Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu WTI đóng cửa cao hơn 0,2% lên 120,9 USD/thùng, còn dầu thô Brent cũng tăng cùng mức lên 122,3 USD/thùng.
Giá cả hai mặt hàng đều giảm trong phiên sáng, do sức ép bán tiếp nối hai phiên cuối tuần trước. Việc Trung Quốc vẫn đang phải gồng mình để chống chọi với dịch bệnh Covid-19, nên khiến cho sức mua không tăng quá mạnh. Quận Chaoyang, khu vực đông dân nhất của Thủ đô Bắc Kinh đã công bố sẽ tiến hành ba đợt “test” hàng loạt để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khó tăng mạnh trở lại như dự đoán trước đó, khi các nhà chức trách của nước này vẫn đặt ưu tiên chống dịch lên hàng đầu.
Những đợt tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới cũng là một yếu tố khác khiến cho giá dầu gặp áp lực khiến cho giá dầu WTI đã có lúc giảm về dưới 118 USD/thùng và giá dầu thô Brent cũng kiểm nghiệm lại mốc 120 USD. Áp lực lạm phát do giá năng lượng leo thang đã khiến cho các nhà hoạch định chính sách phải vào cuộc và tìm cách hạ nhiệt giá dầu.
Trong bối cảnh nguồn cung rất khó gia tăng để bù lại khoảng trống 2 triệu thùng từ Nga, thì việc cắt giảm nhu cầu tiêu thụ có thể khiến cho đà tăng của giá dầu phần nào chậm lại. Đồng USD tăng mạnh trong phiên hôm qua, với chỉ số Dollar Index tăng lên 105.08 điểm, mức cao nhất trong vòng 20 năm, phản ánh rõ ràng kỳ vọng của thị trường vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, kết thúc vào ngày 15 tuần này. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cũng đang hướng tới đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011 vào tháng 7 để kiềm chế đà tăng giá của hàng hóa ở khu vực đồng tiền chung Euro.
Tuy nhiên tới phiên tối, những lo ngại về nguồn cung quay trở lại, khiến các nhà đầu tư tin rằng ngay cả một cuộc suy thoái kinh tế cũng không khiến cho nhu cầu tiêu thụ dầu bị cắt giảm đủ để đưa cán cân cung cầu trên thị trường dầu thô về lại trạng thái cân bằng. Giá cả hai mặt hàng dầu thô vì thế cũng bật tăng trở lại sau hai phiên giảm liên tiếp. Goldman Sachs cũng đã nhấn mạnh về việc giá năng lượng ở Mỹ sẽ cần phải tăng mạnh hơn để người tiêu dùng cắt giảm nhu cầu. Trong bối cảnh mà năng lực sản xuất dầu của Mỹ hay OPEC+ đều bị giới hạn, còn nguồn cung từ Iran khó quay lại với thị trường dầu thô thế giới, nhiều khả năng giá dầu vẫn có thể giữ được ở vùng cao như hiện nay.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Giá dầu thô WTI vẫn bật lên từ mức hỗ trợ 118 USD/thùng. Dù biến động mạnh trong phiên nhưng giá vẫn nằm trong dải Bollinger Band. Chỉ số RSI đã quay trở lại trên mức 50, phản ánh lực mua đang có phần áp đảo hơn. Các nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế mua ở mức 120 USD và chốt lời khi giá test lại mức đỉnh gần nhất là 122 USD.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)