Giá dầu ghi nhận phiên giao dịch ngày 08/06 đầy biến động, với dầu WTI đã có thời điểm rơi xuống sát mốc 69 USD/thùng trước khi lấy lại đà phục hồi. Kết phiên, đà giảm của giá dầu được thu hẹp một phần, với dầu WTI đóng cửa ở mức 71,29 USD/thùng, giảm 1,71% so với mốc tham chiếu. Giá dầu Brent giảm 1,29% xuống 75,96 USD/thùng.
Biến động giằng co của giá dầu đã bị phá vỡ trong phiên tối xung quanh thông tin về thỏa thuận hạt nhân Iran. Thỏa thuận này ra đời năm 2015, yêu cầu Iran chấp nhận các hạn chế đối với chương trình hạt nhân, chịu sự giám sát của Liên hợp quốc để đổi lấy việc chấm dứt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ và EU.
Cụ thể, Middle East Eye dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết Iran và Mỹ đã "đạt được một thỏa thuận tạm thời". Theo đó, Iran sẽ chấp nhận giới hạn đối với chương trình hạt nhân của mình, ngừng làm giàu uranium độ tinh khiết từ 60% trở lên và tiếp tục hợp tác với cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, nhằm đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, trong đó có việc xuất khẩu dầu mỏ tới 1 triệu thùng/ngày.
Giá dầu giảm mạnh khoảng 3 USD/thùng trước thông tin này do kỳ vọng một lượng cung dầu lớn từ Iran sớm được quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, giá đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi vào cuối phiên khi Mỹ và Iran chính thức lên tiếng phủ nhận báo cáo trên. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng gọi báo cáo là "sai sự thật và gây hiểu lầm".
Các quan chức Mỹ và châu Âu đã tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran kể từ khi các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran, Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ bị đổ vỡ.
Mặc dù vậy, giá dầu nhìn chung vẫn gặp áp lực trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và Châu Âu, và kết thúc phiên ngày 08/06 trong sắc đỏ.
Khu vực đồng Euro bước vào “suy thoái kỹ thuật” sau khi điều chỉnh dữ liệu tăng trưởng quý I/2023, đưa nền kinh tế khu vực tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp. Khối 20 thành viên đã báo cáo tốc độ tăng trưởng đạt mức -0,1% trong quý đầu năm 2023, theo ước tính sửa đổi từ văn phòng thống kê của khu vực.
Tại Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 03/06 tăng 28.000 lên 261.000, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, cho thấy tác động của các cuộc sa thải bắt đầu có ảnh hưởng.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu khác tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ và thận trọng trong việc chống lạm phát. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế tại các quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, gây sức ép tới giá dầu trong phiên.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu rơi xuống bên dưới cạnh giữa dải Bollinger Band đang có tín hiệu hướng xuống trên khung H4, sẽ di chuyển trong vùng hỗ trợ 70 USD và kháng cự 71,7 USD. Thanh khoản dày và lực bán trong phiên hôm qua rất mạnh. Giá dầu nhiều khả năng sẽ hướng xuống vùng 70 USD trước khi rút chân tăng trở lại. Nhà đầu tư có thể bán ngắn tại 71,5 USD với kỳ vọng chốt lời tại 70,2 USD. Cắt lỗ tại 72,1 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)