VINPA gặp mặt các thương nhân phân phối khu vực phía Bắc
04:01 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Sáu, 2022

TNPP là một mắt xích vô cùng quan trọng của mạng lưới kinh doanh xăng dầu nhưng tiếng nói chưa đủ lớn và chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là một trong những nội dung được Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề cập tới trong cuộc gặp mặt với các thương nhân phân phối (TNPP) khu vực phía Bắc ngày 16/6/2022 mới đây tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Mở đầu hội nghị, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội đã đề cập và bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến của các TNPP xoay quanh 4 vấn đề nổi cộm là: lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), vấn đề đảm bảo nguồn và thù lao của TNPP, vấn đề liên quan đến văn bản 2660 và 2908 của Bộ Công Thương và các quy định về cửa hàng xăng dầu (giấy phép, thiết kế,…).

Ông Trịnh Quang Khanh phát biểu mở đầu cuộc gặp mặt

Tiếp theo phát biểu của ông Trịnh Quang Khanh, Chủ tịch VINPA đã khẳng định vai trò quan trọng của TNPP khi cho rằng hoạt động tổ chức kinh doanh thị trường của ngành xăng dầu mang tính chất mạng lưới, trong đó, TNPP là một thực thể quan trọng nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Từ trước đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành 4 Nghị định để quản lý về xăng dầu, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đều phát sinh rất nhiều vướng mắc. Những nội dung trong các Nghị định chủ yếu liên quan đến các thương nhân đầu mối (TNĐM) và chưa thực sự có tiếng nói của các TNPP. Do đó, Hiệp hội dự kiến sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương về việc tổ chức một hội nghị toàn quốc quy tụ và kết nối các TNPP, đồng thời lên phương án xây dựng các hội TNPP trên địa bàn các tỉnh để tiếng nói đủ mạnh.

Ông Bùi Ngọc Bảo phát biểu tại buổi gặp mặt

Liên quan đến cơ chế kinh doanh xăng dầu, người đứng đầu VINPA cho biết, cơ chế kinh doanh của cuối năm 2021 và đầu năm 2022 rất khó khăn, trong bối cảnh giá xăng dầu biến động mạnh và nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ukraine. Cụ thể, trước đây gần như không có khái niệm chiết khấu bằng 0, nhưng nay nhiều TNPP phải nhập hàng với mức chiết khấu này trong thời gian dài, dẫn đến càng bán càng lỗ. Ngoài ra, khác với thời điểm giá dầu lập đỉnh thời điểm năm 2018 với biên độ vừa phải, năm 2022 giá dầu liên tục theo thang và biến động theo ngày với biên độ rất lớn, từ 5-10 USD/ thùng, khiến hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều rủi ro về giá.

Nhắc đến một trong những vấn đề bất cập nhất về cơ chế là chi phí kinh doanh xăng dầu định mức, ông Bảo đánh giá mức chi phí hiện nay do Liên Bộ quy định trong giá cơ sở thấp hơn nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu phải bỏ ra và đã nhiều năm không thay đổi. Ông cũng đặt ra vấn đề là Nhà nước cần xây dựng thêm chi phí tối thiểu dành cho các TNPP để họ có thể tồn tại trên thị trường chứ không chỉ thụ động trông chờ vào chiết khấu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty CP Tự Lực I, là thương nhân phân phối tại Sơn Tây, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc nguồn cung bị thiếu hụt trầm trọng do những biến động địa chính trị, giá cả còn tăng một cách “khủng khiếp”: xăng tăng 60%, dầu tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng lần lượt 40% và 60% so với thời điểm đầu năm, gây ảnh hưởng rất lớn đến năng lực nhập hàng của doanh nghiệp. Trước có thể nhập được 1000m3 nhưng nay với cùng một số tiền như vậy chỉ nhập được 600m3.

Ông cũng đồng cảm và chia sẻ khó khăn của các TNĐM khi cho rằng họ phải cân nhắc về vốn, nếu càng nhập về bán càng lỗ (do chi phí kinh doanh định mức thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế) thì sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn của doanh nghiệp. Mặt khác, nếu lỗ thì không ngân hàng nào cho mở L/C để nhập hàng về.

Ông Nguyễn Văn Tiu đóng góp ý kiến

Bên cạnh việc đưa ra cảnh báo nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây vỡ trận và khiến thị trường xăng dầu ngày một méo mó, ông Tiu cũng đóng góp một số đề xuất để VINPA kiến nghị tới cơ quan quản lý Nhà nước:

Một là, để giảm giá bán lẻ xăng dầu, đề nghị Chính phủ giảm các loại thuế như thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với mặt hàng xăng)thay vì giảm thuế BVMT vì mức giảm 500-1000đ thuế BVMT không có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Hai là, để hệ thống bán lẻ được hoạt động trơn tru và ổn định, Nhà nước cần có chính sách để các TNPP phải được hưởng chi phí tối thiểu 500đ/lít để vận hành doanh nghiệp vì mức chiết khấu bằng 0 như vừa qua đi ngược lại với mọi quy luật kinh tế, không thể bán dưới giá mua.

Ba là, trong những trường hợp các TNĐM không thể đảm bảo về nguồn cung, các TNPP được phép nhập khẩu từ nước ngoài và mua hàng của các đơn vị sản xuất để cung ứng cho mạng lưới của mình.

Dưới góc nhìn của đại diện TNPP là Công ty TNHH Huy Hoàng (Lâm Thao, Phú Thọ) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng (Hòa Bình), hiện nay bên cạnh việc bị thanh tra, kiểm tra với tần suất quá dày đặc, doanh nghiệp xăng dầu còn gặp vướng mắc rất nhiều khi xây dựng phương án PCCC theo yêu cầu của đơn vị PCCC, xây dựng chương trình ISO theo tiêu chuẩn của Sở KHCN khi những tiêu chuẩn này gây khó khăn cho doanh nghiệp. Có những thương nhân quy mô rất nhỏ nhưng cơ quản quản lý yêu cầu phải có phòng pháp chế trong khi không thật sự cần thiết. Thiết kế cửa hàng xăng dầu có tới 3 Bộ quy định chồng chéo, khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Huy Hoàng phát biểu về những vướng mắc tại CHXD

Đại diệnCông ty NHH Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng phát biểu tại cuộc gặp mặt

Với vai trò là TNPP đã gắn bó nhiều năm với ngành xăng dầu, ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Công Minh bày tỏ lo lắng khi chỉ còn ít ngày nữa là tới thời điểm 1/7/2022 khi các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải thực hiện Thông tư 78/2021/TT-BTC về áp dụng hóa đơn điện tử. Ông cho biết, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ có quy định: “đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác như điện, nước,…thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước”. Tuy nhiên, xăng dầu cũng là một loại hình tương tự nhưng lại không có trong danh sách này. Nếu vẫn thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 78 thì mỗi cây xăng phải thuê 3-4 kế toán mới có thể làm được, gây lãng phí và tốn kém cho doanh nghiệp.

ông Nguyễn Công Minh chia sẻ về khó khăn về hóa đơn điện tử

Hiện tại quy định về thiết kế PCCC đang khiến doanh nghiệp rất bối rối và khó thực hiện. Nếu như trước đây thiết kế PCCC nằm trong thiết kế xây dựng của cửa hàng xăng dầu đã được các sở, ban, ngành phê duyệt rồi thì giờ theo yêu cầu là phải có thiết kế riêng. Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) tại hội nghị. Bà còn thông tin thêm, thời điểm có chiết khấu tốt thì lại bị giới hạn về lượng hàng nhập.

Bà Nguyễn Thị Sinh bày tỏ lo lắng về quy định thiết kế PCCC tại CHXD

Ông Nguyễn Việt Hoàng, đại diện Công ty TNHH Đại Long cũng chỉ ra bất cập trong quy định về điều kiện để được làm TNPP. Cụ thể, trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định TNPP phải có hệ thống phân phối xăng dầu trên địa bàn của 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương trở lên và trong Giấy phép đăng ký xin làm TNPP, doanh nghiệp phải ghi rõ cụ thể 2 địa bàn hoạt động tại thời điểm nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nếu sau này có phát triển địa bàn mà không được đề cập đến trong Giấy đăng ký thì sẽ không thể làm được. Ông cũng kiến nghị Hiệp hội có ý kiến về vấn đề này với Bộ Công Thương để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đại diện Công ty TNHH Đại Long chỉ ra vướng mắc về quy định TNPP

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng gửi lời cám ơn và đánh giá cao sự can thiệp kịp thời của Hiệp hội trong việc xử lý văn bản 2660 về quy định bán giá vùng 2 của Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các TNPP.

Ông Bùi Ngọc Bảo phát biểu kết luận

Kết luận tại buổi gặp mặt, chủ tịch VINPA cho biết để hạn chế tình trạng thiếu nguồn, các doanh nghiệp cần ràng buộc với nhau bằng các hợp đồng kinh tế chặt chẽ trong cung ứng xăng dầu, quy định cụ thể ngày tháng và lượng hàng sẽ nhập với các chế tài thưởng phạt rõ ràng. Ông cũng chỉ ra thực trạng nhiều TNPP ký kết hợp đồng với những TNĐM lớn để lấy uy tín của thương hiệu nhưng thực tế lượng nhập hàng rất ít, đến khi các nguồn nhập khác không đủ thì quay lại xin nhập hàng của TNĐM đó, khiến các TNĐM không kịp bổ sung nguồn.

Xoay quanh việc giảm thuế, Ông Bảo cho biết Hiệp hội đã rất sát sao trong việc kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước giảm các sắc thuế như MFN, thuế BVMT, thuế TTĐB để giảm giá xăng dầu. Ông cũng đánh giá rằng theo lộ trình đến năm 2024 thuế nhập khẩu sẽ bằng 0 thì sẽ hạn chế được nguồn xăng dầu trôi nổi trên thị trường.

Cùng với việc ghi nhận những vướng mắc của các TNPP và sẽ kiến nghị lên Liên Bộ, lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các TNPP cần chú trọng nhiều hơn tới cơ chế, chính sách và cùng đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý trong việc xây dựng hành lang pháp lý trong kinh doanh xăng dầu, để cơ chế ngày một sát với thực tiễn và các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều không bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: