Ngày 7/12 vừa qua, đại diện Đại sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có buổi làm việc với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) liên quan đến việc phát triển nhiên liệu Ethanol tại Việt Nam.
Tham dự buổi làm việc có ông Ralph Bean, Tham tán Nông nghiệp Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Colby Branch, Giám đốc phụ trách các vấn đề Nông nghiệp thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.
Về phía VINPA có ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội và thường trực.
Trao đổi tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ về triển vọng phát triển của ethanol tại thị trường Việt Nam và những gì chính phủ có thể hỗ trợ trong lộ trình chuyển giao từ sử dụng E5 sang E10.
Chủ tịch VINPA cho biết, đối với nhiên liệu sinh học, Việt Nam đã có Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống với một lộ trình rất cụ thể, đi từ E5 tới E10. Nhưng thời gian qua, do nhiều yếu tố như ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng, diễn biến phức tạp của giá dầu,... nên chương trình này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Chủ tịch VINPA cũng cho rằng việc Việt Nam tham gia COP 26 nhằm giảm thiểu carbon cũng là động lực để Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Quyết định này.
Mặc dù hiện tại, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn đang sử dụng nhiên liệu Euro 2, Euro 3 do nhà máy lọc dầu trong nước vẫn đang sản xuất xăng dầu mức 2, mức 3 nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang triển khai lộ trình hướng tới việc sử dụng nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4, Euro 5.
Đứng từ góc độ người tiêu dùng, khách hàng thường mong rằng giá xăng sinh học cần thấp nữa so với giá xăng truyền thống để tạo sự hấp dẫn cho khách hàng.
Ông Bảo cho rằng hiện có 3 vấn đề cần giải quyết:
Một là giá, thuế nhập khẩu Ethanol cần giảm bởi nếu người tiêu dùng muốn sử dụng xăng E10 thì bắt buộc phải nhập khẩu Ethanol do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.
Hai là, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan nhà nước, quy định rõ tất cả các doanh nghiệp xăng dầu bán xăng E5 hay E10.
Ba là, cơ quan nhà nước cần giúp người tiêu dùng nhận thức rằng nhiên liệu sinh học rất tốt cho phương tiện và thân thiện với môi trường.
Trước đây, xe ô tô của Nhật Bản chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam (khoảng 70%) với các hãng như Toyota, Nissan,... nhưng các nhà sản xuất xe của Nhật Bản chưa thông tin rõ ràng rằng xe có thể dùng xăng/ dầu E5 hay E10, tuy hiện nay tình trạng này đã được khắc phục phần nào nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực sự nắm được những thông tin đầy đủ về nhiên liệu phù hợp cho xe của mình. Chính vì vậy, hiện nay, VINPA vẫn đang cố gắng đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Công Thương để tuyên truyền, phổ biến vấn đề này.
So với thị trường xăng dầu của Mỹ thì thị trường xăng dầu của Việt Nam phức tạp hơn khi có rất nhiều chủng loại xăng dầu trên thị trường, ngoài ra Ethanol là nhiên liệu có khả năng ngậm nước, khi tồn tại trong môi trường có độ ẩm không khí cao như Việt Nam sẽ dễ ảnh hưởng đến tỷ lệ chuẩn của Ethanol trong xăng dầu thành phẩm. Dẫn đến khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra nếu không đúng tỷ lệ Ethanol theo quy định sẽ bị phạt rất nặng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi bán xăng sinh học.
Ông Colby Branch hy vọng sắp tới sẽ có những cơ chế chính sách tốt dành cho thuế Ethanol, đồng thời hy vọng các doanh nghiệp của Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường xăng dầu tại Việt Nam, giúp cho người tiêu dùng Việt Nam hiểu được những lợi ích của nhiên liệu sinh học đối với động cơ xe và môi trường.
Đại diện VINPA nhận định Việt Nam vẫn là một thị trường rất tiềm năng cho việc tiêu thụ nhiên liệu sinh học, đồng thời cũng bày tỏ mong muốn có nhiều cơ hội hợp tác với Đại sứ quán Mỹ và Hội đồng Ngũ Cốc Hoa Kỳ trong thời gian tới.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)