Kết thúc phiên giao dịch ngày 04/11, lực bán quay trở lại thị trường dầu thô sau 2 phiên tăng liên tiếp trước đó trong bối cảnh lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài tại Mỹ và việc nới lỏng chính sách Zero-Covid tại Trung Quốc còn nhiều nghi vấn đang đè nặng lên triển vọng tiêu thụ. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 trên sở NYMEX giảm hơn 2% xuống mức 88,17 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở ICE giảm ít hơn ở mức 1,55% xuống 94,67 USD/thùng.
Giá dầu mở cửa phiên với lực mua và lực bán tương đối cân bằng. Một mặt, phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp lãi suất cho rằng mức lãi suất mục tiêu cuối cùng có thể sẽ cao hơn kỳ vọng trước đó đã gây áp lực lên giá dầu. Mặt khác, những tin đồn xung quanh việc Trung Quốc đang dần có kế hoạch nới lỏng chính sách Zero-Covid đã hỗ trợ tâm lý cho các nhà đầu tư về một bức tranh tiêu thụ tích cực hơn, và khiến giá dầu đón nhận lực mua trong phiên sáng.
Tuy nhiên, Ủy ban y tế quốc gia, cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc cho biết tại một cuộc họp rằng cách tiếp cận không khoan nhượng của nước này đối với dịch bệnh vẫn là chiến lược tổng thể. Điều đó đã gây ra sự thất vọng lớn cho các nhà đầu tư và khiến niềm tin về sự phục hồi nhu cầu dầu tại Trung Quốc lung lay, nhanh chóng gây áp lực bán trở lại đối với thị trường dầu.
Bên cạnh đó, về yếu tố vĩ mô, ngoài Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) trong ngày hôm qua cũng có động thái tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 3%, ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 33 năm. Đồng thời, BoE cũng ước tính nền kinh tế Anh sẽ bước vào suy thoái trong quý III năm nay và suy thoái sẽ kéo dài đến giữa năm 2024, khiến nền kinh tế suy giảm 2,9%. Triển vọng kinh tế kém sắc này cũng đã góp phần gây sức ép tới giá dầu.
Tuy vậy, lo ngại về nguồn cung thắt chặt vẫn đang còn là một ẩn số nhiều khả năng sẽ hạn chế đà giảm sâu của giá. Mới đây, nguồn tin từ Reuters cho biết nhóm G7 và Australia đã đồng ý giới hạn giá dầu Nga sẽ là một mức giá cố định được xem xét thường xuyên thay vì neo giá dưới dạng chiết khấu. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức G7 khác cho rằng mức trần giá bắt đầu từ ngày 5/12 đối với dầu thô và ngày 5/2 đối với các sản phẩm dầu sẽ hạn chế nguồn thu của Nga. Tuy nhiên, lo ngại việc Nga trả đũa bằng các biện pháp hạn chế nguồn cung có thể sẽ là yếu tố tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu. Giá dầu có thể phục hồi trở lại trong phiên sáng trước thông tin này.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang có xu hướng phục hồi trở lại từ kháng cự 87,7 USD/thùng. MACD vẫn đang nằm trên đường Signal và đường Zero, có thể mở mua tại 87,9 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời tại khoảng 89,3 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)