Bản tin MXV Năng lượng 11/05: Dầu WTI đánh mất mốc 100 USD/thùng sau 2 phiên giảm mạnh liên tiếp
03:13 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Năm, 2022

Giá dầu duy trì đà giảm trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,23% xuống 99,76 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,28% xuống 102,46 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong tháng giá dầu tại Mỹ đóng cửa dưới mức 100 USD/thùng.

Chỉ trong vòng 2 phiên đầu tuần, giá dầu thô WTI đã giảm khoảng 9%. Việc Trung Quốc thắt chặt thêm các biện pháp hạn chế tại hầu hết các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải đang gây ra nhiều tâm lý lo ngại trên thị trường. Dù vậy số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời kỳ phong tỏa, và khiến cho thị trường lo ngại rằng chính sách Zero-Covid này sẽ còn phải triển khai trong thời gian dài trước khi các hoạt động sản xuất và sinh hoạt có thể quay trở lại bình thường. Như vậy, nhu cầu đi lại và hoạt động sản xuất suy yếu sẽ kéo theo tiêu thụ dầu giảm dần.

Báo cáo Triển vọng Tiêu thụ Năng lượng Ngắn hạn phát hành tối qua, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã hạ dự báo tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2022 từ mức 99,8 triệu thùng/ngày xuống 99,61 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu trong năm 2023 cũng điều chỉnh giảm từ 101,73 triệu thùng/ngày xuống 101,55 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân chủ yếu do EIA điều chỉnh giảm số liệu tiêu thụ dầu của 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc xuống 15,56 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 90.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong báo cáo tháng 4. Đây là yếu tố tiêu cực đối với thị trường, khi hai quốc gia “đầu tầu” đều cho thấy sự giảm sút.

Các số liệu của EIA được xây dựng dựa trên các thông tin vào ngày 05/05, trước khi EU đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Do đó, mặc dù EIA hạ dự báo sản lượng dầu thế giới từ 100,21 triệu thùng/ngày xuống 99,89 triệu thùng/ngày, con số này vẫn chưa phản ánh thực chất tình trạng giảm sụt nguồn cung dầu của thị trường trong thời gian tới, nếu lệnh cấm vận được thông qua.
Chỉ số Dollar Index tăng mạnh trong phiên hôm qua và duy trì ở mức đỉnh 20 năm, thể hiện dòng tiền đang quay trở lại các thị trường trú ẩn, và góp phần gây áp lực đến giá các hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh.

Giá dầu tiếp tục chịu áp lực trong phiên sáng nay, khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/05. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng, ngược với kỳ vọng giảm của thị trường.

Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị

Các chỉ số kỹ thuật tương đối tiêu cực, với MACD cắt hẳn xuống dưới đình Signal trong khi RSI hướng xuống dưới. Giá có tín hiệu đi xuống cạnh dưới dải Bollinger Bands. Giá có thể sẽ test lại các hỗ trợ mạnh vùng 97 USD/thùng và 95 USD/thùng. Có thể canh bán hợp đồng dầu WTI tháng 06/2022 khi giá ở vùng 100-100,5 USD/thùng, và kỳ vọng chốt lời 2 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: