Dầu thô lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần trong bối cảnh số liệu sản xuất suy yếu ở các quốc gia làm tiêu cực đến triển vọng tiêu thụ dầu. Kết thúc phiên 01/08, hợp đồng dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 giảm 4,80% về 93,89 USD/thùng, còn hợp đồng dầu thô Brent cũng đóng cửa thấp hơn 3,79% về mức 100,03 USD/thùng.
Giá dầu chịu sức ép ngay từ phiên sáng khi mà chỉ số Quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc trong tháng 7 rơi xuống mức 49 điểm. Chỉ số PMI dưới mức 50 điểm thường phản ánh sự suy yếu của các hoạt động sản xuất, vốn là một mũi nhọn kinh tế của Trung Quốc. Số liệu này phản ánh rõ ràng những khó khăn mà nền kinh tế thứ hai toàn cầu phải đối mặt khi thực hiện các chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Ngoài ra, hoạt động của các nhà máy tại Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chứng kiến sự sụt giảm trong tháng 7.
Không chỉ ở Châu Á, số liệu sản xuất ở cả khu vực Châu Âu và Mỹ cũng tiêu cực khiến cho lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ làm ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Viện Quản lý Cung ứng (ISM) đã công bố chỉ số PMI sản xuất của Mỹ giảm xuống 52,8 điểm. Tại khu vực đồng tiền chung Euro, chỉ số PMI sản xuất đã giảm xuống 49,8 trong tháng 7 so với mức 52,1 của tháng 6, và là lần đầu tiên xuống dưới mốc 50 kể từ tháng 6/2020.
Dầu vốn là một nguyên liệu đầu vào quan trọng trong ngành sản xuất nói riêng, và cả nền kinh tế nói chung, nên một loạt các số liệu kinh tế tiêu cực được công bố trong ngày hôm qua đã khiến cho sức ép bán được gia tăng trên thị trường và đẩy giá giảm mạnh hơn nữa trong phiên tối.
Những lo ngại về phía tiêu thụ cũng khiến cho các yếu tố về nguồn cung bị lu mờ và không thể hỗ trợ quá nhiều cho giá. Theo số liệu mới nhất của Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô chiến lược (SPR) của nước này đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 469,9 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/1985.
Sức mua trên thị trường dầu thô cũng khá hạn chế, khi mà các nhà đầu tư kỳ vọng vào việc sản lượng ở Lybia hồi phục lên mức 1,2 triệu thùng, cùng với việc Liên minh Châu Âu (EU) thông qua một số sửa đổi trong các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể làm cho tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường dầu sẽ giảm bớt.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Nến đóng cửa của phiên hôm qua cho thấy giá giảm mạnh cuốn bay đà tăng của tuần trước. Giá dầu thô WTI hiện chỉ dao động ở nửa dưới của Bollinger Band từ giữa tháng 6 tới nay, và đang có dấu hiệu đi ngang trong khoảng rộng từ 91 – 101 USD. Các chỉ số RSI và MACD đều đang cho thấy sức bán đang mạnh hơn và xác suất giá giảm đang nhỉnh hơn. Nhà đầu tư có thể canh bán nếu giá hồi lên 94,5 USD với kỳ vọng chốt lời ở mức 91,5 USD (cạnh dưới của Bollinger Band).
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)