Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua, do tồn kho xăng dầu giảm mạnh tại Mỹ. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 1,4% lên 116,87 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1,14% lên 117,61 USD/thùng.
Dầu thô chịu áp lực bán mạnh trong phiên sáng, sau khi Hungary tiếp tục đòi hỏi thêm các điều khoản miễn trừ đối với gói cấm vận thứ 6 mà EU dự định áp dụng lên Nga. Lo ngại về thỏa thuận chung bị đổ vỡ đã khiến cho giá trong phiên có lúc giảm đến 3 USD/thùng.
Tuy vậy, giá đã phục hồi sau khi chạm hỗ trợ tại vùng 112 USD/thùng. Ngoài ra, đến phiên tối, cuộc gặp giữa các đại sứ EU được nối lại, và nhóm thống nhất với các chính sách đề ra, bao gồm việc cấm nhập khẩu dầu thô bằng đường biển trong thời hạn 6 tháng và dừng nhập các sản phẩm lọc dầu trong vòng 8 tháng, đồng thời cắt Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, khiến cho việc tài trợ các đơn hàng mua dầu của Nga ngày càng trở nên khó khăn. Thông tin này giúp cho giá tăng mạnh trở lại trong phiên tối, bất chấp kết quả cuộc họp của OPEC+.
Sau một thời gian dài chịu sức ép của các nước tiêu thụ dầu lớn, dặc biệt là Mỹ, các thành viên OPEC+ đã thống nhất nâng mức tăng sản lượng dự kiến trong 2 tháng tới từ 432.000 thùng/ngày lên 648.000 thùng/ngày. Đây là một dấu hiệu cho thấy nhóm nỗ lực giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Tuy vậy, mức tăng thêm 200.000 thùng/ngày so với kế hoạch cũng không thể giải quyết triệt để “cơn khát” dầu trên thế giới hiện tại, đặc biệt khi bản thân OPEC+ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng. Hiện tại, nhóm được cho là đang sản xuất 2,7 triệu thùng/ngày thấp hơn so với hạn ngạch đề ra.
Đà tăng được hỗ trợ khi Báo cáo dầu khí hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho dầu thương mại giảm 5,1 triệu thùng/này. Kết hợp với số liệu từ Kho dự trữ chiến lược, tổng tồn kho dầu tại Mỹ giảm đến 15,6 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 27/05. Như vậy, tồn kho dầu Mỹ đang thấp hơn 15% so vưới mức trung bình 5 năm. Xuất khẩu các sản phẩm lọc dầu tăng mạnh do nhu cầu đi lại gia tăng trong mùa hè, và nhà cung cấp lớn là Nga chịu nhiều khó khăn trong khâu bán hàng, khiến cho sản phẩm từ Mỹ trở nên hấp dẫn với các khách hàng châu Âu.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá đã vượt qua vùng kháng cự mạnh tại 116 USD/thùng. Các chỉ số RSI và MACD đều hướng lên trên, trong khi dải Bollinger Bands mở rộng và di chuyển lên trên. Có thể canh mua dầu WTI kỳ hạn tháng 07/2022 tại vùng 117 USD/thùng và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)