vùng 1 là hai phần trăm (2%), bởi vì nếu giá bán xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa bằng giá bán vùng 1 cộng tới các chi phí, như vậy đồng bào dân tộc ở vùng này phải gánh chịu quá nhiều thiệt thòi.
Trên đây là những ý kiến đóng góp của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho việc sửa đổi bổ sung Nghị định 84/2009/NĐ-CP và mong rằng những ý kiến đóng góp này sẽ góp phần tháo gỡ những bất cập trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.
Download tài liệu tại đây: Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 84 của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)