(VINPA) - Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index - CPI) là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng, thường được sử dụng trong phân tích kinh tế, đánh giá tình hình lạm phát, quan hệ cung cầu, sức mua của dân cư.CPI không phản ánh mức giá mà phản ánhxu hướng và mức độ biến động giá theo thời gian của các mặt hàng trong "rổ" hàng hóa và dịch vụ đại diện.
“Rổ” hàng hóa, dịch vụ đại diện để tính chỉ số giá tiêu dùng là danh mục gồm các loại hàng hóa và dịch vụ phổ biến, đại diện cho sự tiêu dùng của dân cư. Theo thông lệ quốc tế, cứ 4-5 năm/lần sẽ có sự điều chỉnh cập nhật mới về mặt hàng trong giỏ hàng hóa tính CPI. Hiện nay, tổng số mặt hàng đại diện trong “rổ” hàng hóa thời kỳ 2009 – 2014 tại nước ta gồm có 572 mặt hàng và được chia thành 11 nhóm hàng khác nhau.
Để tính CPI, Tổng cục Thống kê phải xác định danh mục các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân và thu thập giá hàng tháng của chúng. Do mức tiêu dùng mỗi loại hàng hoá, dịch vụ không giống nhau nên CPI được tính(theo công thức Laspeyres) bằng phương pháp bình quân gia quyền giữa biến động giá của mỗi nhóm hàng hoá, dịch vụ trong danh mục hàng hoá và dịch vụ đại diện với quyền số là tỷ trọng mức tiêu dùng tương ứng của chúng trong tổng mức chi tiêu dùng cho đời sống hàng ngày của người dân. Hiện nay, chỉ số giá tiêu dùng được tính theo 5 gốc so sánh: năm gốc 2009, cùng kỳ năm trước, tháng 12 năm trước, kỳ trước, và chỉ số giá bình quân cùng kỳ. Thời gian lấy giá tính CPI theo quy định của Tổng cục Thống kê là từ ngày 15 tháng này đến ngày 15 tháng kế tiếp.
Xăng dầu thuộc nhóm hàng hóa“Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng” và là một trong 572 mặt hàng được quy định để tính CPI. Hiện xăng dầu là hàng hóa có quyền số chiếm tỷ trọng 10,01% trong rổ CPI(theo Bảng Quyền số dùng tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2009 – 2014 của toàn quốc). Vì thế, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định trong giá cả của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi chỉ số giá tiêu dùng.
Chỉ số CPI theo tháng năm 2013 tại nước ta (Nguồn: Internet)
Xét về mặt lý thuyết, khi giá xăng dầu biến động thì mức độ tác động trực tiếp đến CPI là không quá lớn. Tuy nhiên, xăng dầu là yếu tố phản ánh chi phí đầu vào của rất nhiều sản phẩm khác trong “rổ” hàng hóa tính CPI, bởi vậy, từ trước đến nay, việc điều chỉnh giá xăng dầu luôn được coi là yếu tố sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là theo chiều hướng tăng. Chẳng hạn, vào tháng 6 và tháng 7/2013, giá xăng đã tăng 3 lần. Việc tăng giá xăng dầu này không ảnh hưởng lớn đến CPI. Tuy nhiên, CPI của tháng 8/2013 vẫn tăng 0,83% so với tháng trước. Vậy nhóm hàng nào đã ảnh hưởng tới CPI của tháng 8?
Kết quả phân tích của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 0,83% (mức tăng của CPI tháng 8/2013) thì giá của nhóm hàng giao thông chỉ chiếm 0,1%. Ở đây, yếu tố tác động làm cho CPI tháng 8/2013 tăng phần lớn là do dịch vụ y tế và giáo dục. Dịch vụ y tế của Hà Nội đã làm cho nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,1%, góp 0,23% vào CPI tháng 8/2013. Ngoài ra, giáo dục sắp vào mùa khai trường và các hoạt động khác cũng làm chỉ số CPI tăng. Chỉ tính riêng 4 nhóm (giao thông, thuốc, dịch vụ y tế và giáo dục) đã đóng góp vào CPI 0,47%, các nhóm còn lại vào khoảng 0,36%. Các nhóm còn lại ở đây có thể hiểu là các mặt hàng lương thực thực phẩm khác, trước đó vẫn đang ở mức bình thường, nhưng do giá dịch vụ giao thông, y tế tăng nên tăng giá.
Thực tế là, không chỉ những ngành hàng bị tác động trực tiếp như giao thông sẽ có nhiều khả năng tăng giá mà kể cả với những mặt hàng khác cũng thường "tát nước theo mưa", gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để hạn chế tối đa tác động sau mỗi đợt thay đổi giá mặt hàng nhạy cảm này lên CPI tại nước ta.
Trước hết cần phải có những dự báo biến động giá dầu trên thế giới, từ đó sẽ xây dựng chương trình quản trị rủi ro giá dầu. Chương trình này sẽ nhận diện và phân tích rủi ro để dự báo giá dầu và đưa ra những kế hoạch ứng phó kịp thời. Ngoài ra, đối với mỗi lần tăng giá xăng dầu, Chính phủ cần ban hành kèm theo những quy định, chế tài cụ thể để hạn chế việc tăng giá tự phát của một số ngành, mặt hàng tiêu dùng phổ biến. Thiết nghĩ nên có một mức giá niêm yết cụ thể cho các mặt hàng tiêu dùng này và nếu doanh nghiệp hoặc cá nhân muốn tự động tăng giá phải thông qua cơ chế đăng ký giá. Có như thế mới hạn chế được hiện tượng “thừa nước đục thả câu”, giúp giảm ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu lên Chỉ số giá tiêu dùng của cả nước.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)