Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/09, giá dầu biến động tương đối giằng co trước khi kết phiên trong sắc đỏ. Dầu WTI đứt chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp sau khi giảm 0,77% xuống 86,87 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,75%, đóng cửa sát mốc 90 USD/thùng. Dữ liệu kinh tế vĩ mô phản ánh tình hình tăng trưởng hạn chế từ một số quốc gia lớn, đã tạm thời lấn át những lo ngại về nguồn cung và gây sức ép cho giá dầu.
Tăng trưởng kinh tế tại Khu vực Châu Âu (EU) không đạt được kỳ vọng, khi người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu trong môi trường lãi suất cao. Cụ thể, trong Quý II/2023, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU được điều chỉnh chỉ tăng 0,1% so với quý trước, thấp hơn mức tăng trưởng 0,3% theo báo cáo trước đó. Trong đó, chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình không đổi so với quý trước.
Sự điều chỉnh mức tăng trưởng EU thấp hơn báo cáo tháng trước khiến các nhà đầu tư thận trọng về triển vọng kinh tế tại khu vực này. Điều đó thúc đẩy một số hành động chốt lời sau khi giá dầu liên tục được hỗ trợ bởi yếu tố nguồn cung thu hẹp.
Tại Trung Quốc, hoạt động thương mại trong tháng 8 mặc dù có sự cải thiện so với tháng 7, nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vẫn giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng trưởng xuất khẩu giảm 8,8% so với tháng 8/2022.
Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô Trung Quốc trong tháng 8 vẫn là điểm sáng khi tăng 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái, do các nhà máy lọc dầu tăng tồn kho và sản lượng xử lý để hưởng lợi nhuận cao hơn từ xuất khẩu nhiên liệu. Trung Quốc đã nhập khẩu 52,80 triệu tấn dầu trong tháng 8 (tương đương 12,43 triệu thùng/ngày), cao hơn 20,9% so với tháng 7 và cao hơn 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vào tối qua, báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô thương mại giảm 6,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 1/9, giảm tuần thứ 4 liên tiếp và giảm hơn 6% trong tháng 8. Tồn kho xăng cũng giảm mạnh hơn 2 triệu thùng. Điều này cho thấy nhu cầu ổn định trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt.
Tuy nhiên, các dữ liệu không quá bất ngờ cho thị trường khi trước đó, Viện dầu khí Mỹ (API) cũng đã đưa ra các thống kê cho thấy sự sụt giảm trong hệ thống tồn kho dầu. Hơn nữa, tổng sản phẩm cung cấp, một thước đo về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày xuống 20,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức trung bình 4 tuần, phản ánh nhu cầu các sản phẩm lọc dầu chững lại so với tuần trước đó.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Trên khung D1, giá dầu đã xác nhận điều chỉnh giảm sau khi kết thúc phiên sát với mức giá mở cửa của phiên trước đó, đây có thể là tín hiệu dự báo cho xu hướng điều chỉnh giảm vào cuối tuần xuống mức 84 – 85 USD.
Trên khung H4, giá dầu đã có dấu hiệu phá vỡ đường xu hướng hỗ trợ tăng kể từ cuối tháng 8, nhiều khả năng trong bối cảnh không còn nhiều thông tin hỗ trợ giá dầu có thể sẽ điều chỉnh hạ nhiệt trong phiên cuối tuần xuống mức giá hỗ trợ 84 USD.
TIN KHÁC
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)
Bản tin MXV Năng lượng 07/09: Dầu WTI thiết lập chuỗi tăng giá theo ngày dài nhất hơn một thập kỷ(07/09/2023)