VINPA tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp xăng dầu trong bối cảnh dịch COVID-19 gửi VCCI
04:06 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Chín, 2021

Kính gửi Quý Hội viên,

Vừa qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhận được Công văn số 1482/PTM-KHTH ngày 17/9/2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc về việc tổng hợp những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 và những kiến nghị, đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch, làm căn cứ để báo cáo Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9/2021.

Phúc đáp công văn trên của VCCI, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã gửi tới VCCI một số ý kiến  như sau:

I. Khó khăn, vướng mắc
1 - Do nhiều tỉnh thành đặc biệt là những trung tâm kinh tế lớn thực hiện chỉ thị 15-16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách phòng dịch bệnh nên thị trường và nhu cầu xăng dầu giảm mạnh, tồn kho luôn ở mức cao. Trong khi đó, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu vẫn phải hoạt động với phương thức 3 tại chỗ, dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, đồng thời tiềm ẩn những hệ lụy về an toàn sức khỏe và an toàn cháy nổ;

2 - Khâu vận tải tạo nguồn xăng dầu bằng đường thủy, đường bộ gặp rất nhiều khó khăn do quy định về kiểm dịch hầu hết cán bộ thuyền viên đều ở trên phương tiện (thủy) trong thời gian dài và kiểm dịch 72 tiếng/lần, thay người cách ly 21 ngày, dẫn đến tình trạng không đủ nguồn nhân lực cũng như chi phí quá sức chịu đựng đối với doanh nghiệp;

3 - Do các doanh nghiệp không bán được hàng, tồn kho cao, dòng tiền suy giảm trầm trọng do không có nguồn thu trong khi vẫn phải trang trải các chi phí để duy trì hoạt động, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng thanh toán công nợ cho ngân hàng. Do đó, rất cần chính sách xử lý và hỗ trợ từ phía Nhà nước;

4 - Đối với các cơ sở lọc dầu: hiện lượng tồn kho tại các đơn vị này ở mức rất cao (hơn 90%) dẫn đến phải cắt giảm sản xuất trong khi đó cơ chế xuất khẩu bị hạn chế.

II. Kiến nghị
1 - Chính phủ sớm ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu; đồng thời có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu trong nước, khuyến khích xuất khẩu để giảm lượng tồn kho khi dịch bệnh được kiểm soát;

2 - Bộ Tài chính gia hạn thời gian chậm nộp thuế GTGT và thuế sử dụng đất trong 90 ngày mà không bị phạt;

3 - Chính Phủ có ý kiến với ngân hàng thương mại: giãn nợ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tăng hạn mức dư nợ ngân hàng, giảm lãi suất vốn vay để tồn trữ hàng tồn kho do không có khả năng trả nợ đúng hạn với các ngân hàng thương mại;
4 - Kiến nghị TP. Hồ Chí Minh dừng thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển trên địa bàn (Nghị quyết HĐND thu từ 01-10-2021). Việc tăng thêm chi phí đối với hàng hoá nhập khẩu (đầu vào) và xuất khẩu (đầu ra) tạo áp lực lên các doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến thu ngân sách;
5 - Theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, dự kiến năm 2024 thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0%. Như vậy, cần tính toán điều chỉnh các sắc thuế nội địa để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

6 - Chính phủ, Bộ Y tế cần có tiêu thức kiểm dịch (test nhanh, tự lấy mẫu...) để các doanh nghiệp tự kiểm soát theo quy trình tiến tới bãi bỏ các quy định về kiểm soát luồng xanh như hiện nay.

7 – Chính phủ thay đổi cơ chế xuất khẩu; tạm nhập tái xuất; tạm xuất tái nhập... cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu và đặc biệt đối với hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất.

Hiệp hội xin được báo cáo để Quý hội viên được biết.

Trân trọng,

Nguồn: